Chỉ cần bạn gõ một vài từ khóa về làm đẹp quen thuộc như trắng da, trị mụn, giảm cân… hàng trăm kết quả tìm kiếm với đủ loại mẹo làm đẹp sẽ xuất hiện. Những mẹo làm đẹp này đôi khi còn trở thành trào lưu một cách nhanh chóng mặt nhờ các các trang mạng xã hội như Facebook hay Instagram. Thế nhưng độ xác thực của các bí quyết truyền miệng này là đến đâu? Cùng tìm hiểu nhé!
Nuôi tóc bằng cách… cắt thường xuyên
Một mẹo chăm sóc tóc cực phổ biến và tồn tại lâu dài là: Muốn tóc mọc nhanh, mỗi tháng hãy tỉa một ít ở đuôi tóc. Với quan niệm "hơi kéo" sẽ kích thích tóc mọc, nhiều người đã đều đặn cắt bớt 2-3cm tóc mỗi tháng để nuôi tóc nhanh dài.
Song sự thật là chính da đầu và ngọn tóc mới quyết định tốc độ mọc tóc. Việc tỉa bớt đuôi tóc không giúp thúc đẩy quá trình này, mà chỉ giải quyết các phần tóc chẻ ngọn, từ đó giúp tóc bớt rụng và tạo cảm giác dày, dài hơn. Nếu bạn muốn tăng độ dài cho tóc hiệu quả, ngoài việc tỉa bớt các phần chẻ ngọn, thường xuyên massage da đầu và bổ sung thực phẩm giàu protein mới là điều cần thiết.
Trị mụn bằng kem đánh răng
Trong kem đánh răng có các thành phần hỗ trợ diệt khuẩn, làm khô nhân mụn như kẽm, oxy già, baking soda. Song điều này chỉ đúng với các loại kem đánh răng màu trắng cơ bản, không màu, không hạt và không phải ở dạng gel. Ngoài ra khi thêm các chức năng như trắng răng hay giảm đau buốt, thì thành phần của kem đánh răng cũng thay đổi và không còn thích hợp với việc trị mụn.
Nhìn chung, vì chức năng của kem đánh răng vẫn là làm sạch về mặt răng, nên nó không thật sự phù hợp với làn da mỏng manh, nhạy cảm. Vẫn còn rất nhiều các loại thuốc chấm mụn tự nhiên khác như dầu tràm trà, baking soda pha loãng… mà bạn có thể thử thay vì kem đánh răng.
Giảm cân bằng chế độ nhiều rau xanh và trái cây
Bạn cho rằng chỉ ăn rau củ và trái cây thì làm sao mà béo được? Nhưng chế độ ăn kiêng chỉ có thực vật này không thật sự hiệu quả. Thứ nhất, trong trái cây vẫn chứa một lượng đường lớn có thể khiến bạn tăng cân, tăng nguy cơ tiểu đường nếu ăn quá nhiều. Thứ hai, nếu chỉ ăn rau và trái cây thì quá trình trao đổi chất của bạn sẽ kém hiệu quả. Khi tiêu hóa các thực phẩm giàu protein như thịt nạc, cá, trứng, sữa… cơ thể phải tốn rất nhiều năng lượng và đây chính là chìa khóa cho việc giảm cân , thay vì bỏ đói cơ thể. Do đó, bạn hãy xây dựng một chế độ ăn cân bằng giữa protein và chất xơ nhé!
Da nhờn thì phải tránh xa các loại dầu
Một nguyên tắc thường nghe khi chăm sóc da dầu là lựa chọn sản phẩm có kết cấu mỏng nhẹ, dễ thấm để tránh bí da. Nhưng không vì thế mà bạn bỏ qua các loại dầu thiên nhiên. Dù có kết cấu đặc, nhưng nhiều loại dầu đã được chứng minh là không gây nhờn da mà còn điều tiết dầu, cân bằng độ ẩm giúp da bớt nhờn hơn – ví dụ như dầu ô liu. Bạn vẫn có thể dùng dầu ô liu để dưỡng ẩm, tẩy trang và chữa lành các tổn thương trên da, chỉ nhớ chọn loại nguyên chất dành cho việc dưỡng da (extra virgin) và rửa lại sạch bằng sữa rửa mặt sau đó. Nếu da quá nhờn, bạn nên tránh việc đắp dầu lên mặt quá lâu (như một loại mặt nạ) hay để qua đêm thay kem dưỡng.
Mỹ phẩm có cồn là không tốt
Một mẹo truyền miệng khác khi chọn nước hoa hồng là: Hãy tránh xa các loại chứa cồn. Nước hoa hồng không cồn vì thế trở thành từ khóa được ưu ái nhất khi chọn mua sản phẩm. Nhưng thật sự thì cồn đóng vai trò nhất định trong việc dưỡng da, nhất là với da dầu mụn.
Hai loại cồn phổ biến trong mỹ phẩm là cồn béo (fatty alcohol) và cồn khô (drying alcohol). Trong khi cồn béo có khả năng dưỡng ẩm, làm dịu và mềm da thì cồn khô đóng vai trò là dung môi hoàn hảo, giúp các chất trong mỹ phẩm hòa tan tốt hơn, từ đó trở nên mỏng nhẹ và thấm vào da nhanh, hiệu quả hơn. Với da dầu mụn, cồn khô là chất cần thiết để làm da khô thoáng.
Ngoài 1 số trường hợp dị ứng cồn và phải tránh hoàn toàn thành phần này, bạn vẫn có thể yên tâm sử dụng các sản phẩm chứa cồn với một lượng vừa đủ. Mẹo hay cho bạn là hãy để ý thứ tự của cồn trong danh sách sản phẩm. Nếu nó nằm gần cuối thì thuộc diện an toàn, nếu nó nằm trong 5 cái tên đầu tiên thì cần cân nhắc trước khi dùng.
Mỹ phẩm dưỡng da chứa chì, gây sạm da
Bạn không trang điểm, không dám bôi son kể cả son dưỡng vì ám ảnh chuyện chì trong mỹ phẩm gây sạm da? Thực chất thì lượng chì trong các sản phẩm hiện nay là rất ít, không đáng kể. Nó chỉ cao quá mức cho phép ở những sản phẩm trôi nổi không rõ nguồn gốc.
Mặt khác, sạm da, thâm môi không chỉ đến từ mỹ phẩm hàng ngày, mà có thể bắt nguồn từ các thói quen xấu của bạn. Không dùng kem chống nắng, không tẩy trang kĩ, lười uống nước và dưỡng ẩm đều là yếu tố khiến da xám xỉn và kém tươi tắn. Do đó, dù bạn có quyết định trang điểm hay không, cũng hãy lựa chọn sản phẩm uy tín. Bên cạnh đó, tẩy trang, rửa mặt thật kĩ và không bao giờ quên kem chống nắng là bí quyết giúp bạn có làn da sáng mịn.
Theo Kênh 14/ trí thức trẻ