Những nạn nhân phút 90 nếm trái đắng trái phiếu tại SCB-1
Nhiều khách hàng vất vả đi lại nhiều lần để mong nhận lại tiền mua trái phiếu tại SCB (Ảnh: Huyên Nguyễn).

Gần 50 tuổi, ông N.C.H. (huyện Bình Chánh, TPHCM) khổ cực làm nghề điện mới tích góp được ít tiền gửi vào Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài gòn (SCB), mong gom góp mua căn nhà ở xã hội.

Thế nhưng, kể từ ngày 8/10/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra của Bộ Công an quyết định khởi tố vụ án và khởi tố bị can đối với bà Trương Mỹ Lan - Chủ tịch Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (VTP Group) vì tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến việc phát hành mua bán trái phiếu của Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông, mọi giấc mơ tích cóp tiền để sau này mua nhà của ông tan biến bởi ông cũng tham gia vào mua trái phiếu tại SCB.

Ông H. kể, ngày 7/10/2022 - trước thời điểm bà Trương Mỹ Lan bị bắt 1 ngày, ông đến Ngân hàng SCB An Lạc để thực hiện chuyển tiền mua 1,980 trái phiếu với trị giá hơn 200 triệu đồng.

Ngay sau khi bà Lan bị bắt, ông xếp hàng nhiều ngày để vào Ngân hàng SCB hủy hợp đồng mua trái phiếu bởi theo hợp đồng: "Trường hợp bên mua thay đổi ý kiến không mua trái phiếu trong thời hạn 3 ngày kể từ ngày ký hợp đồng này thì xem như bên mua đơn phương hủy bỏ hợp đồng và bên mua chấp nhận thanh toán phí hủy hợp đồng" (khoảng 0,2%).

Ba ngày sau (10/10/2022), ông đến SCB làm giấy đề nghị hủy hợp đồng trái phiếu và chấp nhận thanh toán các khoản phí phát sinh khi hủy hợp đồng.

Phía SCB chi nhánh An Lạc đã xác nhận sẽ hỗ trợ lệnh bán cho khách hàng N.C.H. Lúc này, ông H. cứ đinh ninh hợp đồng của mình sẽ được hủy bởi vẫn trong quy định 3 ngày.

Những nạn nhân phút 90 nếm trái đắng trái phiếu tại SCB-2
Giấy biên nhận hủy hợp đồng mua trái phiếu trong thời hạn 3 ngày của ông N.C.H. (Ảnh: Huyên Nguyễn).

Thế nhưng, đến ngày 30/12/2022, sau nhiều lần đi lại, ông nhận được văn bản phúc đáp của Công ty CP chứng khoán Tân Việt (TVSI) với kết quả bất ngờ.

Cụ thể, phía TVSI nêu: Về yêu cầu hủy hợp đồng, khi khách hàng có nhu cầu hủy hợp đồng đã ký trong thời gian quy định thì các đơn vị của SCB và nhân viên SCB tại đơn vị tiếp nhận và nhập lệnh hủy trên hệ thống BMS (hệ thống quản lý trái phiếu giao dịch) đồng thời giấy đề nghị hủy giao dịch do khách hàng ký được SCB gửi về TVSI.

Tuy nhiên, với đề nghị của ông N.C.H., TVSI chưa nhận được lệnh hủy này và cũng chưa nhận được giấy đề nghị hủy của khách hàng đã ký gửi về hệ thống trong thời gian hợp lệ. Do đó, yêu cầu hủy giao dịch của ông N.C.H. không được thực hiện.

Những nạn nhân phút 90 nếm trái đắng trái phiếu tại SCB-3
Văn bản TVSI trả lời không nhận được đề nghị hủy hợp đồng cho ông N.C.H. (Ảnh: Huyên Nguyễn).

Ông N.C.H. cho biết: "Tôi thật sự bất ngờ bởi tôi mua trái phiếu tại SCB, chỉ biết làm việc với nhân viên ngân hàng. Tôi đã làm các thủ tục hủy hợp đồng theo hướng dẫn của SCB nhưng cuối cùng cũng không thể hủy. SCB và TVSI làm việc như thế nào, đó là việc của hai đơn vị, không thể để khách hàng chịu thiệt vì sự liên kết của hai bên".

