Bảng xếp hạng được The Economist Intelligence Unit (EIU) thuộc The Economist tổng hợp như một phần của Khảo sát Chi phí Sinh hoạt Toàn cầu năm 2020. Họ đã thực hiện cuộc khảo sát lần thứ 2 trong năm nay để xem xét tác động của Covid-19 đối với giá cả và thu nhập toàn cầu.
Các nhà nghiên cứu khảo sát giá của 138 sản phẩm - dịch vụ, bao gồm đồ ăn, đồ uống, quần áo, đồ dùng gia đình... ở khoảng 130 thành phố trên toàn thế giới để đưa ra bảng xếp hạng các đô thị đắt đỏ nhất và ít tốn kém nhất.
Hong Kong tiếp tục giữ danh hiệu thành phố đắt đỏ hàng đầu. Ảnh: Shutter.
EIU cho biết cùng với Hong Kong, Paris và Zurich từ hạng 5, đều tăng lên vị trí dẫn đầu do sự tăng giá của đồng Euro và Franc Thụy Sĩ so với USD, cũng như "sự sụt giảm so sánh trong chi phí sinh hoạt của cả hai thành phố châu Á trước đây đứng đầu bảng".
Hai thành phố đó là Singapore và Osaka (Nhật Bản), lần lượt tụt xuống vị trí thứ 4 và 5, trong đó Osaka xếp ngang hàng với thành phố Tel Aviv của Israel.
Theo EIU, giá cả ở Singapore giảm do đại dịch kéo theo làn sóng di cư của người lao động nước ngoài. Báo cáo nhận định: "Với việc tổng dân số của thành phố giảm xuống kể từ năm 2003, nhu cầu chi tiêu giảm và giảm phát bắt đầu. Osaka cũng có xu hướng tương tự, với giá tiêu dùng đình trệ và chính phủ Nhật Bản trợ cấp các chi phí như giao thông công cộng".
Zurich cũng đứng đầu trong bảng xếp hạng và được đánh giá là đắt hơn so với Singapore, Osaka. Ảnh: Shutter.
Ở vị trí thứ 7 là thành phố Geneva của Thụy Sĩ, cùng với New York (Mỹ). Xếp thứ 9 là Copenhagen (Đan Mạch) và Los Angeles (Mỹ).
Damascus, thủ đô của Syria, nơi bị chiến tranh tàn phá, được đánh giá là thành phố rẻ nhất thế giới. Thành phố Tashkent, thủ đô của Uzbekistan, có giá cả cao hơn một chút.
Xếp cuối danh sách, cùng với Damascus và Tashkent trong số các thành phố rẻ nhất, là Lusaka ở Zambia và thủ đô Caracas của Venezuela.
Thủ đô Damascus của Syria là thành phố rẻ nhất thế giới. Ảnh: Shutter.
EIU nhấn mạnh rằng đại dịch Covid-19 đã tác động đến thói quen chi tiêu trên toàn thế giới. Giá cả của các mặt hàng thiết yếu trở nên ổn định hơn so với những mặt hàng được coi là không thiết yếu.
Upasana Dutt, người đứng đầu ban Chi phí Sinh hoạt Toàn cầu tại EIU, cho biết: "Đại dịch Covid-19 đã khiến đồng USD suy yếu trong khi các đồng tiền Tây Âu và Bắc Á tăng giá, do đó đã làm thay đổi giá hàng hóa, dịch vụ".
Nhiều người tiêu dùng quan tâm đến giá cả sẽ ưu tiên chi tiêu cho các mặt hàng thiết yếu, giải trí gia đình và truy cập Internet nhanh. Ngược lại các mặt hàng như quần áo và hoạt động giải trí ngoài trời, sẽ tiếp tục đình trệ.
Theo Zing