Khi đại dịch Covid-19 tàn phá Ấn Độ đầu năm nay, hàng chục nghìn người thiệt mạng vì virus corona. Hàng nghìn người khác, dù sống sót và hồi phục, một lần nữa phải nhập viện bởi hiện tượng nhiễm trùng nấm đáng sợ có tên mucormycosis, hay còn gọi là nấm đen.
Số ca mắc nấm đen tại Ấn Độ hiện đã vượt mức 31.000. Truyền thông Ấn Độ đưa tin hơn 2.100 người đã tử vong vì nấm đen. Tuy nhiên, chưa có công bố chính thức của nhà chức trách về số người tử vong vì dịch bệnh đáng lo ngại này.
Những người mắc nấm đen trải qua những triệu chứng phổ biến như giảm thị lực, sụp mí mắt, chảy dịch mũi. Trong rất nhiều trường hợp, phương pháp điều trị duy nhất có hiệu quả là cắt bỏ hết các tế bào nhiễm nấm, mà đa phần tập trung ở vùng mắt, theo Washington Post.
"Đây là một dạng nấm ăn thịt phá hủy các mô khi nó phát triển", bác sĩ Akshay Nair, bác sĩ phẫu thuật điều trị bệnh nhân nấm đen ở Mumbai, cho biết.
Một bệnh nhân phải khoét mắt vì mắc nấm đen. Ảnh: Washington Post.
Khoét mắt hoặc tử vong
Trước đại dịch, bác sĩ Nair chỉ gặp phải 10 bệnh nhân nấm đen mỗi năm. Nhưng kể từ tháng 1, ông đã điều trị cho khoảng 100 người mắc nấm đen.
"Nếu nấm phát triển ở xoang, chúng ta sẽ phải cắt mũi. Nếu nấm đen xâm nhập mắt, toàn bộ nhãn cầu, mi mắt và các cơ xung quanh sẽ phải bị loại bỏ, để lại vùng hốc mắt trơ trọi, trống rỗng", bác sĩ Nair cho biết.
Nếu không cắt bỏ hoàn toàn các tế bào nhiễm nấm đen, nấm có thể lan rộng đến não. Khi đó, tỷ lệ tử vong của người mắc nấm đen lên đến 50%.
Thuốc đặc trị dùng cho bệnh nhân nấm đen có tên amphotericin B. Người mắc nấm đen cần được dùng loại thuốc này liên tục từ 3-5 tuần sau phẫu thuật. Lúc này, amphotericin B đang cạn kiệt ở Ấn Độ.
Nguồn cung thiếu hụt, giá thuốc tăng chóng mặt, càng làm phức tạp thêm tình hình của những người mắc nấm đen.
Hiện tượng nấm đen gây ra bởi một loại nấm mốc có tên mucormycetes, vốn tồn tại ở nhiều nơi trong môi trường, từ đất, cây cối cho đến hoa quả thối rữa.
Nấm mucormycetes dễ bị mắc trong bệnh viện, đặc biệt phổ biến với bệnh nhân cấy ghép tạng. Nấm có thể lây truyền qua tấm trải giường hoặc hệ thống thông gió của bệnh viện.
Hệ miễn dịch của đa phần con người có thể chống lại loại nấm này. Tuy nhiên, nấm sẽ dễ phát triển thành bệnh nặng trên những người có hệ miễn dịch suy yếu, hoặc mắc các bệnh nền như tiểu đường và bạch cầu.
Các bác sĩ tin rằng nguyên nhân các ca mắc nấm đen tăng đột biến ở Ấn Độ là việc các cơ sở y tế sử dụng steroid trong điều trị cho người nhiễm virus corona.
Steroid giúp cải thiện tình trạng của người mắc Covid-19, nhưng đồng thời khiến hệ miễn dịch của họ suy yếu cũng như làm tăng nồng độ đường trong máu, khiến người bệnh dễ bị tổn thương trước nấm đen.
Lựa chọn khắc nghiệt
Trước khi năm 2021 bắt đầu, Khurshida Banu là một người phụ nữ nội trợ đảm đang, dành hết thời gian chăm sóc gia đình, các con và các cháu. Nhưng khi đại dịch Covid-19 ập đến, cuộc đời người phụ nữ 49 tuổi hoàn toàn đảo lộn.
Tháng 2 vừa qua, bà Banu mắc Covid-19. Dù được điều trị và hồi phục, phổi bà tổn thương nghiêm trọng. Chỉ hai tuần sau khi xuất viện, một trong hai mắt của bà Banu không thể mở được nữa.
"Như thể con mắt ấy không còn tồn tại", Ilyas, con trai bà Banu, cho biết.