Từ đó đến nay, dù ông H. đã đi lại nhiều lần để kiến nghị nhưng kết quả không thay đổi.

"Làm lụng vất vả cả đời, đến nay, cả 3 người trong gia đình tôi vẫn sống chật chội trong căn nhà thuê, chỉ mong tích cóp được ít tiền mua được căn nhà. Bây giờ đứng trước nguy cơ mất 200 triệu đồng, tôi chết lặng. Bao giờ mới kiếm được để bù vào số tiền đó mà mua nhà, trong khi, sức khỏe đã yếu đi rất nhiều", ông H. chia sẻ.

Tương tự, bà H.T.H.H. (TP Thủ Đức) cho biết, ngày 6/10/2022, bà có giao dịch tại SCB Thanh Đa gửi tiền tiết kiệm, được nhân viên tư vấn chuyển đổi hình thức gửi linh hoạt Flex. Bà đồng ý làm thủ tục và chuyển số tiền hơn 200 triệu đồng cho Flex.

Tới ngày 8/10/2022, bà H. đã ra Ngân hàng SCB làm thủ tục hủy hợp đồng nhưng vào ngày nghỉ và cũng không thể vào bên trong ngân hàng.

Nhắc lại, sau thời điểm bà Trương Mỹ Lan bị bắt, Ngân hàng SCB rơi vào tình trạng "quá tải", nhiều phòng giao dịch hạn chế tiếp khách đến giao dịch.

Không liên hệ trực tiếp được ngân hàng, bà H. nhắn tin cho nhân viên của SCB tên Linh - người làm thủ tục cho bà H. yêu cầu hủy hợp đồng vào ngày 8/10/2022.

Qua nhiều ngày xếp hàng để vào được SCB, ngày 11/10/2022, bà H. chính thức có làm đơn trình báo gửi phòng giao dịch của SCB và cho biết số tiền của bà chưa ra hợp đồng giao dịch nên đã yêu cầu SCB giải quyết nhận lại tiền.

Những nạn nhân phút 90 nếm trái đắng trái phiếu tại SCB-4
Tin nhắn báo hủy hợp đồng giữa bà H. và nhân viên ngân hàng trong bối cảnh không thể tiếp cận được Ngân hàng SCB trong thời điểm bà Trương Mỹ Lan vừa bị bắt (Nguồn: NVCC).

Ngày 14/10/2022, bà tiếp tục được hướng dẫn làm giấy đề nghị hủy hợp đồng trái phiếu gửi Công ty Cổ phần chứng khoán Tân Việt.

"Tôi mua ngày 6/10/2022 và cố gắng liên lạc để báo hủy vào ngày 8/10/2022 (trong thời hạn 3 ngày), nhân viên SCB cũng đã xác nhận qua tin nhắn nhưng tới nay, phía Ngân hàng SCB và công ty chứng khoán vẫn chưa giải quyết cho tôi. Tôi đã kiến nghị rất nhiều lần", bà H. nói.

Đồng cảnh ngộ, bà T.T.L.T. (quận Gò Vấp) cũng giao dịch mua trái phiếu với số tiền gần 600 triệu đồng vào ngày 6/10/2022 tại SCB Nguyễn Thái Sơn. Đến ngày 7/10/2022, khi nghe thông tin thị trường bất ổn, bà T. đã điện cho nhân viên ngân hàng để thực hiện thủ tục hủy hợp đồng.

Ngày 8/10/2022, bà T. ra SCB yêu cầu hủy hợp đồng nhưng SCB báo thứ 7 và chủ nhật phía chứng khoán Tân Việt không làm việc và đã đóng sàn nên không hủy được (website của TVSI cũng thông báo lịch làm việc từ thứ 2 đến thứ 6).

Đến ngày 10/10/2022, bà T. được ngân hàng lập biên bản hủy hợp đồng. Đơn của bà đã được giám đốc dịch vụ khách hàng của chi nhánh ký xác nhận tiếp nhận hồ sơ và sẽ chuyển đến hội sở để xử lý.

