Du khách đến từ London, Anh không biết rằng đây là tiền âm phủ, được đốt như nghi thức tâm linh dành cho người đã khuất. Vì thế, anh bày tỏ sự ngạc nhiên tột độ cho đến khi được một người Việt Nam giải thích cặn kẽ.
"Văn hóa ẩn chứa những đặc trưng thú vị thôi thúc người ta khám phá", Jon nói. Chàng trai đã chọn Việt Nam trong chuyến đi vòng quanh Đông Nam Á vào tháng 7/2023, đặc biệt ấn tượng với cuộc sống, nếp sinh hoạt của con người ở đây.
Jon Connell thích tìm hiểu văn hóa của người Việt Nam (Ảnh: NVCC).
Jon dành nhiều thời gian để lang thang qua các ngôi chùa, đền, miếu và nhà dân tại TPHCM. Anh cũng dần quen với hình ảnh người ta gom những tờ giấy đủ màu, trong đó có cả tiền âm phủ và đốt cháy rồi cầu nguyện. Sau cùng, họ rải muối gạo lên đám tro tàn.
"Tại Anh, chúng tôi thường đặt nhành hoa lên mộ người đã khuất. Ở Việt Nam, họ thường tổ chức đám giỗ để tưởng nhớ. Mọi người sẽ cùng thưởng thức bữa ăn thịnh soạn và uống bia", Jon mô tả.
Sự khác biệt về văn hóa cũng đã khiến không ít khách Tây có nhiều câu chuyện nhầm lẫn buồn cười. Sau đó, mỗi du khách đều có ấn tượng đặc biệt với ẩm thực, nếp sinh hoạt và các phong tục của người Việt.
Brandon (36 tuổi) vẫn còn nhớ như in lần đầu tiên anh được ngửi mùi sầu riêng. Chàng trai người Mỹ từng dạy tiếng Anh cho trường Đại học tại Bình Dương. Vào giờ nghỉ trưa, anh được các sinh viên mời ăn sầu riêng, họ giới thiệu với anh đây là loại trái cây đặc sản.
"Tôi còn nhớ trái sầu riêng được cho vào ba lớp túi nhưng vẫn bay mùi. Đối với người phương Tây, mùi này khá lạ khiến tôi khịt mũi liên tục. Tôi trộm nghĩ có lẽ trái cây này đã hỏng rồi, chẳng dùng được nữa đâu", Brandon nhớ lại.
Tuy nhiên, anh đã không khỏi ngạc nhiên khi thấy học trò của mình khui ra ăn ngon lành. Brandon tìm hiểu thêm mới biết về sầu riêng, loại trái cây phổ biến ở Việt Nam, Thái Lan và Malaysia.
"Có lẽ họ quý tôi nên mới mời. Sau nhiều lần bịt mũi nếm thử, tôi cũng đã cảm nhận được độ ngọt, béo của sầu riêng rồi", Brandon cười, kể lại.
Ông Jefferson (68 tuổi) đến TPHCM lần đầu vào năm 2008. Người đàn ông Mỹ đã được bạn bè rủ đi ăn "món bò nguy hiểm nhất" Việt Nam khiến ông có chút... đắn đo. Đến quán ăn, ông mới vỡ lẽ rằng đó là món bò né, được người dân địa phương gọi vui để mô tả cách ăn độc đáo.
Món bò né tại TPHCM từng khiến ông Jefferson ngạc nhiên, thích thú (Ảnh: NVCC).
Theo đó, bò sẽ được làm chín trên chảo gang nóng, có trứng ốp la, pate, bơ và các loại chả. Chảo gang khi nóng sẽ làm bắn dầu khá nhiều, vì thế, nhiều người ăn phải "né" sang một bên.
Theo ông Jefferson, món ăn này làm ông nhớ đến beefsteak tại quê nhà. Tuy nhiên, bò né được ông mô tả là sự hòa quyện tuyệt vời của các loại nguyên liệu, chút béo của bơ, mằn mặn của thịt bò kèm rau xanh, cà chua.
"Món bò kiểu châu Á này thật sự đã gây ấn tượng cho tôi", Jefferson nói.
Arnaud Zein El Din đã có 3 tuần du lịch tại Hà Nội (Ảnh: NVCC).
Chiều tháng 8, khi trở về Pháp, Arnaud Zein El Din (44 tuổi) đã vô cùng ngạc nhiên khi điện thoại của mình nhảy lên hàng trăm tin nhắn thăm hỏi từ người Việt Nam.
Du khách trên đã vô tư ôm con ngựa vàng mã mua được ra sân bay Nội Bài. Anh xem đây là vật kỷ niệm trong hàng chục món đồ mua được từ chuyến du lịch 3 tuần du lịch tại Hà Nội.
Arnaud Zein El Din cho biết anh đã mua con ngựa với giá 100.000 đồng vì thấy "đẹp, bắt mắt" mà không biết đây là món đồ thường được người ta hóa vàng dành cho người đã khuất.
Nhầm lẫn này đã khiến Arnaud Zein El Din nổi tiếng tại Việt Nam, hình ảnh người dân tình cờ chụp lại anh cùng con ngựa giấy cũng được chia sẻ trên nhiều diễn đàn mạng.
Arnaud Zein El Din cho biết anh có chút tiếc nuối khi không thể mang con ngựa vàng mã về Pháp. Một số người Việt Nam cũng đã chủ động nhắn tin cho anh rằng: "Nếu anh thích, họ sẽ gửi tặng anh con khác".
Du khách trên hiện đang là kiến trúc sư và travel blogger. Anh đặc biệt yêu thích văn hóa Việt Nam nên đã cất công sưu tập nón cối, mặt nạ giấy, phin cà phê, cốc bia hơi... để mang về nước.
"Tôi sẽ trở lại Hà Nội trong ngày không xa", Arnaud Zein El Din nói.
Theo Dân Trí