Nhắc đến những thác nước nổi tiếng của Việt Nam, không thể bỏ qua thác Bản Giốc (huyện Trùng Khánh, Cao Bằng). Đây là thác nước tự nhiên lớn nhất khu vực Đông Nam Á, đồng thời là thác lớn thứ 4 thế giới trong số các thác nằm ở biên giới các quốc gia. Ảnh: Ngoc Ha Vl.
Đây được xem như ngọn thác đẹp nhất nước ta. Dưới ánh nắng lung linh, dòng nước trắng xóa chảy xuống như đang tỏa sáng giữa núi rừng hoang sơ, tạo nên khung cảnh kỳ vĩ. Ảnh: Nguyễn Thành Đạt.
Thác Liêng Rơwoa, hay còn được gọi là thác Voi, thuộc thị trấn Nam Ban, huyện Lâm Hà, Lâm Đồng. Đây là một trong những ngọn thác lớn nhất của Tây Nguyên, cao trên 30 m và rộng khoảng 40m , đồng thời nằm trong số ít thác còn giữ nguyên nét hoang sơ. Dòng nước chảy xuống mạnh mẽ, ào ạt như tiếng gầm của thú rừng miền núi. Ảnh: Chien Xuan Tran.
Cũng tại tỉnh Lâm Đồng, du khách không thể bỏ qua thác Pongour, tuyệt tác của tạo hóa, được mệnh danh là "nam thiên đệ nhất thác". Ngọn thác 7 tầng cao tới gần 40 m thuộc huyện Đức Trọng, cách Đà Lạt 50 km. Bao quanh là khu rừng nguyên sinh với thảm thực vật phong phú. Ảnh: Hoang Phuong.
Ngay tại huyện Đức Trọng, ẩn mình giữa khu rừng hoang dã, thanh vắng là một thác nước hùng vĩ khác tên là Jraiblian, hay còn gọi là thác Bảo Đại bởi xưa kia vua Bảo Đại thường dừng chân nghỉ ngơi tại đây sau khi đi săn. Đối lập với sự mạnh mẽ của ngọn thác là khung cảnh thơ mộng xung quanh, thích hợp để cắm trại, dã ngoại, chơi thể thao mạo hiểm. Ảnh: Hoang Phuong.
Thác Camly nằm ngay gần trung tâm thành phố Đà Lạt, thu hút nhiều khách du lịch nhờ vị trí thuận lợi. Ngọn thác chỉ cao khoảng 10 m, dòng chảy dịu dàng, từng xuất hiện trong nhiều tác phẩm văn học và là biểu tượng của thành phố sương mù. Tuy nhiên hiện nay ngọn thác đang phải đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng về môi trường. Ảnh: Hoang Phuong.
Một ngọn khác tuyệt đẹp khác tại Đà Lạt là thác Prenn, còn giữ nguyên nét hoang sơ của núi rừng, trông như một dải lụa trắng xóa đổ xuống từ độ cao 20m. Khu vực này được đầu tư để thu hút khách du lịch với nhiều loại hình dịch vụ đa dạng như đi cáp treo, bơi thuyền, tham quan vườn thú... Ảnh: Hoang Phuong.
Thác K50 nằm trong Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng, giữa ranh giới tỉnh Gia Lai và Bình Định. Đoạn đường đến thác nước rất khó đi, phải băng rừng lội suối, vì vậy nơi đây còn rất hoang sơ, khung cảnh đẹp như tranh vẽ. Ảnh: Nguyễn Xuân Tuyến.
Núi rừng Tây Nguyên hoang sơ hùng vĩ sở hữu hầu hết thác nước đẹp của nước ta. Tại mảnh đất Gia Lai còn một thác nước đẹp khác là thác Kon Bông. Thác nằm sâu trong vườn quốc gia Kon Ka Kinh, dòng nước tung bọt trắng xóa chảy qua 3 tầng đá tạo nên khung cảnh nên thơ. Ảnh: Cong Nam Phan.
Thác Đăk G’Lun nằm trong địa phận huyện Tuy Đức, tỉnh Đăk Nông , có chiều cao khoảng hơn 50 m, rộng khoảng 15 m, được bao bọc bởi hơn 1.000 ha rừng đặc dụng, hệ sinh thái phong phú. Dòng nước chảy thẳng xuống những tảng đá phủ đầy rêu xanh, xung quanh có nhiều cây cổ thụ tán rộng, có bãi đất bằng phẳng để cắm trại. Ảnh: Hoang Phuong.
Thác Liêng Nung ở thị xã Gia Nghĩa (Đắk Nông) được quy hoạch thành khu du lịch sinh thái. Dòng nước chảy rì rầm, những hạt bụi nước li ti bắn lên cao, ánh nắng rọi lên đám bụi nước ấy làm xuất hiện cầu vồng. Ảnh: Hoang Phuong.
Thác Draynur cách thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) 25 km, là một ngọn thác hùng vĩ có chiều dài lên tới 250 m. Nước chảy từ độ cao 30 m, bọt tung trắng xóa, hơi nước bốc lên tạo ra khung cảnh vừa hùng vĩ, hoang sơ, vừa thơ mộng. Đến với ngọn thác, du khách cũng sẽ được khám phá cuộc sống chân chất, thuần phác trong các buôn làng xung quanh. Ảnh: Hoang Phuong.
Ngược về vùng núi phía Bắc, thác Bản Ba (huyện Chiêm Hóa, Tuyên Quang) nằm sâu trong khu rừng nguyên sinh, giữa núi non trùng điệp. Thác có 3 tầng chính, dòng nước trong vắt với những phiến đá to dưới chân thác. Ảnh: Nguyễn Tuấn Vũ.
Thác Bạc ở Sa Pa (Lào Cai) cũng là một ngọn thác đẹp ở khu vực phía Bắc, đổ từ độ cao hơn 100 m, thu hút hầu hết du khách đặt chân tới thành phố này nhờ vị trí thuận tiện.
Theo Zing