Thông thường những người làm tài xế hay e ngại, thậm chí kiêng kỵ khi chở tro cốt, thi hài người chết. Vậy nhưng tại khu vực nghĩa trang Văn Điển (Hà Nội) lại có những tài xế luôn túc trực để làm việc này. Không phải vài ba người mà ngay trước cổng Đài hóa thân hoàn vũ thuộc nghĩa trang này luôn có 12-15 bác tài dừng xe đứng đợi. Và câu chuyện của họ cũng nhuốm màu liêu trai.

nhung-tai-xe-taxi-chuyen-cho-macau-chuyen-cua-nhung-tai-xe-cho-tro-cot-o-dai-hoa-than-hoan-vu-nhuom-mau-lieu-trai-ma-khoa-hoc-chua-giai-thich-duoc
Tại khu vực trước cổng Đài hóa thân Hoàn Vũ (thuộc Nghĩa trang Văn Điển) luôn có hơn 10 chiếc taxi chờ “khách đặc biệt”.

Đài hóa thân Hoàn Vũ thuộc Nghĩa trang Văn Điển (Thanh Trì, Hà Nội) ngày đầu tháng ba chật ních người phía khu nhà hỏa táng. Từng nhóm người đứng chờ đến lượt vào lo hậu sự cho người thân mình vừa qua đời. Mùi khói hương, sự trang nghiêm khiến không khí nơi đây có cảm giác lành lạnh.

Trước khi chuyển thi hài vào phía nhà hỏa táng, các nhân viên sẽ đọc lời chia buồn, vĩnh biệt lần cuối. Sau vài tiếng vận hành lò thiêu, phần cơ thể đã thành tro được bộ phận xử lý đem làm nguội. Tiếp đó, một nhân viên cẩn thận cho vào trong chiếc tiểu hoặc quách rồi chuyển ra phòng lễ tân để thông báo, trả tro cốt cho thân nhân người quá cố.

Sau đó tùy vào hoàn cảnh mà người thân có thể đi xe riêng hay gọi taxi để đưa phần tro cốt của người thân về quê hương. Anh Trung, 34 tuổi, quê gốc Thanh Trì là một trong những tài xế thường xuyên đón khách ở khu vực này cho biết: “Tôi làm tài xế đã hơn chục năm. Dạo đó, khách đi taxi chưa đông nên tôi chuyển đến cổng nghĩa trang Văn Điển kiếm thêm thu nhập. Lần đầu chở khách cùng chiếc tiểu sành chứa hài cốt, tôi còn lạnh sống lưng. Chạy được vài ngày tôi tính chuyển địa điểm chờ khách nhưng chẳng hiểu sao cứ phải ra đây mới làm ăn được. Làm nghề lâu cũng thành quen, vì miếng cơm manh áo cả thôi”.

Sau nhiều năm đi lái taxi thuê thì anh đã dành dụm được một khoản tiền để mua trả góp một chiếc xe của hãng. Thấy mình có duyên với “người âm”, anh đóng chốt tại khu vực cổng Đài hóa thân Hoàn Vũ luôn. Với mỗi chuyến chở khách kèm theo hài cốt người quá cố thì anh được trả thêm từ 100.000 đến 200.000 đồng. Có người nhà xa, cảm mến anh vì sự nhiệt tình, hiếu nghĩa nên bồi dưỡng thêm tiền thù lao. Thế nhưng, đó không phải là những gì ấn tượng nhất về công việc đặc biệt này, bởi bản thân anh không ít lần chứng kiến hiện tượng “vong nhập” mà mỗi khi kể lại, anh vẫn “lạnh gáy”.

Anh Trung kể: “Hôm Rằm tháng Giêng vừa rồi, có hai người phụ nữ tay ôm tiểu sành đi ra cổng nghĩa trang vẫy chiếc taxi của tôi nhờ chở về quê ở Chương Mỹ. Họ là con gái và con dâu của bà cụ quá cố 72 tuổi, qua đời do bị tai nạn giao thông. Đi được khoảng 40 km đến đoạn đường thuộc tỉnh lộ 419, chạy qua địa phận xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức và xã Trần Phú, huyện Chương Mỹ (Hà Nội) thì chiếc xe bất ngờ chết máy do đoạn đường có nhiều khúc cua gấp cùng với những ổ gà, ổ trâu. Khi tôi đang cố nổ máy thì bất ngờ cả hai người phụ nữ sau xe bật khóc lớn. Sau khoảng một phút, cả hai người bỗng giật đùng đùng, ngã ngửa ra phía sau, miệng thì liên tục nói những câu không rõ tiếng…”.