Những nạn nhân phút 90 nếm trái đắng trái phiếu tại SCB-5
Thông báo của TVSI gửi tới khách hàng (Nguồn: NVCC)

Vậy nhưng, cuối cùng, TVSI vẫn từ chối hủy hợp đồng của bà T.

Bà T.T.L.T. cho biết: "Việc chậm thủ tục hủy hợp đồng là do lỗi khách quan phía ngân hàng (quá tải, thứ bảy, chủ nhật) và phía chứng khoán TVSI (nghỉ thứ bảy, chủ nhật) chứ không phải do khách hàng chúng tôi. Vì thế, tôi cho rằng việc không thực hiện hủy hợp đồng cho tôi là vô lý".

Bà T. cùng nhiều nạn nhân khác đã mua hợp đồng ở những ngày cuối trước ngày lùm xùm diễn ra nhưng đến nay vẫn không thể đòi quyền lợi.

"Chúng tôi mong phía Ngân hàng SCB và đối tác bán chứng khoản đảm bảo quyền lợi cho chúng tôi", ông N.C.H. nói.

Bộ Công an vào cuộc vụ "hô biến" tiền tiết kiệm SCB thành bảo hiểm Manulife.

Việc hàng trăm khách hàng đồng loạt gửi đơn tố cáo Công ty bảo hiểm Manulife và Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) "bắt tay nhau" trong việc lừa khách hàng gửi tiết kiệm, "hô biến" tiền gửi tiết kiệm của khách thành hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, là vấn đề được Dân trí liên tục phản ánh thời gian qua.

Trao đổi với Dân trí bên lề cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 4, Trung tướng Tô Ân Xô, Người phát ngôn Bộ Công an, cho biết lãnh đạo Bộ Công an đã chỉ đạo Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) khẩn trương xác minh vụ việc này.

C03 cũng được giao làm việc với các tập thể, cá nhân liên quan, đánh giá và phân loại xử lý đơn tố cáo của người dân theo đúng quy định của pháp luật.

Theo Người phát ngôn Bộ Công an, đến nay, C03 đã tiếp nhận 133 đơn của 128 cá nhân và 5 tập thể liên quan vụ việc này. Trong khi đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM đã tiếp nhận 190 đơn tố cáo về cùng nội dung.

Trung tướng Tô Ân Xô cho biết thời gian qua, nhiều người dân đã gửi đơn đến các cơ quan chức năng tố cáo hành vi của Công ty bảo hiểm Manulife và Ngân hàng Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB).

Nội dung tố cáo là các cá nhân gửi tiết kiệm tại Ngân hàng SCB khi đến thời hạn tất toán, đã được các nhân viên Ngân hàng SCB tư vấn sai sự thật, mời gọi khách hàng chuyển từ tiền gửi tiết kiệm sang các gói đầu tư sinh lời cao do SCB phát hành. Hình thức này được tư vấn tương tự gửi tiết kiệm, nhưng thực chất là hợp đồng bảo hiểm với Manulife Việt Nam.

Đến các năm tiếp theo, khi Manulife yêu cầu khách hàng tiếp tục đóng phí bảo hiểm, các cá nhân này mới biết mình đã ký hợp đồng bảo hiểm nhân thọ chứ không phải gói đầu tư tiết kiệm như nhân viên Ngân hàng SCB tư vấn.

Lúc này, khách hàng không thực hiện được việc rút tiền, và nếu không đóng tiền tiếp trong 60 ngày, số tiền đầu tư trước đó sẽ bị mất.

Do vậy, các cá nhân này cho rằng Ngân hàng SCB đã móc nối với Công ty Manulife có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tiền gửi tiết kiệm của khách hàng.

"Bộ Công an khuyến cáo người dân cần nghiên cứu kỹ, bảo đảm nắm chắc về nội dung trước khi ký các loại giấy tờ liên quan đến tài chính, bảo hiểm, tránh bị thiệt thòi về quyền lợi", Trung tướng Tô Ân Xô chia sẻ.

Theo Dân Trí