Mẹ người thợ lặn xấu số Lê Văn Ngày. Ảnh: N.BĂNG
Đâu là nguyên nhân dẫn đến cái chết của anh Ngày khi lặn dưới cảng sâu Sơn Dương (thuộc KCN Formosa - Vũng Áng, Hà Tĩnh) san lấp mặt bằng dưới đáy biển, phục vụ thi công đê chắn sóng tại công trình này? Câu hỏi đó cứ lúc ẩn lúc hiện trong tâm trí người mẹ, người vợ, người con... của anh. Thế nhưng, từng ngày nặng trĩu đi qua, một tia thông tin thôi, cũng không.
Khóc cạn nước mắt
Căn nhà chật chội của gia đình thợ lặn Lê Văn Ngày nằm nép trong con hẻm cuối làng chài Bá Hà 1 không hơn một phòng trọ. Nhìn cảnh ấy, không ai nghĩ, họ sống ổn nhờ vào nghề lặn biển. Cánh cửa hé mở, đón tôi là em Lê Thị Mai - cô con gái đầu của anh Ngày, năm nay 25 tuổi. Mai đã có chồng và một con 3 tuổi ở TP.Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa. Mấy hôm nay, Mai tạm gác việc làm tóc, đưa con về động viên tinh thần người mẹ “chết đứng chết ngồi” vì mất chồng. Nhà chẳng có giường, Mai nằm nghỉ trưa dưới nền nhà, bên bàn thờ khói hương lạnh tanh của cha. Nghe tiếng con gái gọi, vợ anh Ngày - chị Đỗ Thị Hòa (SN 1969) - thẫn thờ bước ra, gượng chào.
Suốt buổi trò chuyện, chị Hòa không nhìn vào khách. Chị cứ thoắt nhìn tứ hướng, hoang mang như người vô hồn. Lời chị kể không phát thành tiếng, cũng không trọng âm, kết thúc một câu trả lời yết ớt là hai hàng nước mắt lăn dài. “Tin nổi không, anh đi quá đột ngột, đau buồn không tả xiết” - chị Hòa tiếng được tiếng mất.
Giờ đây, mọi thứ xung quanh chị như vô nghĩa, trừ điều chị khát khao muốn biết: Đâu là nguyên nhân dẫn đến cái chết tức tưởi của chồng mình?. Chị bảo, câu hỏi ấy cứ luẩn quẩn trong tâm trí chị nhưng hơn 2 tháng rồi, vẫn vô vọng câu trả lời. Chị Hòa đến với anh Ngày như duyên nợ: “Thuở ấy, tôi vào Bình Thuận phụ giúp anh ruột nấu ăn, dọn dẹp đang làm nghề biển, rồi gặp anh đang lặn sò ở đấy. Tôi cảm mến và đem lòng yêu anh lúc nào chẳng biết. Lấy nhau rồi, anh vẫn đi lặn, vài tháng về vài lần thăm nhà. Anh rất thương vợ con. Anh là trụ cột gia đình, anh mất rồi, giờ tôi không biết sống sao, còn mẹ già anh nữa...”.
Nghề lặn biển vốn nặng nhọc, mùa đông anh lặn ruốc, mùa hè lặn sò, nhưng chưa bao giờ chị Hòa nghe chồng nói đau ốm gì nặng. “Tướng tá anh khỏe lắm, lặn biển giỏi lắm, hai mươi mấy năm lặn biển rồi, có bị sao đâu” - chị Hòa sụt sùi. Năm này, lặn sò, ruốc bết bát, nghe anh em trong nhà đi lặn công trình ở Hà Tĩnh có tiền, anh theo cùng ra làm cải thiện thu nhập. Nào ngờ, mới làm việc được 6 tháng cho Cty CP Xây dựng và Cung ứng lao động quốc tế (Nibelc), anh đã ra đi không lời từ biệt.
Chiều tối anh Ngày mất (ngày 24.4), sáng đó, anh còn điện thoại về nhà thăm hỏi gia đình. Anh tâm sự với chị Hòa là cảm thấy trong người không bình thường. “Tôi hỏi thì anh nói một loạt các triệu chứng ngứa ngáy, tức ngực, khó thở, ho han... Tôi mua thuốc gửi ra cho anh, nhưng thuốc chưa ra đến nơi thì anh đã mất” - chị Hòa lại bật khóc. Không nghề nghiệp, chị ở nhà bán cà phê vỉa hè kiếm sống qua ngày. Nhưng từ lúc anh Ngày mất đến giờ, ngày nào chị cũng nằm bẹp, bỏ việc.
