Ngoài giải trí, các diễn viên Hàn Quốc còn được biết đến với tầm ảnh hưởng trên nhiều lĩnh vực như: lối sống, ẩm thực, thời trang... Thậm chí tác động của họ đã lan sang lĩnh vực chính trị, tạo ảnh hưởng trực tiếp đến luật pháp.
Năm 2019, Sulli của f(X) đã qua đời khi mới 25 tuổi. Nữ ca sĩ được cho là đã phải vật lộn với chứng trầm cảm nặng và thường xuyên bị chỉ trích gay gắt trên mạng. Cái chết của cô đã mở ra một cuộc thảo luận nghiêm túc về nạn bắt nạt trên mạng.
Sulli qua đời khi mới 25 tuổi.
Sau khi Sulli qua đời, 7 kiến nghị đã được đăng trên trang web của văn phòng Tổng thống Hàn Quốc yêu cầu hình phạt nghiêm khắc hơn đối với hành vi bắt nạt trực tuyến và tăng cường sử dụng hệ thống tên thật khi đăng bình luận và tạo tài khoản.
Với những tranh cãi ngày càng tăng của công chúng xung quanh cái chết và nỗi đau khổ của Sulli, giới chính trị Hàn Quốc bắt đầu chú ý đến vấn đề này.
Goo Hara từng là thành viên nhóm nhạc nữ Kara và cũng là diễn viên nổi tiếng. Giống như người bạn Sulli, cuộc đời của Goo Hara ngắn ngủi chỉ với 28 năm. Cái chết của cô xảy ra chỉ một tháng sau khi Sulli qua đời, được cho có thể là do tự sát.
Nữ ca sĩ từng là nạn nhân bị lạm dụng và tội phạm tình dục dưới bàn tay của bạn trai cũ. Cái chết của cô đã làm dấy lên sự phẫn nộ về việc thiếu sự bảo vệ pháp lý đối với phụ nữ trước tội phạm tình dục ở Hàn Quốc.
Dư luận thậm chí còn kiến nghị lên Nhà Xanh, yêu cầu trừng phạt nghiêm khắc hơn đối với hành vi quay phim hành vi tình dục mà không có sự đồng thuận.
Goo Hara qua đời, được cho có thể là do tự sát.
Một chủ đề quan trọng khác thu hút sự chú ý của dư luận sau cái chết của Goo Hara chính là luật thừa kế của Hàn Quốc. Goo Ho In - anh trai của nữ ca sĩ đã dẫn đầu một đề xuất lập pháp mang tên "Đạo luật Goo Hara" kêu gọi sửa đổi luật thừa kế của đất nước.
Theo luật pháp Hàn Quốc, cha mẹ có quyền hưởng tài sản của những đứa con quá cố ngay cả khi họ không nuôi dưỡng hoặc chu cấp cho chúng. Sau cái chết của Goo Hara, người mẹ ghẻ lạnh của cô được cho là đã xuất hiện tại đám tang, cố gắng khẳng định quyền sở hữu tài sản của ngôi sao đã khuất.
Goo Ho In đã đệ đơn kiện mẹ mình và cũng kiến nghị ban hành Đạo luật ngăn chặn yêu cầu của cha mẹ đối với tài sản của con cái nếu họ bỏ bê nghĩa vụ làm cha mẹ.
Chỉ trong 17 ngày, đơn thỉnh cầu đã thu được hơn 100.000 chữ nhưng nó không thể được áp dụng để giải quyết tài sản của nữ ca sĩ. Dẫu vậy, Goo Ho In vẫn coi đây là "món quà cuối cùng" dành cho em gái mình.
BTS
Vào tháng 12/2020, Quốc hội đã thông qua sửa đổi luật liên quan đến việc nhập ngũ bắt buộc, điều này tạo cơ hội cho các thần tượng nam được hoãn nghĩa vụ quân sự bắt buộc nếu đáp ứng các tiêu chuẩn cụ thể.
Bản sửa đổi, được gọi rộng rãi là "luật BTS", được đưa ra vào tháng 9-2020, sau thành công vang dội của đĩa đơn Dynamite của nhóm nhạc toàn cầu này.
Nhóm nhạc BTS
Theo luật pháp Hàn Quốc, tất cả nam giới không khuyết tật đều phải nhập ngũ. Tuy nhiên, cái gọi là "luật BTS" cho phép các nghệ sĩ K-Pop được hoãn nhập ngũ đến 30 tuổi, nhưng chỉ khi họ nhận được huy chương của chính phủ cho những đóng góp văn hóa trong nước và toàn cầu.
Cho đến nay, các thành viên BTS là những người duy nhất được hưởng lợi từ sửa đổi này. Tuy nhiên, Jin và J-Hope đã rút lại yêu cầu hoãn và lên đường nhập ngũ. Các thành viên khác của nhóm dự kiến cũng sẽ nhập ngũ.
Theo Người Lao Động