1. Trận lụt lịch sử năm 1999 nhấn chìm cố đô Huế
10 tỉnh thành miền Trung ngập trong bể nước, gần 600 người thiệt mạng, hơn 41.000 ngôi nhà bị hủy hoại - đó là những con số kinh hoàng về trận đại hồng thủy 100 năm mới có 1 lần năm 1999 ở nước ta.
Sáng 1/11/1999, đất trời miền Trung bắt đầu đổ mưa. Cơn mưa nặng hạt dần và không dứt, cho đến ngày hôm sau thì nước đã ngập lênh láng ở nhiều nơi.
Trận đại hồng thủy năm 1999 cướp đi sinh mạng của hơn 500 người
Riêng tại Huế, lượng mưa suốt 2 ngày đêm hôm đó đã lên tới hơn 2.300 mm (bằng cả lượng mưa hằng năm ở nơi đây) khiến nước đầu nguồn sông Hương dâng lên hơn 1 mét vào mỗi giờ.
Ở hạ lưu sông Hương, nước đã vượt mức báo động 3 đến gần 3 mét. Các chuyên gia nhận định con số này chưa từng xảy ra suốt 100 năm qua. Nguyên nhân gây mưa lớn là do thời tiết phải chịu nhiều tác động cùng một lúc: khối không khí lạnh mạnh kết hợp với dải áp thấp xích đạo cùng nhiễu động trên cao và áp thấp nhiệt đới.
Cơn mưa kéo dài từ 1/11 và đến tận ngày 6/11 mới dứt hẳn, gây lũ lụt nghiêm trọng tại nhiều tỉnh miền Trung Việt Nam, trong đó thiệt hại nặng nhất là Huế. Ước tính tổng thiệt hại lên tới hơn 3.773 tỷ đồng (năm 1999).
Huế là nơi chịu thiệt hại nặng nề nhất
2. Hà Nội hóa thành sông trong trận đại hồng thủy năm 2008
Từ đêm 30/10/2008, Hà Nội cùng nhiều tỉnh miền Bắc Việt Nam hứng chịu trận mưa lớn nhất trong lịch sử suốt 100 năm qua gây lũ lụt trên diện rộng. Cơn mưa lớn kéo dài suốt nhiều ngày ở Hà Nội, tới 4/11/2008 mới chấm dứt khiến thủ đô chìm trong bể nước.
Theo Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Trung ương, 2 ngày đầu tiên lượng mưa đo được lớn kỷ lục. 26 điểm trong thành phố bị ngập úng dài từ 100 - 300 mét, sâu trên dưới 1 mét. Chỉ sau đêm mưa đầu tiên, nhiều khu vực trong nội ngoại thành Hà Nội đã ngập sâu.
Năm 2008, Hà Nội hứng chịu đợt mưa lớn kéo dài khiến thành phố ngập nặng
Tới ngày 3/11/2008, toàn thành phố có 63 điểm ngập úng nặng. 5 ngày sau mưa tạnh, nước mới hoàn toàn rút khỏi.
Cơn mưa lớn đã khiến 20 người thiệt mạng, hầu hết các công sở đều ngừng hoạt động, giao thông hỗn loạn, có điểm gần như trì trệ không có phương tiện lưu thông do ngập sâu.
Người dân phải kết bè từ đồ gia dụng để di chuyển trên phố
Đây được xem là trận đại hồng thủy lịch sử ở Hà Nội
Ước tính thiệt hại ban đầu riêng tại Hà Nột ít nhất là 3.000 tỷ đồng.
3. Lũ kép lịch sử ở Hà Tĩnh tháng 10/2010
Tháng 10/2010, trận lũ lịch sử 100 năm qua chưa từng có đã nhấn chìm hàng ngàn hộ dân ở Hương Khê, Hà Tĩnh trong biển lũ. Mưa như trút nước khiến nước ở Hà Tĩnh lên nhanh chưa từng thấy.
