Dọn dẹp nhà cửa, cắm hoa và nấu ăn là niềm đam mê bất tận của chị Đặng Thu Phương (38 tuổi, Hà Nội). Công việc dù bận rộn nhưng chị vẫn sắp xếp khéo léo để dành thời gian cho chuyện bếp núc.
Chị Thu Phương thích những bữa quà chiều vì được gần gũi, gắn kết hơn với các con.
Chị chia sẻ, những món quà chiều có ý nghĩa đặc biệt. Là thời điểm mà chị và các con trở nên gần gũi, thân mật với nhau hơn. Khi ấy, mẹ sẽ chế biến còn các con phụ rửa rau, lấy đồ. Sau đó 3 mẹ con cùng ngồi bên nhau thưởng thức, tâm sự chuyện lớp, chuyện trường hay kế hoạch cuối tuần sẽ làm gì, chơi đâu.
Các món quà chiều mẹ Hà Nội chuẩn bị thường được chế biến dân dã và đơn giản, diễn ra vào khoảng 15h30 đến 16h hàng ngày. Cách bữa cơm tối khoảng từ 3 đến 3,5 tiếng để tránh bị ngang dạ.
Những món quà chiều hấp dẫn chị Phương tự làm.
"Chủ yếu là mấy món nhẹ nhàng để các bạn nhỏ ăn không bị đầy bụng, sau đó đi học bơi lội hay vận động gì đó", chị Phương nói.
Vì thế, chị chủ yếu nấu cháo, bánh đúc nóng hoặc có khi là chè hoặc sữa chua. Mẹ Hà Nội ưu tiên sự ngon miệng, hợp khẩu vị và tiết kiệm chi phí. Ngoài ra còn hạn chế dầu mỡ để đảm bảo sức khỏe.
Dưới đây là 3 gợi ý quà vặt chiều hấp dẫn mà chị Thu Phương thường xuyên chế biến cho các con thưởng thức.
1. Cháo sườn
Nguyên liệu: Bột gạo tẻ, xương lợn, ruốc, quẩy, nước mắm, gia vị.
Cách làm
- Xương mua về rửa sạch, trần qua nước sôi rồi cho vào hầm. Sau đó gạn nước trong, gỡ thịt từ xương rồi để riêng.
- Hòa bột gạo tẻ với nước hầm xương, quấy đều tay để bột không bị vón cục. Đậy vung vài phút rồi mở ra, quấy thêm lần nữa để bột không bén nồi và cháo được sánh.
- Phần thịt gỡ từ xương đem ướp cùng chút nước mắm. Sau khoảng 20 phút cháo chín, cho thịt vào quấy cùng. Nêm gia vị, nước mắm cho vừa miệng. Đậy vung lại, đun thêm 5 phút rồi tắt bếp.
- Múc cháo ra bát, cắt quẩy, rắc ruốc, hạt tiêu, ớt bột tùy khẩu vị và thưởng thức
2. Cháo trai
Nguyên liệu: Trai, gạo tẻ, quẩy, hạt tiêu, ớt bột, hành khô, hành tươi, rau răm.
Cách làm
- Trai rửa sạch, cho vào luộc đến khi há miệng thì vớt ra. Bóc bỏ phân trai, rửa sạch rồi thái miếng vừa ăn, ướp cùng nước mắm và gia vị.
- Hành rửa sạch, thái nhỏ. Sau đó, phi thơm hành rồi cho trai vào xào, đảo qua lại cho ngấm gia vị. Không nên xào lâu và kĩ quá kẻo trai bị dai.
- Gạo tẻ ngâm vài tiếng cùng nước cho nở rồi đem xay nhỏ. Cho gạo đã xay, nước luộc trai vào nồi, bắc lên bếp rồi bắt đầu quấy cháo. Lúc mới đun nên quấy liên tục. Khi thấy cháo bắt đầu sánh và sôi lục bục thì đậy vung lại đun nhỏ lửa tầm 15- 20 phút là cháo chín.
- Cho thịt trai đã xào vào cháo, quấy đều, nêm gia vị theo khẩu vị.
- Cho hành, răm thái nhỏ, múc cháo nóng thêm quẩy cắt nhỏ rồi rắc tiêu, ớt bột nữa là được.
3. Bánh đúc nóng
Nguyên liệu: Bột năng, bột gạo tẻ, thịt lợn xay, mộc nhĩ, nấm hương, nước mắm, dấm, đường, tỏi, ớt, hành khô, tỏi, dầu ăn, dầu mè, muối, tiêu, rau mùi.
Cách làm
- Trộn 1 phần bột gạo với 1 phần bột năng vào nước cho hòa quyện rồi đun trên bếp (tỷ lệ khoảng 100g bột gạo tẻ, 100g bột năng, 1 lít nước). Đảo đều liên tục trên lửa nhỏ cho đến khi bột bánh đúc sánh.
- Đến khi hỗn hợp đặc, bắt đầu ngả màu trắng đục, chỉnh lửa xuống mức thấp nhất. Lúc này nêm 2 thìa dầu ăn và 1 thìa dầu mè vào, đảo đều. Khi thấy bột bánh đúc trở trong thì tắt bếp.
- Cho dầu ăn vào chảo, cho hành tím, tỏi băm phi thơm. Sau đó cho thịt băm vào xào chung với nấm hương, nấm mèo đã ngâm mềm, cắt nhỏ. Nêm thịt với gia vị, hạt tiêu cho vừa miệng.
- Nước mắm ăn bánh đúc nóng, pha theo tỷ lệ: Đường, dấm, mắm mỗi loại 1 muỗng với 3 muỗng nước lọc. Thêm vào tỏi và ớt băm, hạt tiêu (tùy khẩu vị).
- Múc bánh đúc nóng ra bát. Cho thịt băm xào lên trên, rắc ít hành phi, trang trí vài cọng mùi rồi cho nước mắm vào ăn cùng.
Dĩnh Anh (Ảnh NVCC)
Theo Vienamnet