Lưu Bang sinh năm 256 TCN tại đất Phong, huyện Bái (nay thuộc Giang Tô – Trung Quốc). Vị Hoàng đế khai quốc của nhà Hán sinh trưởng trong một gia đình bình dân có 4 anh em, trong đó Lưu Bang đứng hàng thứ 3.

Khi còn trẻ, Lưu Bang được miêu tả là một kẻ "thích rượu thích gái", "lười lao động", thường lêu lổng khắp mọi nơi và giao du với nhiều thành phần bất hảo.

Phụ thân của Lưu Bang thậm chí đã tức giận mà mắng chửi con trai: "Ngươi đúng là đồ vô lại!"

Tiếng xấu "vô lại" ấy vẫn theo Lưu Bang cho tới lúc ông làm nên đại nghiệp, cũng khiến ông trở thành Hoàng đế "tiểu nhân" nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc.

Tuổi trẻ buông thả

Sinh thời, Lưu Bang vốn "chăm ăn, lười làm", say mê rượu chè và mỹ nữ. Người xưa có câu "nữ thập tam, nam thập lục" (con gái lấy chồng năm 13, con trai lấy vợ năm 16), nhưng Lưu Bang tới lúc 40 tuổi vẫn chưa lấy được vợ vì những tật xấu của mình

Ngoài việc hay lê la tại các tửu điểm, Lưu Bang thường xuyên qua lại
với gái lầu xanh hoặc tìm kiếm nhân tình. (Ảnh minh họa).

Năm xưa, ông từng lén lút qua lại với một người phụ nữ họ Tào. Ít lâu sau, Tào thị có mang, sinh được một cậu con trai được đặt tên là Lưu Phì. Sau khi lên ngôi, Lưu Bang phong cho người con cả này là Tề vương.

Dù lười nhác, lêu lổng, nhưng Lưu Bang lại là kẻ có nhiều mánh khóe. Ngay cả khi chẳng biết nhiều chữ nghĩa, họ Lưu này vẫn chạy chọt để mua được chức Đình trưởng Tứ thủy.

Từ đây, một kẻ "vô lại" như Lưu Bang bắt đầu kết giao với nhiều người thuộc tầng lớp trí thức như Tiêu Hà, Hạ Hầu Anh, Tào Tham…Đa số họ đều trở thành vây cánh đắc lực giúp Lưu Bang tranh thiên hạ sau này.

Coi nhẹ tình thân

Trong thời gian Hán – Sở tranh hùng, Lưu Bang từng thua trận ở Bành Thành, bị quân địch đuổi tới mức chạy trối chết.

Trên đường tháo chạy, Lưu Bang thấy xe ngựa chạy chậm, liền thẳng tay đẩy con trai, con gái của mình xuống xe. Người phu xe là Hạ Hầu Anh thấy vậy, không kìm lòng được, liền ôm tiểu thư và công tử lên xe.

Lưu Bang "ném" con 3 lần, Hạ Hầu Anh ôm chúng lên 3 lần. Lưu Bang liền quát: "Ta đang gặp nguy hiểm thế này, chẳng lẽ còn phải đèo bòng hai đứa nó? Vậy an nguy của ta thì sao?"

Hạ Hầu Anh nhịn không nổi, liền cả gan "cãi" lại chủ tử: "Đó là cốt nhục của Đại vương, sao có thể bỏ lại?"

Lưu Bang thẹn quá hóa giận, liền rút kiếm định chém Hạ Hầu Anh. Thấy vậy, Hạ Hầu Anh không dám bế 2 đứa trẻ lên xe mà đành…"cắp nách" chạy trốn.

Tục ngữ có câu "hổ dữ không ăn thịt con". Nhưng Lưu Bang tự nhận mình là "rồng", chẳng phải hổ, nên sẵn sàng chà đạp đạo lý ngàn đời này.

Vì tính mạng và sự nghiệp của mình, Lưu Bang sẵn sàng vứt bỏ tình thân,
ruột thịt. (Ảnh minh họa).

Cũng trong khoảng thời gian Hán Sở tranh hùng, Hạng Võ từng có lần đem phụ thân của Lưu Bang ra uy hiếp ông.

Khi ấy, Hạng Võ đẩy cha Lưu Bang lên trước đoàn quân và nói: "Nếu ngươi không rút binh, ta liền đem cha ngươi phanh thây!"

Tướng lĩnh quân Hán vô cùng khó xử, ai cũng cho rằng Lưu Bang sẽ vì bảo toàn tính mạng cho phụ thân mà hạ lệnh rút binh. Không ngờ họ Lưu này chẳng do dự mà đáp:

"Hai chúng ta từng kết nghĩa huynh đệ, cha ta cũng chính là cha ngươi, nếu ngươi nhất định muốn nấu thịt cha ngươi, thì nhớ để phần ta một bát canh thịt để ăn!"

Trước những lời lẽ tiểu nhân, vô tình của đối thủ, Hạng Võ không còn cách nào khác, đành phải hạ lệnh thả phụ thân của Lưu Bang.

Giết hại công thần

Thuở hàn vi, Hán Cao Tổ Lưu Bang từng cùng "chiến thần" Hàn Tín đánh đông dẹp bắc, chia nhau từ manh áo tới bát cơm. Vậy nhưng Hàn Tín toàn tài thao lược, khiến Lưu Bang dần sinh lòng e ngại.

Trước đây, khi Lưu Bang bàn với Hàn Tín về tài năng của các tướng, ông có hỏi: Như ta thì có thể cầm được bao nhiêu quân?

Hàn Tín thằng thừng đáp: Bệ hạ chẳng qua chỉ cầm được mười vạn. Lưu Bang lại hỏi: Thế còn nhà ngươi thì cầm được bao nhiêu? Hàn Tín trả lời ngay: Thần thì càng nhiều càng tốt.

Lưu Bang cười nói: Càng nhiều càng tốt thì sao lại bị ta bắt? Hán Tín đáp: Bệ hạ không có tài cầm quân, nhưng có tài cầm tướng, vì vậy cho nên Tín mới bị bệ hạ bắt.

Sinh thời, Lưu Bang nổi danh là một vị vua thuộc vào hàng… "tiểu nhân".
Thái độ của Tín đã khiến vị Hoàng đế họ Lưu này ghi thù.
 Đắc tội với bậc thiên tử chính là sai lầm lớn nhất c
ủa kẻ làm bề tôi như Hàn Tín. (Ảnh minh họa).

Cũng vì câu nói ấy, Lưu Bang tìm mọi cách để trừ khử "cánh tay phải" của chính mình. Sau này, vị Hoàng đế "tiểu nhân" ấy cũng rat ay hạ sát không ít công thần như Anh Bố, Bành Việt…

Đánh giá về điều này, các nhà sử học hiện đại nhận định:

Lưu Bang vốn là người theo chủ nghĩa thực dụng. Vì thực dụng, Lưu Bang không ngại dùng cả tiểu nhân, không ngại cho giết công thần. Vì thực dụng nên cũng chẳng sợ công khai nhận sai. Chỉ cần đạt được mục đích, Lưu Bang không bận tâm về hình tượng của mình.

Theo Trí thức trẻ