Cuộc sống còn rất nhiều điều mà chúng ta chưa thể nào khám phá hết. Trong kinh doanh cũng vậy, có những mánh khoé hoặc chi tiết nhà sản xuất "cài" vào với một mục đích, lý do cụ thể.

Ban đầu, có thể bạn nghĩ rằng chúng vô dụng. Nhưng sau khi đọc xong bài viết này, hy vọng bạn sẽ được mở mang vốn hiểu biết nhiều hơn!

Khe hở dưới đáy ly

Nếu để ý kỹ, bạn sẽ thấy bên dưới nhiều đáy ly, tách thường xuất hiện một lỗ nhỏ.

Thông thường sau khi rửa, ai cũng có thói quen úp ngược chiếc ly, tách xuống. Lúc này, lượng nước còn đọng lại dưới đáy ly thông qua khe hở này sẽ thoát ra dễ dàng hơn.

Những thứ tưởng thừa thãi hóa ra lại có công năng vi diệu-1

Khoảng trống dưới mỳ cốc

Dám cá rằng ai cũng nghĩ đây là cách mà nhà sản xuất "lừa tình" chúng ta, cắt giảm lượng mì có trong ly.

Tuy nhiên, nếu không nhờ khoảng trống này thì trong quá trình vận chuyển, mì bên trong rất dễ bị vỡ nát gây ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm.

Ngoài ra, một lý do nữa đó là khi đổ nước sôi vào, nước sẽ lưu thông len lỏi vào mì tốt hơn nhờ khoảng không dưới đáy ly.

Những thứ tưởng thừa thãi hóa ra lại có công năng vi diệu-2

Miếng hình tròn mỏng ẩn bên trong nắp chai

Nếu để ý, bạn sẽ thấy bên trong nắp chai luôn dính liền một miếng hình tròn mỏng làm bằng nhựa. Nó giúp "niêm phong" áp suất trong chai, là rào cản chống không khí thoát ra hoặc đi vào.

Đối với những chai nước ngọt hoặc soda, thứ này sẽ giúp đồ uống của bạn giữ được lượng ga lâu hơn.

Những thứ tưởng thừa thãi hóa ra lại có công năng vi diệu-3

Tấm chắn gắn bên trong cửa lò vi sóng

Lò vi sóng có thể làm nóng thức ăn rất nhanh vì chúng tập trung toàn bộ nhiệt bằng cách sử dụng các tia bức xạ.

Nếu để ý, bạn sẽ thấy bên trong cửa lò vi sóng luôn có 1 tấm lưới chắn. Nó giúp phản xạ năng lượng của lò và ngăn không cho các tia bức xạ len lỏi ra ngoài.

Đồng thời nhờ tấm chắn này, bạn cũng dễ dàng quan sát tình hình của thức ăn bên trong lò.

Những thứ tưởng thừa thãi hóa ra lại có công năng vi diệu-4

Vết lồi lõm hình tròn trên chai đựng sữa

Giống như tất cả các thực phẩm tươi sống khác, sữa sẽ hỏng sau một thời gian không sử dụng.

Cứ mỗi lần như vậy, nó sẽ thải ra khí nén có thể làm chai nhựa bị uốn cong, thậm chí là... nổ tung. Vì vậy trong quá trình sản xuất, người ta phải tạo ra các vết lồi lõm hình tròn để hấp thụ áp suất từ các chất khí.

Những thứ tưởng thừa thãi hóa ra lại có công năng vi diệu-5

Mase (Tổng hợp)
Theo VietNamnet