Barriletes Gigantes, Guatemala: Thả những con diều khổng lồ ở nghĩa trang là cách người dân ở Sumpango và Santiago Sacatepequez tổ chức ngày Lễ Các Thánh ở Guatemala. Diều được làm bằng tay từ giấy, vải và khung tre, thường có hình tròn, dài hơn 10 m, được trang trí bằng các họa tiết hoa, động vật và các mẫu hình học sặc sỡ. Người ta tin rằng những con diều bay càng cao thì những lời nhắn của họ càng gần với những người đã khuất ở trên trời. Truyền thống này có lịch sử lâu đời từ trước khi người Tây Ban Nha mang Công giáo đến Guatemala. Ảnh: Josué Goge/Flickr Creative Commons.
Bank of Carnival Halloween Foyle, Ireland: Halloween có nguồn gốc từ lễ hội Samhain của người Celt ở Ireland. Trong lễ hội Samhain, mọi người đốt lửa và ăn barmbrack, loại bánh trái cây có thể cho biết vận mệnh thông qua những thứ mà mọi người tìm thấy trong bánh. Ở Derry, Bắc Ireland, bên cạnh Hạt Donegal, lễ hội Sanhain còn được coi là cuộc diễu hành trang phục Halloween lớn nhất của châu Âu. Khu vực những bức tường 400 năm tuổi cao hơn 5 m của Derry là nơi diễn ra những màn trình diễn ánh sáng, âm nhạc huyền bí và ma quái từ 27-30/10. Ngoài ra, những nghệ sĩ xiếc, người biểu diễn đường phố và người hóa trang sẽ diễu hành trên phố ngày 31/10. Ảnh: Discover Northern Ireland/Facebook.
O-Bon, Nhật Bản: O-Bon là lễ hội đèn lồng diễn ra trong 3 ngày vào tháng 8 ở Nhật Bản. Trong những ngày này, mọi người sẽ treo đèn lồng trong nhà để chào đón linh hồn tổ tiên của gia đình trở về. Đồng thời, đèn lồng cũng được đặt trên sông hoặc ao để dẫn lối cho các linh hồn vào ngày cuối cùng của lễ hội. Ở Kyoto, địa điểm lý tưởng nhất để chiêm ngưỡng những chiếc đèn lồng rực rỡ vào ban đêm trên mặt nước là quận Arashimaya, nơi có nhiều đền thờ và công viên. Ngoài ra, trong những ngày này ở Gujo và Tokushima, những người mặc kimono đi guốc gỗ geta và biểu diễn những điệu múa truyền thống là một phần không thể thiếu của lễ hội. Ảnh: Buddhika Weerasinghe/Stringer/Getty.
Hop Tu Naa, Đảo Man: Hop Tu Naa là một lễ hội Celtic được tổ chức ở làng Cregneash, đảo Man vào ngày 31/10. Lễ hội này được coi là sự khởi đầu của năm mới Celtic, đánh dấu sự kết thúc của mùa hè và bắt đầu mùa đông. Những hoạt động nổi bật trong lễ hội Hop Tu Naa là hát các bài hát truyền thống về giết gia súc và Jinny the Witch, khắc đèn lồng từ củ cải, nướng “bánh câm”, kể những câu chuyện kinh dị hay nhảy múa và diễu hành. Ảnh: Culturevannin.
Gai Jatra, Nepal: Lễ hội Gai Jatra ra đời khi một vị vua thế kỷ XVII của Nepal trao thưởng cho bất kỳ ai có thể khiến nữ hoàng đang đau buồn vì mất đi con trai, có thể mỉm cười. Trong lễ hội đầy màu sắc này ở thung lũng Kathmandu, các gia đình có người thân đã qua đời trong năm sẽ dẫn theo một con bò hoặc hóa trang thành những con bò và tham gia diễu hành trên đường phố, mọi người sẽ tặng đồ ngọt, bánh mỳ hay tiền cho những người diễu hành khi họ đi qua. Đối với người Hindu, bò là loài động vật thiêng liêng, và người ta tin rằng, những người chết băng qua sông trên đường lên trời bằng cách nắm đuôi bò. Ảnh: Navesh Chitrakar/Reuters.