“Làm nghề này không được phép sợ, nhưng thần kinh con người không phải là thép. Chứng kiến cảnh tượng ấy khiến tôi nổi hết da gà, mắt thì chăm chú nhìn vào chiếc tiểu sành chứa tro của người quá cố. Sau khi trấn tĩnh lại, tôi vội cho xe vào ven đường, lấy chai dầu gió có sẵn trong hộp xe thoa đều vào trán và thái dương cho hai người phụ nữ. Khoảng vài phút sau, họ mới qua trạng thái rối loạn nhưng cơ thể vẫn rệu rã, mệt mỏi. Rất may, chỉ đi cố thêm độ chục cây thì về đến nhà họ”.

Như để minh chứng cho những gì mình nói, anh Trung giới thiệu thêm tài xế Nguyễn Văn Nam (42 tuổi). Cũng như những lái xe taxi khác hoạt động tại khu vực cổng Đài hóa thân Hoàn Vũ, công việc hằng ngày của anh Nam là nhận chở khách có kèm theo tiểu tro cốt của người quá cố. Nói về hiện tượng “vong nhập”, anh Nam có phần mạnh bạo và thẳng thắn rằng: “Tôi cũng từng gặp những trường hợp thân nhân vì quá đau buồn, tiếc thương người quá cố nên bị “nói nhảm. Dù vậy, tôi cũng không thấy có gì đáng sợ cả".

Công việc chở khách đặc biệt này từ 6 rưỡi sáng tới 21h đêm suốt 6 năm trời đã trang bị cho anh Nam nhiều kỹ năng xử lý sự cố. Anh kể, có lần đang chở khách cùng chiếc lọ sành đựng tro cốt của người chết từ Thanh Trì, Hà Nội về huyện Lạng Giang, Bắc Giang thì người đàn ông khoảng 35 tuổi (là anh em với người quá cố) đang ôm chiếc sành bất ngờ cười sằng sặc, miệng méo xệch rồi ngất xỉu. Thấy vậy, anh Nam vội dừng xe, nhẹ nhàng vuốt ngực cho khách cho dễ thở rồi lấy gói tinh bột gừng và nước đã chuẩn bị sẵn pha cho người này uống.

“Không giống như những trường hợp khác tôi từng gặp, anh này trong trạng thái hỗn loạn rất lâu, hơn nửa tiếng liền. Thấy bất ổn, tôi bảo những người thân khác nên tiếp tục để tôi chạy xe đưa về nhà rồi xử lý. Về sau, tôi nghe người nhà họ kể rằng, người quá cố và người anh em này trước đây rất thân thiết và yêu quý nhau”, anh Nam thuật lại.

Nhà ngoại cảm Nguyễn Văn Ngọc (Bộ môn dự báo, Trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người).
Nhà ngoại cảm Nguyễn Văn Ngọc - Bộ môn dự báo, Trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người.

Nhà ngoại cảm Nguyễn Văn Ngọc (Bộ môn dự báo, Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người) cho rằng, những câu chuyện mà tài xế taxi chở hài cốt, tro cốt gặp phải hoàn toàn có thể xảy ra. “Hiện tượng trên, theo trường sinh học gọi là bệnh “thần kinh giả”.

Theo chuyên gia này, cơ thể con người có rất nhiều trung tâm hạch thần kinh, tựa như những chiếc máy phát điện nhỏ. Khi “năng lượng lạ” xâm nhập vào, nó sẽ khiến cơ thể người bị trục trặc, rối loạn. Đặc biệt với nhân thân người quá cố do tâm lý xúc động, yếu đuối rất dễ gặp phải hiện tượng này. “Do vậy, những người cơ địa kém, đói ăn, huyết áp thấp… không nên tiếp xúc quá lâu với người chết vì âm khí có thể khiến cơ thể mệt mỏi, thậm chí ngất đi hoặc không kiểm soát được ý chí, hành vi”, ông Ngọc chia sẻ.

Theo các bác sĩ thuộc chuyên khoa thần kinh thì “vong nhập”, lên đồng… là một trạng thái tâm lý đặc biệt, xuất phát từ vô thức, là một nhóm bệnh nằm trong bảng phân loại về các loại bệnh tâm thần đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xếp vào mục F44.3. Một người bị “vong nhập” tức là không bình thường, có vấn đề về thần kinh hoặc tâm thần (nhẹ hoặc nặng). Đây là sự tương tác của ám thị lạ và tự ám thị. Trong trạng thái tự ám thị nhiều khi rất mạnh mẽ đặc biệt đối với những người có thế năng bệnh tâm thần cao, bộ não sẽ nhào nặn, xây dựng thành các kịch bản đặc biệt. Hiện tượng “vong nhập” thường xảy ra ở những người yếu bóng vía hoặc vừa trải qua một cơn biến động tâm lý.

* Tên các tài xế taxi đã được thay đổi.

Theo Giadinh.net.vn