Trước khi mắc Covid-19, bà Banu đã bị tiểu đường nặng. Cả gia đình bị sốc khi bác sĩ chẩn đoán bà mắc nấm đen. Con mắt của bà Banu cần phải bị bỏ nếu muốn giữ mạng sống cho người phụ nữ.
Bà Surekha Khadche có nguy cơ mất cả hai mắt vì nấm đen. Ảnh: Washington Post.
"Hoặc là bỏ con mắt, hoặc mẹ tôi sẽ chết", người con trai nhắc lại lời của bác sĩ.
Trong khi đó, nhiếp ảnh gia Anil Baburao Wankhede là lao động chính trong gia đình. Thu nhập của ông giúp trả chi phí sinh hoạt và tiền học của hai con.
Hồi tháng 4, Wankhede nhập viện vì mắc Covid-19, nhưng nhanh chóng hồi phục. Thế nhưng chỉ sau vài ngày, người đàn ông một lần nữa trở lại bệnh viện. Mắt phải của Wankhede sưng to bất thường. Người đàn ông khi đó đã mắc nấm đen.
Tới tháng 6, Wankhede vẫn đang tiếp tục được điều trị tại bệnh viện. Khuôn mặt của người đàn ông cắm chi chít các loại ống. Bên phải mắt của Wankhede đã bị cắt bỏ. Nhiếp ảnh gia này đã suýt tử vong sau khi bị suy đa tạng, hậu quả của mắc nấm đen.
Surekha Khadche là một bệnh nhân xấu số khác. Hồi tháng 4, hai tuần sau khi mắc Covid-19, bên mắt phải của bà Khadche bắt đầu chảy nước, trước khi sưng tấy và đau nhức.
Tại bệnh viện, kết quả chụp cộng hưởng từ cho thấy trong xoang của người phụ nữ dày đặc nấm đen. Đây là một cú sốc với cả gia đình Khadche. Trước đó không lâu, một người họ hàng của gia đình cũng tử vong vì mắc nấm đen trước khi được chữa trị.
Các bác sĩ nói người phụ nữ cần tiến hành phẫu thuật ngay, nếu không nấm sẽ ăn vào não, khi đó tính mạng khó có thể được bảo toàn. Nhưng bệnh viện không được phép phẫu thuật cho đến khi Khadche có kết quả xét nghiệm âm tính với virus corona.
"Covid-19 không là gì so với nấm đen"
Đối với nhiếp ảnh gia Wankhede, điều duy nhất ông cảm thấy lúc này là sự lạc lõng. Em trai của Wankhede đã phải vay mượn hàng nghìn USD để giúp ông điều trị nấm đen.
Là một nhiếp ảnh gia, Wankhede cần tới thị giác tinh tường để có thể làm việc, kiếm sống. Người đàn ông 56 tuổi cho biết ông không chắc liệu có thể trở lại làm việc như trước kia, bởi nay một bên mắt đã không còn.
"Tôi không biết mình sẽ làm thế nào để tiếp tục công việc. Cuộc đời tôi giờ chỉ có tuyệt vọng, phía trước hoàn toàn tăm tối", ông Wankhede nói.
Trong khi đó, bà Khadche phải điều trị hơn một tháng tại bệnh viện với hy vọng dứt điểm nấm đen. Hóa đơn viện phí của người phụ nữ là 12.000 USD, đồng nghĩa gia đình bà mất toàn bộ tiền tiết kiệm.
Lúc này, nấm đen dường như đã tấn công con mắt còn lại của Khadche. Mí mắt bên trái của bà đã sụp xuống và hầu như không thể mở ra.
Chi phí điều trị nấm đen rất đắt đỏ so với thu nhập của người Ấn Độ. Ảnh: BBC.
Người phụ nữ lúc này một lần nữa cần điều trị khẩn cấp để có thể giữ lại con mắt còn lại. Khadche cho biết Covid-19 "không là gì so với nấm đen".
"Tôi không còn cảm thấy mình đang sống nữa", bà Khadche nói trong tuyệt vọng.
Với bà Banu, người phụ nữ phải dành 40 ngày trong bệnh viện để điều trị nấm đen. Khi gần tới ngày xuất viện, bà tiếp tục bị đột quỵ, khiến toàn bộ phần thân bên phải bị liệt.
Giờ đây, cuộc đời người phụ nữ là một chuỗi ngày tập vật lý trị liệu tại nhà, cũng như đến bệnh viện mỗi tuần để thay băng mắt bên trái. Dù vậy, người phụ nữ vẫn cố gắng nhìn vào mặt tích cực của vấn đề.
"Thánh Allah đã cứu lấy chiếc mắt còn lại của tôi. Dù sao đi nữa, tôi hạnh phúc khi được trở về nhà với gia đình", bà Banu nói.
Theo Zing