1. Chim sẻ Ploceidae

Đây chính là những chiếc tổ khổng lồ của loài chim thuộc họ sẻ Ploceidae, có hình dáng nhỏ nhắn, nhanh nhẹn, sinh sống tại vùng bình nguyên khô cằn ở nơi tiếp giáp biên giới giữa Nam Phi và Namibia. Loài chim này thường xây những chiếc tổ to lớn như thế này cho cả bầy đàn, có thể chứa hàng trăm con chim qua nhiều thế hệ.

Chúng lựa chọn những cành cây khác nhau hoặc cột điện để tạo nên bộ khung của tổ, sau đó dùng cỏ khô, lông chim, sợi bông, rơm dạ để tạo nên từng gian nhỏ. Mỗi gian nhỏ có cửa vào riêng, trong mỗi gian là nơi cư trú ở của 3 đến 4 con chim.

Vào những đêm đông lạnh giá, nhiệt độ ngoài trời có thể giảm xuống mức âm độ nhưng nhiệt độ trong tổ chim vẫn ấm áp ở mức 21- 24 độ C. Còn mùa hè nóng bức, nhiệt độ trong tổ vẫn rất mát.
 
 
 
 

Những chiếc tổ chim khổng lồ lơ lửng trên ngọn cột điện hoặc ngọn cây
nhưng rất chắc chắn.

2. Kiến Weaver (Kiến xanh Úc)

Loài kiến này sống ở Trung Phi và Đông Nam Á, chúng thường đan những chiếc lá lại để làm tổ. Chúng sử dụng một loại "keo dính" rất đặc biệt từ tơ ấu trùng để làm tổ.

Loại keo này vừa có tính dính rất cao, vừa có tính dẻo dai như lụa, vì vậy những chiếc lá được gắn lại với nhau rất chắc chắn. Có những cái tổ khi làm xong phải dùng đến nửa mét keo.
 

3. Chim Vogelkop

Nếu nói những chiếc tổ chim là những "kiệt tác kiến trúc" thì tổ của loài chim Vogelkop này xứng đáng là những tuyệt phẩm đẹp nhất, rực rỡ sắc màu nhất và thậm chí có người còn ví chúng là những "kiến trúc sư" đại tài.

Những con chim Vogelkop trống xây tổ từ cỏ, cành cây nhỏ... để thu hút con mái. Tổ của chúng có "thiết kế nội thất" hoàn hảo nhất thế giới động vật, bên trong chứa các loại quả, hoa, bọ cánh cứng và những đồ trang trí đầy màu sắc sặc sỡ và được sắp xếp có nghệ thuật để thu hút bạn tình.

Thế nhưng những "ngôi nhà" tiện nghi, ấm cúng như thế này lại không được chim mái dùng làm chỗ nuôi con.
 

 

 

 
4. Mối la bàn

Loài mối này xây những chiếc tổ trùng với từ trường của trái đất một cách kỳ lạ tại lãnh thổ phía bắc Australia, trong Vườn quốc gia Litchfield, gần thị trấn Batchelor, cách Darwin khoảng 100 km về phía tây nam.

Nhìn từ xa giống như những chiếc bia mộ nhưng khi đến gần có thể thấy kích thước của chúng lớn hơn rất nhiều. Một tổ mối ở đây có thể cao tới 3m với hình dáng khá dẹt.

Điều đặc biệt là những cạnh mỏng của tổ mối đều hướng về phía bắc và nam giống như kim của một chiếc la bàn. Đã có rất nhiều giả thuyết được đưa ra giải thích lý do loài mối này lại xây tổ như vậy. Một trong số đó cho rằng, là để đảm bảo điều kiện sống bên trong mỗi tổ mối. Vì miền Bắc Australia có khí hậu nóng vào ban ngày và mát vào ban đêm, do đó các nhà nghiên cứu tin rằng loài mối bằng cách nào đó đã nắm được từ trường của Trái đất để áp dụng vào việc xây tổ cho phù hợp với khí hậu.
 
 

 
5. Chim sẻ lò đỏ

Chim sẻ lò Nam Mỹ thường được gọi bằng cái tên “thợ xây nhà” bởi chúng có kĩ thuật xây tổ vô cùng kì lạ, tạo nên những chiếc tổ có hình dáng giống với các lò nướng.

Chúng làm chiếc tổ này từ bùn, phân bò trộn với tóc hoặc rơm rồi để cho ánh sáng mặt trời “sấy khô” hỗn hợp này cho đến khi nó trở nên cứng như đá. Thậm chí, trong tổ của loài chim này còn có một vách ngăn để tạo không gian riêng gọi là “buồng sinh nở” cho chim cái, chiếc “buồng sinh nở” này sẽ được lót cỏ và lông rất ấm áp.
 

 


6. Chim sẻ Baya

Loài chim này thường xây tổ treo ở những cành cây đầy gai hoặc treo lơ lửng trên mặt nước, để động vật ăn thịt khó tiếp cận chúng. Những cái tổ này được xây khá tỉ mỉ và có vẻ ngoài đẹp đẽ, thanh lịch.