Đấu giá đất vàng Thủ Thiêm mức kỷ lục rồi viết tâm thư xin bỏ cọc
Vào hồi tháng 01 vừa qua, thị trường BĐS trong nước xôn xao trước thông tin Tân Hoàng Minh xin bỏ cọc lô đất vàng "Thủ Thiêm" mà doanh nghiệp con của Tập đoàn này đã trúng thầu vào tháng 12/2021. Sự việc không chỉ khiến thị trường BĐS bị ảnh hưởng mà sàn chứng khoán cũng "đỏ rực" một thời gian dài.
Chân dung ông Đỗ Anh Dũng - Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh
Quay lại thời điểm khi Ngôi Sao Việt - công ty con của Tân Hoàng Minh trúng đấu giá lô đất khủng ở Thủ Thiêm (TP. Thủ đức, TP.HCM), cái tên Tân Hoàng Minh và ông Đỗ Anh Dũng - Chủ tịch tập đoàn xuất hiện rùm beng trên báo chí và mạng xã hội.
Việc công ty của ông Dũng chấp nhận bỏ ra số tiền không tưởng lên tới gần 1,1 tỷ USD (24.500 tỷ đồng) cho 10.060 mét vuông đất Thủ Thiêm (tương đương 2,44 tỷ/mét) lập tức dấy lên một câu hỏi lớn trong dư luận. Rằng liệu có động cơ nào phía sau hay không?
Đáp trả những hoài nghi này, trả lời một cuộc phỏng vấn, ông Dũng nói "vì lòng tự hào dân tộc và danh dự của các tập đoàn đầu tư bất động sản trong nước" nên ông đã quyết tâm trả giá cao hơn 3%, tương đương khoảng 700 tỷ để vượt qua người trả giá cao thứ 2 - một công ty nước ngoài.
Thế nhưng một tháng sau, ông Dũng "quay xe"... Điều mà nhiều người đã dự đoán từ lúc đấu giá.
Trong tâm thư gửi tới lãnh đạo cấp cao Đảng, Nhà nước xin bỏ cọc, ông Đỗ Anh Dũng, đồng thời cũng là người đã trực tiếp tham gia đấu giá tại phiên đấu giá "vô tiền khoáng hậu" ở TPHCM, cho biết quyết định bỏ cọc được đưa ra sau khi doanh nghiệp điều chỉnh, cân đối tài chính, lên phương án thiết kế, đầu tư, kinh doanh…
Theo vị này, sau khi trúng đấu giá tài sản ô đất 3-12 khu chức năng số 3 trong khu đô thị mới Thủ Thiêm có diện tích hơn 10.000 m2 và với mức trúng đấu giá là 24.500 tỷ đồng thì ông cũng tự thấy đó mức giá "cao bất ngờ chưa bao giờ nghĩ đến".
Vụ đấu giá - bỏ cọc tại lô đất "vàng" Thủ Thiêm của Tân Hoàng Minh cũng đã làm "nóng" nghị trường phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giữa tháng 3. Theo đại biểu Quốc hội, vấn đề này làm nhiễu loạn thị trường, sốt đất ảo, tạo mặt bằng giá đất mới, gây khó khăn cho xây dựng, phát triển, cần có giải pháp xử lý triệt để.
Khu đất vàng Thủ Thiêm
Từng ồn ào với "lịch sử" bỏ cọc khi trúng thầu "lô đất vàng" 23 Lê Duẩn
Vào tháng 6/2015, Tân Hoàng Minh từng trúng khu đất vàng 3.000 m2 tại số 23 Lê Duẩn, quận 1, TPHCM. Tổng cộng đã có 14 doanh nghiệp có tiềm lực mạnh đã tham gia đấu giá khu đất với giá khởi điểm 558 tỷ đồng. Đáng chú ý, Tân Hoàng Minh đã chiến thắng với mức giá 1.430 tỷ đồng - cao gấp 2,6 lần giá khởi điểm.
Đến tháng 8/2015, UBND TPHCM ra quyết định phê duyệt kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất tại số 23 Lê Duẩn. Số tiền đặt cọc đấu giá hơn 83 tỷ đồng của Tân Hoàng Minh cũng đã được chuyển vào kho bạc Nhà nước.