Cách đó vài mét là căn nhà ọp ẹp của người mẹ già Mông Thị Nhiễu (76 tuổi). Bà bưng mặt khóc không ra tiếng khi chúng tôi chỉ mới đề cập đến tên con của bà. Phải mất vài phút, bà mới trấn tĩnh: “Đi lặn biển kiếm cơm thôi mà, sao lại chết? Vì sao con tui chết, ai sẽ trả lời câu hỏi đó cho tui biết?”. Tuổi cao sức yếu, 3 năm nay, chân tay bà tê liệt, ngồi chỗ. Trong 9 người con, anh Ngày là người con gắn bó, gần gũi với bà nhất. Không lập gia đình xa như các chị em khác, anh lấy vợ và cất nhà bên cạnh nhà mẹ. “Đi lặn biển xa thì thôi, lúc về là anh cõng bà đi nhà thương xin thuốc uống. Khi xưa nó còn đi biển, có con cá, con cua gì cũng mang qua cho tôi. Sau này đi lặn không có cá nữa thì nó cho tiền, cho sữa uống. Tui thương nó không biết để đâu cho hết” - bà Nhiễu lại nước mắt ngắn dài.
Từ lúc anh Ngàn mất, ngày nào người bạn già Nguyễn Thị Nhẹ (72 tuổi) cũng thường xuyên có mặt động viên, an ủi. Bà Nhẹ bảo cứ nhắc tên con mình là bà Nhiễu khóc ngất, còn chị Hòa thì ngày này qua ngày khác cứ thơ thẩn như người mất hồn.
“Có hôm chúng tôi động viên mãi, Hòa mới gượng dậy bày biện đồ đạc ra bán, nhưng đang bán, nó lại bỏ chạy vào nhà ngồi úp mặt khóc. Chị em xóm giềng thấy thế ai nấy cũng không kìm được xúc động, ôm nhau khóc theo nó. Dân làng này, ai cũng biết, biến cố mất chồng đến với Hòa quá nhanh, quá bất ngờ, nên rất khó nguôi. Càng đau hơn khi Ngày mất nhưng không rõ mất vì lý do gì. Trong khi bao nhiêu người làng này đi lặn các nơi mấy mươi năm nay có nghe hề hấn gì đâu” - bà Nhẹ tỏ lòng.
Vợ người thợ lặn xấu số Lê Văn Ngày. Ảnh: N.BĂNG
Mòn mỏi chờ kết quả khám nghiệm tử thi
Ông Nguyễn Văn Lợt - Tổ trưởng tổ Bá Hà 1 - bảo cái chết của anh Ngày làm cả làng chài choáng váng. “Nghề lặn biển ở đây bạc lắm, ví dụ như lặn ruốc kiếm được vài chục triệu đồng, nhưng thợ lặn phải ngồi chờ đến mùa lại mới tiếp tục công việc được. Vì thế, cuộc sống dân lặn cứ đắp đổi qua ngày chứ chẳng dư giả gì” - ông Lợt trần tình.
Những năm gần đây, cá tôm gần bờ ngày càng cạn kiệt, không ít thợ lặn trong làng Bá Hà 1 rủ nhau ra Hà Tĩnh lặn công trình cải thiện thu nhập. “Có ai nghĩ đi làm kinh tế lại đánh đổi bằng chính mạng sống của mình. Anh Ngày ra đi bất ngờ làm nhiều thợ lặn hoang mang, rồi đây chắc không ai dám ra lặn ở biển Hà Tĩnh nữa” - ông Lợt trù liệu.
Người chết không rõ nguyên do, người sống chạy thuốc từng ngày sau khi lặn biển ở cảng nước sâu Sơn Dương. Tôi cố gắng tìm gặp những người bạn lặn biển của anh Ngày nhưng vô vọng. Họ đã tiếp tục đi lặn biển kiếm sống, không có mặt ở quê nhà. Riêng người em trai Lê Quan Thanh, từ khi đưa anh trai mình về nhà mai táng, anh cũng bỏ lặn, ở nhà chạy đôn chạy đáo kiếm các bài thuốc dân gian tự chữa các triệu chứng mình mắc phải.