Một người dân kể lại: "Sáng sớm mới thấy nước lũ ngấp nghé ngoài bờ sông, nhưng đến trưa nước đã ngập đến tận nóc nhà. Chưa có năm mô lũ lên nhanh như ri. Nhà tui bị lũ cuốn trôi hết rồi. May mà cả nhà còn kịp thoát thân".
Mưa lũ nhấn chìm nhiều nhà dân
Trận lụt lịch sử cũng khiến hàng ngàn hộ dân ở Hương Khê rơi vào cảnh "màn trời chiếu đất", nhiều người phải thức trắng đêm canh lũ trên nóc nhà, cành cây trong mưa gió và nguy cơ bị lũ cuốn. Hơn 30 người chết và mất tích do mưa lũ.
Nhiều người phải thức trắng đêm trên nóc nhà, canh lũ và chờ cứu hộ
Cuối tháng 7/2015, Quảng Ninh hứng chịu trận mưa lớn nhất trong vòng 40 năm qua, với lượng mưa đo được lên tới 600mm, khiến hơn 10 người thiệt mạng, trong đó có 3 người cùng một gia đình.
Mưa lớn cộng thêm triều cường dâng cao khiến Quảng Ninh ngập sâu trong bể nước, nhấn chìm 2.200 hộ dân, trường học, bệnh xá, có nơi ngập tới 2 mét, hơn 70 ha hoa màu bị phá hủy. Ước tính thiệt hại lên tới khoảng 2.000 tỷ đồng.
Năm 2015, Quảng Ninh hứng chịu trận mưa lớn trong lịch sử
... gây ngập lụt nhiều nơi, giao thông trì trệ
Video những trận lũ kinh hoàng trong lịch sử suốt 20 năm qua
Vài ngày gần đây, miền Trung và miền Bắc Việt Nam đã phải hứng chịu những cơn mưa lớn bất thường gây ngập lụt ở nhiều tỉnh, thành. Theo ghi nhận mới nhất sáng ngày 12/10, mưa lớn đã khiến ít nhất 40 người chết, 22 người mất tích, 17.000 ngôi nhà bị ngập sâu, gần 1.000 ngôi nhà bị hư hỏng, thiệt hại.
Chiều ngày 11/10, Thủy điện Hòa Bình đã phải mở cửa xả lũ. Đây là lần đầu tiên trong 10 năm qua, hồ Hoà Bình phải mở tới 8 cửa xả đáy. Đêm qua, rạng sáng ngày 12/10, tại Hòa Bình cũng xảy ra vụ sạt lở nghiêm trọng khiến khiến 18 người bị vùi lấp. Hiện lực lượng cứu hộ vẫn đang tìm kiếm nạn nhân. Chó nghiệp vụ được huy động vào công cuộc tìm kiếm người mất tích.
Còn tại Chương Mỹ, Hà Nội, khoảng 6 giờ sáng 12/10, đê Bùi 2 (thuộc xã Hoàng Văn Thụ và xã Tân Tiến) đã bị vỡ nhấn chìm nhiều nhà dân và hoa màu. Sau khi nhận được thông tin, lãnh đạo TP, huyện và địa phương đã đến hiện trường chỉ đạo khắc phục.
Ở Yên Bái trong 2 ngày vừa qua (10 và 11/10) mưa lớn kéo dài khiến mực nước suối Nậm Thi dâng cao. Đến 5h sáng 11/10 đã xảy ra lũ quét, nước lũ tràn vào khu dân cư khiến cả trăm gia đình bị ngập. Trước đó, đầu tháng 8 vừa qua, Yên Bái đã phải hứng chịu trận lũ quét kinh hoàng gây thiệt hại nặng.
Theo ông Lê Thanh Hải, Phó tổng giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia nhận định mưa lũ hiện nay ở Bắc và Bắc Trung Bộ là bất thường, do hệ quả của áp thấp nhiệt đới kết hợp với đợt không khí lạnh.
Còn ở Thanh Hóa và Ninh Bình, tình trạng ngập lụt cũng diễn ra cản trở cuộc sống sinh hoạt của người dân.
Mộc (Tổng hợp)
Clip: Thảo Moon
Theo Vietnamnet