Luật pháp Qatar nghiêm cấm tình dục ngoài hôn nhân. Do đó, CĐV tới tham dự VCK World Cup 2022 sẽ bị phạt tù 7 năm nếu bị bắt gặp có quan hệ ngoài luồng.

Ngoài ra, uống rượu, say xỉn ở nơi công cộng là trái pháp luật. Các hoạt động tiệc tùng cũng bị nghiêm cấm.

Du khách nữ đến quốc gia Trung Đông này được yêu cầu ăn mặc kín đáo, giản dị ở nơi công cộng, tránh diện váy ngắn, khoe da thịt, theo Daily Star.

Theo The Sportster, World Cup chỉ diễn ra 4 năm/lần và FIFA phải đảm bảo người hâm mộ được an toàn thưởng thức giải đấu. Đó là lý do họ từng đưa ra nhiều lệnh cấm có vẻ kỳ lạ.

Những lệnh cấm kỳ lạ ở các mùa World Cup-1
Cổ động viên nữ được yêu cầu không ăn mặc gợi cảm tại World Cup 2022 ở Qatar.

Kèn vuvuzela

Đây có lẽ là đồ vật nổi tiếng nhất từng bị đưa vào “danh sách đen” tại World Cup.

Kèn vuvuzela trở thành nhạc cụ phổ biến tại World Cup 2010 khi được khán giả mua với số lượng lớn. Tuy nhiên, khi điều này trở nên khó chịu, FIFA quyết định cấm nó khỏi tất cả sân vận động ở Nam Phi.

Lệnh cấm tiếp tục được áp dụng trong vài năm qua.

Gậy selfie

Trong những năm qua, đồ vật này trở nên phiền phức đối với nhiều câu lạc bộ bóng đá vì người hâm mộ sử dụng trong khi các trận đấu đang diễn ra và cản đường khán giả khác. Tottenham Hotspurs là đội tiên phong đưa nó vào “danh sách đen” tại các địa điểm của họ.

Bên cạnh đó, gậy selfie có thể dễ dàng được sử dụng như vũ khí tấn công nên FIFA quyết định cấm nó khỏi World Cup.

Những lệnh cấm kỳ lạ ở các mùa World Cup-2
Gậy chụp ảnh tự sướng bị cấm khỏi World Cup từ vài năm trước. Ảnh: The Straits Times.

Hộp các tông

Trông có vẻ vô hại nhưng hộp các tông lại được FIFA thêm vào danh sách cấm cách đây vài năm. Không ít người hâm mộ cảm thấy kỳ lạ vì không ai nghĩ sẽ mang theo vật dụng này đến sân vận động, cũng giống như chiếc thang - đồ vật cũng nằm trong “danh sách đen” tại World Cup.

Cờ kích thước lớn

Trong khi nhiều câu lạc bộ bóng đá trên thế giới cấm các biểu ngữ được gắn vào gậy cầm tay vì nó có thể biến thành vũ khí, FIFA tiến xa hơn một bước khi quy định cờ và biểu ngữ lớn hơn 2 x 1,5 m sẽ không được phép mang vào sân.

Cờ và biểu ngữ nhỏ vẫn được cho phép với điều kiện được làm từ vật liệu “nguy cơ gây hỏa hoạn thấp” và tuân thủ nhiều tiêu chuẩn khác.

Lý do đằng sau lệnh cấm cờ kích thước lớn thường là hạn chế tầm nhìn của nhiều cổ động viên khác.

Ô dù

Vật dụng này bị cấm sử dụng tại các sân vận động bóng đá ở Anh trong một số năm vì “có thể được gấp lại và sử dụng làm vũ khí”. Tại World Cup 2018, những chiếc ô dài hơn 25 cm khi được đóng lại cũng không được phép đưa vào sân vận động.

Áo nịt ngực

Cũng trong khuôn khổ World Cup 2018, FIFA cấm tất cả thiết bị bảo vệ cơ thể bao gồm áo chống đạn, đồ dùng trong võ thuật, thậm chí là áo nịt ngực.

Người hâm mộ chỉ được mang áo nịt ngực khi có chỉ định của bác sĩ, nếu không sẽ bị yêu cầu cởi bỏ trước khi vào sân.

Máy ảnh

Khi Brazil đăng cai World Cup 2014, FIFA gây sốc cho nhiều người hâm mộ khi cấm máy tính bảng và máy ảnh tại tất cả sân vận động ở nước chủ nhà.

Các thiết bị ghi âm luôn bị cấm ở các sân bóng đá và chỉ điện thoại di động là ngoại lệ.

Những lệnh cấm kỳ lạ ở các mùa World Cup-3
Ngoại trừ phóng viên, khán giả không được phép mang máy tính bảng và máy ảnh vào trong sân. Ảnh: Valery Sharifulin/TASS.

Các loại bột

Tất cả loại bột, kể cả bột mì, bị cấm sử dụng trên các sân vận động World Cup trong thập kỷ qua. Nó có thể bay lên không trung và gây ra sự cố cho những người hâm mộ khác đang cố gắng theo dõi trận đấu trên khán đài.

Kẹo cao su

Tại World Cup 2014, có báo có cho rằng lực lượng an ninh đã tịch thu kẹo cao su từ nhiều người hâm mộ vì nó không phải sản phẩm được tài trợ bởi một trong những đối tác chính thức của FIFA.

Đây là lý do đồ ăn và thức uống bị cấm trong vài kỳ World Cup gần đây vì FIFA muốn người hâm mộ tiêu thụ sản phẩm do các đối tác chính thức của họ cung cấp.

Theo Zing