“Không hiểu sao, trước một tuần sau khi anh Ngày mất, chúng tôi lặn ở cảng biển đó, lúc lên bờ thấy người yếu hẳn so với các lần lặn trước. Rồi ngứa ngáy, khó thở, tức ngực, ho hen không dứt... Hàng chục thợ lặn, ai cũng như thế chứ không riêng gì một người” - anh Thanh kể.
Theo mô tả của anh Thanh thì trùng với thời điểm cá chết hàng loạt ở biển Kỳ Anh (Hà Tĩnh), nước biển không còn trong xanh như trước, mà có màu đen đục và lặn biển cũng ít thấy cá hơn trước. “Nhận thấy bất thường, cùng với việc người dân phát hiện ống xả dưới đáy biển của Fomosa, chúng tôi đã nghỉ việc và đề nghị Cty Nibelc đưa chúng tôi đi khám. Tuy nhiên, có người được đưa đi khám, có người không” - anh Thanh kể.
Còn người em trai khác của anh Ngày là anh Lê Văn Giờ thì hằng ngày phải sử dụng các bài thuốc nam và vẫn tiếp tục lặn biển kiếm sống. Nhưng anh tạm “giã từ” vùng biển Kỳ Anh, Hà Tĩnh. Anh Giờ tâm sự: “Sau khi lập bàn thờ thắp nhang anh Ngày cạnh cảng nước sâu Sơn Dương, hơn 1 tháng nay, tôi phải ra tận Thanh Hóa lặn sò. Ở công trình đó, có số thợ lặn còn làm, có số sợ quá nên nghỉ rồi, riêng tôi thì từ sau cái chết của anh, tôi hoang mang nên không dám làm ở đó nữa. Khi nào Cty cho chúng tôi đi khám lại tôi mới về”.
Anh Giờ cho biết, trước hôm anh Ngày bất ngờ tử vong ở ký túc xá của Cty Nibelc (thuộc huyện Quảng Trạch, Quảng Bình) phía Cty vẫn chưa đưa anh đi khám. “Trước đó, BV Đa khoa khu vực phía Bắc Quảng Bình có đưa 5 công nhân đi khám và kết quả tất cả đều bị gan. Sau cái chết của anh Ngày thì Cty mới đưa từng tốp công nhân đi khám” - anh Giờ cho hay.
Điều cả anh Thanh, anh Giờ và chị Hòa mong muốn lúc này là Công an tỉnh Quảng Bình sớm công bố kết quả khám nghiệm tử thi của anh Ngày, để làm cơ sở đòi lại quyền lợi, công bằng cho anh. Theo anh Giờ thì các trang thiết bị lặn khi làm việc tại cảng nước sâu Sơn Dương đều bảo đảm an toàn kỹ thuật. “Đồ lặn, giày lặn, găng tay, gương lặn, bình khí hỗ trợ, không thiếu thiết bị gì. Vì vậy, chúng tôi loại trừ nguyên nhân các thợ lặn tức ngực, đau bụng, ho hen... do không đảm bảo an toàn kỹ thuật lặn” - anh Giờ nói.
Còn anh Thanh giọng cương nghị: “Mỗi lần nhìn chị dâu nằm lên nằm xuống, tôi không cầm được nước mắt. Uất ức này cần được khơi thông. Tôi đang nhờ công an địa phương tiếp nhận khai báo và gửi đơn kiến nghị của gia đình ra Công an tỉnh Quảng Bình đề nghị sớm làm rõ cái chết bất thường của anh tôi. Có phải anh trai tôi chết vì nước xả thải đầu độc môi trường biển của Formosa hay không? Dù phải mất nhiều thời gian, công sức, gia đình tôi quyết tâm tìm bằng được câu trả lời và công lý cho anh”.
Chia tay làng chài Hà Bá 1 lúc xế tà, chị Hòa níu tay tôi lại, giọng tha thiết: “Nếu phải khởi kiện để đòi quyền lợi cho anh Ngày, tôi mong được các luật sư tư vấn, hỗ trợ pháp lý miễn phí vì gia đình không có tiền”.
Theo Lao động