(*) Bài viết tiết lộ một phần nội dung phim
The Batman là dự án tái khởi động (reboot) thứ hai về siêu anh hùng nổi tiếng, nối tiếp thành công vang dội của bộ ba The Dark Knight (2005-2012) do Christopher Nolan thực hiện.
Nội dung kể về cuộc sống của tỷ phú Bruce Wayne (Robert Pattinson) sau hai năm khoác áo Người Dơi tại thành phố Gotham. Chuyện phim bắt đầu khi anh nhận được lời thách thức của Riddler (Paul Dano) sau khi gã giết thị trưởng. Từ đó, nhiều bí mật xoay quanh giới quan chức bị vạch trần.
Ngồi ghế đạo diễn kiêm đồng biên kịch là Matt Reeves – người làm nên thành công hai phần phim khoa học viễn tưởng Dawn Of The Planet Of The Apes (2014) và War For The Planet Of The Apes (2017).
Bắt tay DC, nhà làm phim tạo ra sản phẩm đúng tinh thần quen thuộc của hãng: đen tối, u ám, tập trung vào chiều sâu tâm lý hơn là hài hước, gây cười.
Thời lượng dài, tông màu tăm tối
Tác phẩm có mở màn ấn tượng với khung cảnh Gotham chìm trong hỗn loạn. Đó là một đêm mưa gió và mọi người đổ dồn ra đường để ăn mừng lễ Halloween.
Những chiếc mặt nạ in hình ma quỷ, những bộ trang phục đậm chất kinh dị chiếm trọn khung hình. Người cầm ô, người không. Tất cả chen lấn tìm lối đi giữa con phố chật ních, ướt nhẹp.
Đâu đó, có những kẻ đang nhân cơ hội thực hiện tội ác. Đập phá, cướp bóc, bạo loạn vẫn âm thầm diễn ra trong lúc cư dân thành phố đang vui vẻ.
Người Dơi chưa hoàn toàn lộ diện, chỉ dẫn dắt khán giả bằng giọng kể (voice-over) chậm rãi. Theo kinh nghiệm của anh, nỗi sợ có thể là một công cụ trấn áp cái ác. Người hùng nhận xét như thể đọc được suy nghĩ kẻ thù: “Chúng nghĩ rằng tôi đang ẩn mình trong bóng tối”.
Sau đó, anh dừng lại một chút và nhấn mạnh: “Tôi là bóng tối!”.
Câu thoại vừa có ý nghĩa đặt vấn đề, vừa là lời cảnh báo dành cho người xem. Bởi lẽ Matt Reeves biến đứa con tinh thần trở thành tác phẩm u tối cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
Phần lớn các cảnh quay – dù tâm lý hay hành động – đều đặt trong khung cảnh Gotham buổi tối, chìm trong màn mưa. Khán giả có thể hình dung về cái đêm Người Dơi đối đầu Siêu nhân trong Batman vs Superman: Dawn Of Justice (2016) nhưng cơn mưa kéo dài từ ngày này sang ngày khác.
Phần lớn kinh phí 200 triệu USD được dùng để xây dựng bối cảnh. Sự hiện diện rõ nét của thành phố Gotham có ý nghĩa quan trọng trong việc thiết lập bầu không khí ngột ngạt, căng thẳng. Tuy nhiên, khi người xem bị nhốt trong thời lượng gần ba tiếng đồng hồ, tác phẩm trở thành The Gotham thay vì The Batman.
Nhà quay phim Greig Fraser - từng làm Dune (2021) và series The Mandalorian (2019) - vẫn biết cách sáng tạo góc máy, thay đổi bố cục để các cảnh quay không nhàm chán. Yếu điểm duy nhất là ánh sáng.
Các khung hình đều có tông màu tối đến mờ mắt. Thậm chí khung cảnh trong Batman vs Superman: Dawn Of Justice còn sáng hơn nhờ tia laser phát ra từ cặp mắt Superman.
Độ dài cũng là yếu tố khiến phim không phù hợp với khán giả đại chúng. Theo ê-kíp, Matt Reeves đã cắt giảm thời lượng từ bốn tiếng xuống còn 176 phút. Tuy nhiên, điều đó không giúp tác phẩm tránh khỏi sự dư thừa ở đôi chỗ.
Đặc biệt, nửa tiếng cuối hoàn toàn có thể gọt bớt khi mọi vấn đề đặt ra gần như được giải quyết. Song, đạo diễn vẫn muốn người xem sống trong Gotham bằng cách để cho các nhân vật hành động vô định.
Tác phẩm có tông màu tối đậm chất DC.
Ẩn số về Batman
Kể về siêu anh hùng nổi tiếng, Matt Reeves chọn hướng đi hoàn toàn khác các phim tiền nhiệm. Đạo diễn muốn tạo ra một tác phẩm mang hơi hướm trinh thám - như cách David Fincher từng làm Seven (1995) và Zodiac (2007).
Một số phân đoạn phảng phất không khí noir (phim đen) thập niên 1970, gợi nhớ Chinatown (1974) nhưng vẫn là phim siêu anh hùng với những cảnh đánh đấm, hành động đặc trưng.
Phim mở màn bằng một vụ giết người, sau đó Người Dơi trở thành thám tử điều tra, tham gia phá án cùng lực lượng cảnh sát. Anh sử dụng óc suy luận, khả năng phán đoán, thu thập thông tin còn nhiều hơn việc đối diện kẻ thù bằng nắm đấm.
