Ngày 27/12/2014, Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (C49, Bộ Công an) và cơ quan chức năng Hà Nội kiểm tra một có sở kinh doanh thưc phẩm tươi sống (gia cầm sạch tại chợ Hôm, quận Hai Bà Trưng bắt quả tang nhân viên bán gia cầm đang bơm dung dịch chất lỏng vào gà đã qua sơ chế. Mục đích của việc bơm nước là để gia cầm sau sơ chế trông đẹp, nặng cân hơn.
"Gà làm đẹp" sau đó được đóng dấu giả của Chi cục thú y hòng qua mặt người tiêu dùng. “Dấu giả của cơ sở mua ngoài thị trường giống 99% của nhà chức trách. Dấu thật có dòng chứ “Kiểm soát giết mổ”, (viết tắt là KSGM)…, khi bị làm giả họ đổi thành “Kiểm soát mổ giết” (KSMG), rất khó để phân biệt”, đại tá Phạm Văn Bình, Trưởng phòng Phòng chống tội phạm trên lĩnh vực y tế, vệ sinh an toàn thực phẩm (phòng 6, C49) nói.
Sáng 15/1, Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường – Cơ quan phía Nam (C49B, Bộ Công an) và các cơ quan chức năng đồng loạt 3 cơ sở kinh doanh măng tươi tại phường Tân Thới Nhất, quận 12, TP HCM phát hiện hành vi sử dụng hóa chất không được phép sử dụng trong thực phẩm để ngâm tẩm măng.
Cảnh sát thu giữ 43 tấn măng ngâm hóa chất, 15 kg hóa chất không rõ nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Đây được xem là vụ phát hiện măng tẩm hóa chất lần đầu tiên bị phát hiện, số lượng lớn.
Sáng 19/1, PC 49 Công an tỉnh Đắk Lắk kiểm tra xưởng sản xuất cà phê của Nguyễn Đình Quang (32 tuổi, ở xã Hòa Khánh, TP. Buôn Ma Thuật) phát hiện chủ cơ sở dùng hạt đậu nành, bắp rang chín trộn với hàng loạt hóa chất để “phù phép” thành cà phê giả bán ra thị trường. Cơ sở này hoạt động từ năm 2013, 90% nguyên liệu chế biến cà phê là bột đậu nành, bắp.
Ngày 24 và 25/1, Công an Hà Nội đã phát hiện, bắt quả tang vụ làm giả, đóng gói thực phẩm chức năng quy mô lớn tại chợ đầu mối Lim, huyện Tiên Du, Bắc Ninh. Qua kiểm tra, cảnh sát phát hiện, thu giữ 10 tấn thực phẩm chức năng bị làm giả, làm nhái.
13 chủng loại thực phẩm chức năng bị nhà chức trách tạm giữ gồm sữa ong chúa, nhau thai cừu, collagen, tảo Nhật, dầu cá, trà giảm béo, tỏi đen… Qua xác minh, Công an Hà Nội xác định 4/13 sản phẩm là giả, 9 loại còn lại đang tiếp tục điều tra. Các sản phẩm làm giả được gắn nhãn hàng xuất xứ của Mỹ, Úc, Đức.
Ngày 16/1, tại xã Lộ Hòa, TP Nam Định, C49 phối hợp với Công an tỉnh bắt quả tang Đặng Thị Thu Hà (45 tuổi, ở TP Nam Định) đang chỉ đạo 7 nhân viên đóng gói hàng giả là hạt nêm Knorr, mỳ chính Ajinomoto, mì chính Miwon. Qua kiểm tra, cảnh sát thu giữ 52 bao tải chứa mỳ chính không có nhãn mác, 107 bao tải mỳ chính có ghi chữ nước ngoài, 5 bao tải hạt nêm nguyên liệu nhãn hiệu Kooker, hơn 1.700 kg các sản phẩm thành phẩm là nhãn hiệu Knorr, Ajinomoto…
Ngày cuối tháng 1, C49 vừa sơ kết một tháng thực hiện đợt cao điểm đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm trong dịp Tết Ất Mùi 2015. Qua một tháng triển khai (tính đến 25/1), lực lượng Cảnh sát môi trường toàn quốc đã phát hiện, xử lý 201 vụ vi phạm, xử phạt hành chính trên 1 tỷ đồng các cá nhân, tổ chức, chuyển cơ quan cảnh sát điều tra khởi tố một vụ, một người.
Đại tá Phạm Văn Bình, Trưởng phòng phòng 6, C49 cho biết, từ nay đến Tết Nguyên đán, đơn vị tiếp tục đấu tranh, xử lý các vi phạm về kinh doanh, bán hàng thực phẩm nhập lậu, hàng giả; sử dụng phụ gia trong thực phẩm; buôn bán hàng sắp hết hạn sử dụng...
Theo Tri thức