Quy định về việc đổi tiền rách tại ngân hàng
Theo Thông tư 25/2013, khách hàng có thể đổi tiền rách trong các trường hợp sau:
1. Tiền rách nát, hư hỏng trong quá trình lưu thông, bao gồm:
- Tiền giấy bị mờ nhạt, thay đổi màu sắc, hoa văn, chữ số, nhàu nát…Tiền kim loại bị ăn mòn, hư hỏng một phần hoặc toàn bộ hình ảnh, hoa văn…
- Tiền bị lỗi kỹ thuật trong quá trình in đúc của nhà sản xuất
Ảnh minh họa
2. Tiền rách, hư hỏng trong thời gian bảo quản, bao gồm:
- Tiền rách nát, hư hỏng không phải do hành vi cố ý.
- Tiền bị thủng lỗ, rách một phần, cháy hoặc biến dạng do tiếp xúc với nhiệt độ cao, phần còn lại trên 60% diện tích tờ tiền cùng loại.
- Nếu được can dán lại phải có diện tích tối thiểu 90% so với tờ tiền cùng loại. Bên cạnh đó, cần đảm bảo nguyên bố cục mặt trước, mặt sau, bên trên, dưới, trái, phải…
- Trường hợp biến dạng co nhỏ do cháy, diện tích tối thiểu bằng 30% so với tờ tiền cùng loại.
Ngoài những quy định trên, khách hàng cần đảm bảo tiền rách phải đáp ứng 2 yếu tố an toàn trong các yếu tố sau: mực không màu phát quang, ẩn trong cửa sổ nhỏ phát quang hàng số seri, dây bảo hiểm, IRIODIN, chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đổi tiền rách ở đâu, có mất phí không?
Theo thông tư 25/2013/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà Nước, khi khách hàng thực hiện việc đổi tiền rách tại các Ngân hàng nếu đúng tiêu chuẩn quy đổi thì sẽ không mất bất cứ khoản phí nào.
Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, khách hàng có thể đổi tiền rách ở tất cả các ngân hàng trong hệ thống ngân hàng Việt Nam bao gồm ngân hàng Nhà nước, ngân hàng TMCP…
Hiện, có hơn 31 ngân hàng TMCP và 4 ngân hàng Nhà nước để khách hàng lựa chọn khi muốn đổi tiền.
Người dân lưu ý, không nên đổi tiền rách ở đầu mối chợ đen hay những đơn vị tổ chức không uy tín. Điều này có thể khiến khách hàng phải chịu phí cao và không đảm bảo an toàn.
Theo VTC