Đến Khoa Hồi sức tích cực – Bệnh viện Đà Nẵng những ngày này, chứng kiến chàng trai trẻ La Thành Toàn (23 tuổi, trú tổ 32, phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) với thân hình gầy nhom chỉ có da bọc xương, nằm co rúm giữa một mớ ống thở chằng chịt, nhiều người không khỏi xót xa. Toàn bị nhiễm dioxin trong máu, và cái chất độc quái ác này đang ngày càng đẩy anh đến gần hơn với cái chết.

1-8a7da
Bệnh tình của Toàn đang ngày càng nghiêm trọng.

Sinh ra với một thân hình lành lặn bình thường như bao đứa trẻ khác, ba mẹ La Thành Toàn không hề nghĩ rằng đứa con bé bỏng của mình lại đang mang trong người nỗi đau da cam. Càng lớn lên, chân tay Toàn cứ teo tóp lại, cơ thể ốm yếu bị biến dạng nên đi đứng rất khó khăn. Vợ chồng bà Trần Thị Hoa và ông La Thành Cang (ba mẹ Toàn) vô cùng lo lắng, họ mang con chạy chữa khắp nơi nhưng không tìm ra bệnh. Cuối cùng, trong một lần đưa con ra Hà Nội xét nghiệm, họ bàng hoàng khi nhận được kết quả con trai mình bị nhiễm chất độc dioxin, tiên lượng bệnh sẽ ngày càng xấu đi và anh có thể ra đi khi tuổi đời còn rất trẻ.

2-8a7da
Bà Hoa luôn bên con trai trong những khoảnh khắc sinh tử.

Nỗi đau chồng chất nỗi đau, khi La Thành Nghĩa (em trai Toàn) chào đời cũng mang một số phận bi thảm y hệt người anh trai. Cuộc sống của hai anh em Toàn và Nghĩa gắn với những lần đi viện ra Bắc vào Nam, mọi sinh hoạt cá nhân đều phải nhờ vào mẹ và chị. Thế nhưng cả hai anh em đều học rất giỏi. Toàn học hết phổ thông thì được tuyển thẳng vào trường đại học FPT, nhưng vì sức khỏe yếu và gia đình không thể đưa đón đi học thường xuyên nên anh đành ngậm ngùi ở nhà mày mò tự học trên máy tính.

Cách đây hơn một tuần, sức khỏe Toàn yếu đi trông thấy, gia đình vội vàng đưa anh vào viện. Khi Toàn vừa được chuyển đến phòng cấp cứu của bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng, cũng là lúc các bác sĩ thông báo gia đình nên chuẩn bị sẵn tinh thần để lo hậu sự cho anh. Trong khoảnh khắc mọi người đang tập trung tất cả sự cố gắng để giành giật sự sống cho chàng trai trẻ này, thì anh lại cố dùng chút sức lực yếu ớt cuối cùng để viết ra dòng chữ “Xin hãy cứu em tôi.” khiến ai nấy đều bật khóc nghẹn ngào.

3-8a7da

4-8a7da
Toàn cầm bàn tay chị gái, rồi dùng ngón trỏ viết từng chữ vào đó... ghép các chữ lại thành câu “Xin hãy cứu em tôi”.

“Toàn không nói được vì miệng đang bị bịt kín bởi ống truyền oxy và máy thở. Nó cứ cầm bàn tay tôi, rồi dùng ngón trỏ của nó viết từng chữ từng chữ lên đó. Tôi ghép lại thành từ, thành câu rồi đọc lên, nếu đúng, nó sẽ nhắm mắt ra hiệu. Lúc đọc được câu “Xin hãy cứu em tôi”, tôi hiểu ý rằng Toàn đang lo sợ một ngày nào đó Nghĩa cũng sẽ rơi vào hoàn cảnh đau đớn như nó lúc này”, chị La Thị Cẩm Dung (chị gái Toàn) bùi ngùi kể lại.

Các bác sĩ điều trị cho biết, tình hình của Toàn đang hết sức nghiêm trọng. Chất độc da cam đang ngày càng làm cơ thể teo tóp, lồng ngực nhỏ ép phổi lại và anh đang có biểu hiện viêm phổi nặng, phải thở máy thường xuyên.

Đã nhiều hôm liền, bà Trần Thị Hoa thức trắng đêm túc trực bên con. Có lúc mệt quá, bà tranh thủ về nhà tắm rửa thì Nghĩa bỗng khóc rồi giục mẹ lên bệnh viện vì “anh Toàn cần mẹ ở bên”. Nghĩa một mực đòi chị gái chở lên phòng cấp cứu để nói điều gì với Toàn, nhưng lúc đến nơi, nhìn thấy anh trai, Nghĩa chỉ nhìn rồi cười khích lệ, ánh mắt buồn sâu thẳm không nói nên lời. Nhìn cảnh hai anh em Toàn và Nghĩa, người nằm trên giường bệnh, người ngồi trên xe lăn nắm tay nhau rất lâu mà cả phòng bệnh đều ứa nước mắt.

5-8a7da
 Mặc dù sức khỏe yếu nhưng Nghĩa vẫn một mực đòi lên bệnh viện túc trực bên anh trai.

Khi được hỏi về anh trai mình, Nghĩa im lặng hồi lâu rồi nghẹn ngào thốt ra từng chữ: “Anh Toàn giỏi... Nghị lực… Anh quan tâm đến mọi người… Em mong anh mau khỏe để về nhà”. Nói đến đây, Nghĩa đã vội vàng quay mặt đi.

6-8a7da
 Toàn đang lo sợ một ngày nào đó em trai La Thành Nghĩa cũng sẽ rơi vào tình trạng đau đớn như mình lúc này.

Anh Huỳnh Văn Minh (cán bộ chuyên trách giảm nghèo phường Hòa Hải, Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) cho biết: “Gia đình anh La Thành Toàn thuộc diện hộ nghèo đặc biệt của thành phố. Người cha La Thành Cang (53 tuổi) là trụ cột của gia đình. Năm 2003, trong lúc mưu sinh bằng nghề xe ôm, ông bị tai nạn giao thông dẫn đến liệt nửa người và chấn động thần kinh. Bà Trần Thị Hoa (50 tuổi) tần tảo làm tất cả mọi việc từ chăn nuôi cho đến bốc vác thuê để kiếm tiền lo cho chồng con. UBND phường cũng thường xuyên động viên, quan tâm đến gia đình, nhưng chỉ hỗ trợ được một phần nhỏ”.

“Nhìn anh em tụi nó mà lòng tôi rối như tơ vò. Giờ tôi biết làm sao đây? Tôi chỉ cầu mong cho các con khỏe mạnh, vượt qua bệnh tật và về nhà với tôi, cực khổ mấy tôi cũng chịu được”, bà Hoa bật khóc.

Theo Tri Thức Trẻ