Tuy nhiên, ngay sau khi UBND TPHCM phê duyệt kết quả đấu giá thì Tân Hoàng Minh lại có văn bản đề nghị hủy kết quả. Tập đoàn Tân Hoàng Minh cho rằng đơn vị tổ chức đấu giá đã có sai phạm về bước giá và cũng không nộp số tiền đã trúng đấu giá. Do vậy, thành phố đề nghị các đơn vị liên quan tham mưu để giải quyết, cụ thể là xem xét hủy kết quả để tổ chức đấu giá lại. Không lâu sau, doanh nghiệp này lại đề nghị được tiếp tục mua khu đất nói trên.
Khoảng giữa năm 2016, một doanh nghiệp đề xuất thành phố bổ sung khu đất vào danh sách các khu đất hoán đổi cho hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao) mà công ty này làm chủ đầu tư.
Sau đó, UBND TP ra "tối hậu thư" yêu cầu đến hết ngày 30/12/2016, nếu Tân Hoàng Minh không nộp hết số tiền trúng đấu giá, thành phố sẽ hủy kết quả để tổ chức đấu giá lại.
Với việc muốn tiếp tục mua đất vàng 23 Lê Duẩn thì ngoài số tiền trúng đấu giá, Tân Hoàng Minh đã phải đóng thêm hơn 260 tỷ đồng tiền phạt trễ hạn. Đến ngày 23/5/2017, Trung tâm bán đấu giá tài sản TP.HCM tiến hành bàn giao khu đất cho Tân Hoàng Minh.
Khi đó, Tập đoàn Tân Hoàng Minh cho biết quý III/2017 sẽ khởi công xây dựng khu phức hợp văn phòng, trung tâm thương mại dịch vụ. Tuy nhiên, sau đó việc khởi công không được thực hiện.
Phải đến năm 2019, thuyết minh báo cáo tài chính kiểm toán 2018 ghi nhận đất vàng 23 Lê Duẩn từ tay Tân Hoàng Minh về Techcombank. Khoản tạm ứng mua tài sản là 3.458 tỷ đồng.
Cũng theo báo cáo, ngân hàng đã hoàn thành việc chuyển giao tài sản nói trên và hạch toán tăng tài sản cố định tương ứng từ ngày 16/1/2019.
Khu đất "kim cương" ở Hàng Bài
Bỏ không 4.000 m2 “đất kim cương” ở Hàng Bài rồi âm thầm sang nhượng
Tân Hoàng Minh cũng từng đầu tư khoảng 1.000 tỷ đồng để thâu tóm lô “đất kim cương” tại ngã tư Hàng Bài (quận Hai Bà Trưng), mục đích xây trung tâm thương mại và tái định cư. Doanh nghiệp bắt đầu được giao đất từ năm 2011 nhưng sau đó cho rằng với chỉ tiêu quy hoạch được duyệt thì dự án không đảm bảo hiệu quả kinh tế dẫn đến thua lỗ.
Để tháo gỡ khó khăn, chủ đầu tư đã nhiều lần xin thay đổi quy hoạch từ trung tâm thương mại và nhà ở tái định cư sang trung tâm thương mại, khách sạn. Sau đó, dự án lại được chuyển thành mục đích trung tâm thương mại, văn phòng và nhà ở…
Tuy nhiên, do thủ tục xin điều chỉnh quy hoạch kéo dài nhiều năm và phức tạp, chưa rõ có kết quả nên Tân Hoàng Minh muốn được cấp phép xây dựng, khởi công dự án vào năm 2018.
Trong quá trình triển khai thủ tục dự án, nhà đầu tư là Công ty Cổ phần Thời Đại Mới T&T (công ty con của Tân Hoàng Minh thời điểm đó) đã có đề nghị xin điều chỉnh dự án về chức năng, chiều cao công trình (lên 12 tầng) song không được đồng ý.
Khu đất 22-24 Hàng Bài, đối diện Tràng Tiền Plaza, còn có một mặt tiền khác tại 25-27 Hai Bà Trưng sau đó bị bỏ hoang nhiều năm. Cuối cùng, Tân Hoàng Minh sang tay cho Masterise Homes để triển khai dự án bất động sản “hàng hiệu”.
MT (t/h)
Theo Vietnamnet