Nhiều năm về trước, chị hàng xóm nhà tôi bị tai nạn giao thông trong một chuyến cùng chồng đưa con về thăm quê nội. Không qua nổi chấn thương sọ não, chị mất khi tuổi đời còn rất trẻ, chồng và con gái chị may mắn thoát nạn.

Những người chứng kiến kể lại rằng, lẽ ra chị không chết nếu chống tay xuống đất. Khi ngã xuống, đôi tay chị ôm chặt lấy con để bảo vệ đứa bé. Cái ôm ấy, qua lời kể của người chứng kiến, ám ảnh tôi đến bây giờ. Trong thời khắc giữa lằn ranh sinh tử, người mẹ đã bất chấp hi sinh tính mạng để bảo vệ con.

Đó là một câu chuyện đẹp về tình mẫu tử thiêng liêng. Bạn có thể bắt gặp đâu đó hoặc chính bạn là nhân vật trong những câu chuyện về sự hi sinh của người mẹ. Họ có thể là mẹ của một đứa trẻ bị ung thư máu đang tìm cách giành giật sự sống cho con, một người mẹ quê vào thành phố bán vé số nuôi con đi học đại học, một người mẹ ôm con để tránh một trận đòn quá tay của bố…

Nhưng mấy ngày trước, trên khắp các mặt báo là một câu chuyện buồn. Một người mẹ ở Hải Dương cho hai con uống thuốc diệt cỏ. Người mẹ đâm vào bụng đứa con trai 5 tuổi rồi đâm vào bụng mình tự sát.

nhung dua tre bi “bat coc” - 1
Tục ngữ có câu “Hổ dữ không ăn thịt con”, nhưng những vụ việc đau lòng khi người mẹ bắt con phải chết cùng mình như vậy đã xảy ra rất nhiều khiến tôi không khỏi băn khoăn về nhân tính. (ảnh minh họa)

Tục ngữ có câu “Hổ dữ không ăn thịt con”, nhưng những vụ việc đau lòng khi người mẹ bắt con phải chết cùng mình như vậy đã xảy ra rất nhiều khiến tôi không khỏi băn khoăn về nhân tính. Một người phụ nữ tưới xăng đốt cả mình và con vì chồng lăng nhăng. Một người mẹ quyên sinh dưới hồ cùng hai con vì cha nghiệp ngập, gia đình lâm vào cảnh khốn khó… “Mẹ giết con rồi tự sát” trở thành một gợi ý từ khóa trên Google.

Mẫu số chung của những câu chuyện ấy, là những đứa trẻ, vẫn thường được quan niệm là sợi dây gắn kết tình cảm của cha mẹ, đã bị “bắt cóc” làm con tin trong cuộc hôn nhân của cha mẹ chúng.

Và ở một xã hội mà người phụ nữ thường bị yếu thế trong hôn nhân, không đủ sức để giải thoát bản thân khỏi bi kịch gia đình, thì những đứa trẻ - điểm kết nối giữa họ và người đàn ông - trở thành nơi trút giận, gây áp lực, nơi phải bị làm đau, bị cắt đứt.

Hay khi đối diện với một tương lai bế tắc, người phụ nữ muốn chấm dứt cuộc đời mình. Và như người ta vẫn quan niệm con cái là phần đời nối dài của cha mẹ, họ muốn kéo theo đứa con về thế giới bên kia.

Những đứa trẻ phải nhận lãnh khổ đau, bởi người lớn không thể hóa giải những nỗi đau họ gánh chịu, không thể tha thứ cho nhau, không thể tìm lối thoát cho cuộc đời mình. Họ là những người mẹ cùng quẫn, khi phải tự sát cùng với đứa con đứt ruột đẻ ra. Nhưng tôi tin sự cùng quẫn không thể là lá kim bài miễn tử trong pháp trường lương tâm.

Vẫn còn bao nhiêu người mẹ cùng quẫn, khổ đau đang che chở cho con. Những người mẹ trong lằn ranh sinh tử đã nhường sự sống cho con mình. Những người mẹ dạy cho con biết yêu thương dù chính họ phải chịu nhiều cay đắng.

Trong tác phẩm Cánh đồng bất tận của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, nhân vật Nương, con gái của người đàn ông chăn vịt phiêu bạt trên những cánh đồng miền Tây Nam bộ, ở cuối truyện đã trở thành con mồi cho bữa tiệc xác thịt của ba thanh niên quê.

Đó là tình tiết cuối cùng khép lại một câu chuyện đầy bi kịch, bắt nguồn từ người mẹ ngoại tình, để rồi dẫn dắt đến chuyện ba cha con bỏ xứ ra đi, mang theo những vết thương hằn sâu trong tâm hồn.

Nhưng ngay thời khắc mà “đứa con gái dường như đang chết, chỉ đôi mắt là rưng rưng chớp mở không thôi”, đứa con gái đã thoáng nghĩ, nếu mình có con, “nhất định nó sẽ đặt tên con là Thương, là Nhớ, hay Dịu, Xuyến, Hường… Đứa bé không cha nhưng chắc chắn sẽ được đến trường, sẽ tươi tỉnh và vui vẻ sống đến hết đời, vì được mẹ dạy, là trẻ con, đôi khi nên tha thứ lỗi lầm của người lớn”.

Đó thông điệp về sự thứ tha mà nhân vật Nương, hay nhà văn muốn gửi gắm sau một cuộc trầm luân dâu bể. Thông điệp ấy, người lớn chỉ có thể dặn dò trẻ con khi đã hóa giải những bi kịch của mình, khi đã tha thứ lỗi lầm cho nhau.

Đứa bé, nếu được sinh ra, sẽ có một cuộc đời mới, tách biệt và không phải chịu trách nhiệm cho cuộc đời người lớn. Nếu ai cũng chọn thái độ như Nương, có lẽ những đứa trẻ sẽ không phải nhận cái chết đau lòng như thế.

Theo Khám phá