Lựa chọn của Matt Reeves dễ dàng thỏa mãn người hâm mộ loạt truyện tranh về Người dơi. Bởi lẽ, trong nguyên tác nhân vật vốn mệnh danh “Thám tử vĩ đại nhất thế giới”. Các tựa game ăn theo do Rocksteady Studios phát triển cũng thành công nhờ bám vào tính chất này.
Song, The Batman không phải sự lựa chọn tốt dành cho khán giả chưa từng biết nhiều về Người Dơi. Để bám sát cốt truyện, biên kịch mặc định người xem đã hiểu rõ nhân vật.
Kịch bản không mang tính chất giới thiệu hay giải thích nguồn gốc người hùng. Nhiều chi tiết quan trọng bị bỏ qua. Chẳng hạn, ngay đầu phim Người Dơi đã kết thân với thanh tra James Gordon (Jeffrey Wright). Mối quan hệ đặc biệt đến mức các cảnh sát khác cũng nghi ngại.
Tạo hình của Robert Pattinson trong phim.
Hàng loạt vấn đề không lời giải thích: vì sao Bruce Wayne lại trở thành Người Dơi, quản gia Alfred Pennyworth (Andy Serkis) là người thế nào, mối quan hệ giữa Bruce và Alfred sâu đậm ra sao… Điều đó khiến cho nhân vật xuất hiện nhưng không kết nối được với người xem để tạo cảm xúc mạnh mẽ.
Phim tập trung quá nhiều vào hoạt động của Người Dơi mà bỏ qua cuộc sống của Bruce Wayne. Khi gỡ bỏ lớp mặt nạ và bộ trang phục siêu anh hùng, chàng tỷ phú không thể hiện sắc thái khác. Trong một cảnh quay, Bruce đi dự đám tang thị trưởng. Anh ta ném về phía cảnh sát một cái nhìn lạnh lùng xen lẫn hoài nghi.
Đó vẫn là ánh mắt, thái độ của Người Dơi chứ không phải của một tỷ phú nổi tiếng, được mọi người tôn trọng.
Phản diện theo mô típ cũ
Những yếu tố làm nên sự hấp dẫn của dòng phim hình sự, trinh thám là kế hoạch của hung thủ, hành trình phá án và đưa tội ác ra ánh sáng. The Batman thiếu những điều đó.
Riddler được giới thiệu ngay từ đầu phim, động cơ rõ ràng, cách thức gây án gần như giống nhau. Các câu đố gã đặt ra được giải quyết khá nhanh chóng, không tốn nhiều thời gian suy luận. Đến cuối phim, nhân vật lộ diện nhưng tính cách vẫn theo mô-típ quen thuộc: một bệnh nhân cần đưa gấp vào viện tâm thần Arkham.
Là phản diện chính, Riddler thua xa Joker về mọi mặt. Gã không có sự thông minh khó đoán, tính cách thủ lĩnh lẫn vẻ điên loạn đáng sợ khiến người đối diện phải sởn da gà. Diễn xuất của Paul Dano chỉ ở mức tròn vai, khó thể tạo dấu ấn sâu đậm như cách Heath Ledger từng chinh phục khán giả trong The Dark Knight (2008).
Vào vai Selina Kyle – tức Miêu nữ, Zoë Kravitz không mang lại sự mới mẻ cho nhân vật. Thậm chí, màn trình diễn của cô còn thua kém đàn chị Halle Berry trong bom xịt Catwoman (2004). Diễn viên sinh năm 1988 chưa thực sự lột xác mà vẫn là Zoë Kravitz đâu đó trong X-Men: First Class (2011) hay Mad Max: Fury Road (2015).
Qua ngòi bút của Matt Reeves cùng các cộng sự, Selina Kyle cũng là nhân vật kém tính chất Miêu nữ nhất trong tất cả các phim về Batman. Sự uyển chuyển, nét quyến rũ chết người và bộ óc bất thường đều không xuất hiện.
Selina chỉ là cô gái mới lớn đi tìm người bạn bị mất tích, vô tình bị Người dơi phát hiện vì sự vụng về, chẳng còn cách nào khác phải nhận lời giúp đỡ anh.
Mối quan hệ giữa Batman và Miêu nữ chưa được xây dựng hợp lý. Điều đó khiến nụ hôn bất ngờ của bộ đôi trở nên gượng gạo thay vì tạo nên cảm giác mãnh liệt, nồng cháy.
Các nhân vật phụ cũng không xuất sắc. Trong bộ ba của Christopher Nolan, quản gia Alfred vốn là cánh tay đắc lực, từng không ít lần giúp Người dơi vượt qua hoạn nạn.
Đến tác phẩm của Matt Reeves, nhân vật hoàn toàn mờ nhạt. Tương tự, thanh tra James Gordon ngoài mối quan hệ mờ ám với siêu anh hùng thì không có bất kỳ tính cách đáng nhớ.
Các nhân vật phụ trong phim không thực sự nổi bật.
Nhân vật phụ nổi bật trong phim thuộc về Penguin của Colin Farrell. Đằng sau những lớp hóa trang, tài tử cho thấy diễn xuất đa dạng, vừa hài hước duyên dáng vừa độc ác thâm sâu.
Sau vai diễn trong The Batman, Colin Farrell sẽ tiếp tục hóa thân nhân vật trong series ngoại truyện (spin-off) kể về cuộc đời The Penguin. Nhưng đó là một câu chuyện hoàn toàn khác.
Theo Zing