Việc đi thang cuốn không đảm bảo an toàn đã gây ra những sự cố nghiêm trọng ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của của trẻ nhỏ.
Vào ngày 2/8 vừa qua, một vụ tai nạn thang cuốn đã xảy ra tại một siêu thị ở tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc. Cụ thể, khi đang đi chơi với gia đình, cậu bé 3 tuổi đã vô tình bị ngã khiến tay của bé bị cuốn vào trong thang cuốn. Trước lúc đó, em bé và người mẹ đi cách nhau một khoảng cách khá xa. Trải qua 2 tiếng đồng hồ nỗ lực giải cứu của các nhân viên cứu hộ, em bé được giải cứu và đưa tới bệnh viện.
Việc xảy ra hàng loạt vụ tai nạn thang cuốn thương tâm đã gióng lên chuông cảnh báo về mức độ nguy hiểm của phương tiện này.
Để đảm bảo an toàn cho bé khi đi thang cuốn, bố mẹ cần lưu ý những điều dưới đây:
1. Trước khi vào thang cuốn
Kiểm tra trang phục cho con trước khi bước vào thang cuốn.
- Quan sát, chú ý đến trang phục, giày dép của bé. Trẻ đi thang cuốn cần phải ăn mặc gọn gàng, không luộm thuộm, gấu quần xắn cao. Nếu bé gái mặc váy xòe rộng và có dây buộc, duy băng trang trí thì bố mẹ cần chú ý thu gọn gàng, không để lủng lăng trên cơ thể để tránh trường hợp váy bị kẹt dưới băng chuyền thang cuốn.
Bố mẹ cũng cần kiểm tra thêm dây giày của bé. Vì nếu dây giày không may bị tuột khiến bé vấp, vướng víu gây mất an toàn.
Tốt nhất khi đã cho con đi chơi, vào siêu thị phải đi lại vận động và đi thang cuốn, bố mẹ nên chọn những trang phục gọn gàng, dễ di chuyển cho con. Cần chọn những đôi dép có quai chắc chắn, vừa vặn, tránh cho trẻ đi dép lê, dép (giày) nhựa dẻo vì bé có thể để để dép quá sát cạnh thang cuốn, từ đó dép có thể bị trượt, ma sát và có nguy cơ gây tai nạn.
- Chuẩn bị nắm chắc lấy tay con để bước vào thang, tránh để trẻ chạy trước vào thang hoặc chạy nhảy không có sự kiểm soát của bố mẹ.
- Khi chuẩn bị bước vào thang cuốn: quan sát đèn hiển thị chiều chuyển động được gắn ở hai đầu thang để đi vào đúng lối vào của thang. Nhắc con chú ý con quan sát sự chuyển động và hướng đi của thang. Bố mẹ cũng cần nhắc con chỉ bước vào khi có khẩu lệnh của bố mẹ. Tránh tình trạng bố mẹ mải buôn chuyện hoặc con không chú ý, gần đến thang mới bất ngờ xử lý.
2. Khi đang đi trên thang cuốn
Cần nắm chắc tay con để giúp con giữ thăng bằng và chủ động khi có tình huống khẩn cấp.
- Trẻ nhỏ không có đủ kỹ năng tay, chân, mắt để phối hợp giúp bước vào và bước ra khỏi thang cuốn đang chuyển động một cách an toàn và vững chãi. Trẻ rất có thể sẽ bị mất thăng bằng và vấp ngã trên thang cuốn. Với những em bé dưới 5 tuổi, bé có thể dễ bị chuyển động của thang xô ngã vì thế tốt nhất bố mẹ nên bế trẻ.
Còn đối với những trẻ từ 6 tuổi trở lên, có thể cho bé tự đứng nhưng bố mẹ cầm tay và dắt bé để đảm bảo an toàn. Tư thế tốt nhất là một tay trẻ được bố mẹ nắm chắc, một tay bám vào thành thang cuốn. Không để trẻ tự đi một mình, hoặc thiếu quan sát để bé leo trèo lên tay cuốn, cho chân tay vào rãnh cuộn.
- Để trẻ ở giữa vùng thang, không cho trẻ dựa vào thành thang cuốn. Trẻ không được ngồi xuống hay chạy nhảy trên thang cuốn đang hoạt động. Việc nắm chắc tay con cũng giúp bố mẹ chủ động hơn trong những tình huống bất ngờ xảy ra trên thang.
- Yêu cầu con đứng cả hai chân lên cùng một bậc, không nên đứng trên hai bậc khác nhau.
- Tránh cho trẻ ăn uống, hoặc cầm đồ ăn trên tay gây mất tập trung khi đi thang.
3. Khi chuẩn bị rời thang cuốn
Không được để trẻ đi thang cuốn một mình.
- Nhắc nhở báo trước con để con chủ động chuẩn bị bước khi sắp ra khỏi thang cuốn.
- Bố mẹ có thể dùng sức để hỗ trợ con thoát ra khỏi thang cuốn một cách cẩn thận, nhưng phải nhanh nhẹn và dứt khoát.
4. Bình tĩnh xử lý khi có tình huống khẩn cấp
- Nếu có chuyện không hay xảy ra. Bố mẹ cần ngay lập tức hô to kêu cứu để bảo vệ tắt hệ thống hoạt động của thang cuốn.
- Ứng xử khi bị kẹt quần áo trên thang cuốn: Đừng bao giờ cố kéo quần áo của trẻ khỏi rãnh thang đang cuốn. Thay vào đó, cha mẹ nên tìm cách cởi bỏ ngay trang phục đó trên người con.
- Lưu ý về nút dừng khẩn cấp: Trên các thang cuốn đều có nút đỏ có tác dụng dừng hoạt động của thang khi có việc khẩn cấp. Cha mẹ khi đi thang cuốn cần phải quan sát nút đỏ này.
Theo Trí Thức Trẻ