La Calabiuza, El Salvador: Lễ hội La Calabiuza diễn ra vào ngày 1/11 ở Tonacatepeque, thị trấn phía bắc thủ đô San Salvador, là một truyền thống lâu đời và nổi tiếng của người dân nơi đây. Trong lễ hội, người dân địa phương hóa trang thành những nhân vật dân gian đáng sợ trong văn hóa Trung Mỹ và tham gia diễu hành khắp đường phố. Ngày hôm sau, trên khắp đất nước El Salvador, các gia đình đặt vòng hoa lên các mộ của người thân đã chết và dã ngoại với họ tại nghĩa trang. Ảnh: Jose Cabezas/Reuters.
Pchum Ben, Campuchia: Pchum Ben là lễ hội của những vong hồn hay còn gọi là ngày tổ tiên là một trong những lễ hội tôn giáo quan trọng nhất Campuchia. Trong 15 ngày diễn ra lễ hội, mọi người ở khắp Campuchia mang theo lễ vật, thức ăn tới các ngôi chùa và cầu nguyện cho người thân. Bên cạnh đó, hàng ngày, các nhà sư bắt đầu tụng kinh từ sáng sớm để cứu giúp các vong hồn được siêu thoát. Vào ngày cuối cùng của lễ hội, các hoạt động đặc sắc được tổ chức có thể kể đến như cưỡi trâu đeo mặt nạ trang trí sặc sỡ hay đấu vật Khmer. Ảnh: Pring Samrang/Reuters.
Haunted Happenings, Mỹ: Salem còn được biết đến với tên gọi “thành phố phù thủy” với viện bảo tàng, những cửa hàng bán bùa phép thuật và các đồ vật liên quan đến phù thủy. Tuy nhiên, hoạt động thu hút khách du lịch và nổi tiếng nhất ở Salem là lễ hội Haunted Happenings diễn ra vào tháng 9 và tháng 10. Trong thời gian diễn ra lễ hội, hơn 100 sự kiện được tổ chức như những cuộc nói chuyện với linh hồn, đi bộ ban đêm trong nghĩa địa, tham quan nhà ma hay hóa trang và diễu hành. Ngoài ra, các phù thủy địa phương còn tổ chức một lễ hội dành cho những người đã chết. Ảnh: Salem Chamber Haunted Happenings Grand Parade/Facebook.
Vu Lan: Vu Lan được hiểu là lễ báo hiếu và là một trong những ngày lễ chính của Phật giáo, thường được tổ chức vào ngày 15/7 âm lịch tại một số quốc gia châu Á như Trung Quốc, Việt Nam hay Malaysia. Vào ngày này, mọi người thăm viếng mộ phần người thân, lên chùa tụng kinh, cầu nguyện cho vong linh những người đã khuất được siêu thoát. Tại Hong Kong, hơn 1,2 triệu người có nguồn gốc từ tỉnh Quảng Đông tổ chức lễ hội Vu Lan với nhiều hoạt động kéo dài suốt một tháng. Bên cạnh đó, vào ngày 31/10, du khách vẫn có thể thấy những người hóa trang theo phong cách phương Tây ở các quán bar hay các công viên giải trí cùng các câu chuyện kinh dị. Ảnh: Anthony Kwan/Stringer/Getty.
Spirits of Meath, Ireland: Lễ hội Halloween của Spirits of Meath kéo dài từ giữa tháng 10 đến đầu tháng 11 với nhiều sự kiện ở các địa điểm khác nhau. Spirits of Meath có các "trang trại kinh dị" với những hoạt động huyền bí trong nhà và ngoài trời, những bộ phim đáng sợ, những bữa ăn tối bí ẩn tại các khách sạn và nhà hàng, các câu chuyện ma quái, trò chơi cho trẻ em và các bữa tiệc Halloween. Ảnh: Spirits of Meath Halloween Festival/Facebook.
Theo Zing