Trong quy định an táng của các vị hoàng đế Trung Quốc thời xưa, tuẫn táng là hủ tục tàn khốc nhất. Các cung nữ, phi tần sẽ bị chôn sống theo vị hoàng đế đã qua đời. Mục đích của hủ tục này là để người đã chết dù qua thế giới bên kia vẫn có kẻ hầu người hạ như lúc sinh thời.
Theo Jueshifan, tục tuẫn táng xuất hiện từ thời nhà Chu. Ở thời này, người bị chọn tuẫn táng là nô lệ và tù nhân chiến tranh. Sau đó, tới thời kỳ phong kiến các vị hoàng đế lại lạm dụng nó, không chỉ nô tỳ mà cả các phi tần cũng phải tuẫn táng theo khi vua qua đời.
Đến thời của Tần Thủy Hoàng thì tục tuẫn táng được coi là “thời kỳ đỉnh cao”, số hài cốt được chôn cùng ông trong lăng mộ cho tới bây giờ vẫn chưa được thống kê chính xác, có thể nói là không thể đếm xuể.
Số lượng phi tần bị ép tuẫn táng cùng Tần Thủy Hoàng đếm không xuể. (Ảnh minh họa: Sohu)
Đến thời Hán Vũ Đế, hủ tục này được hủy bỏ vì các vị quân chủ nhận ra sự man rợ của nó. Người ở thời đó, thay vì chôn người sống họ chuyển thành hình nhân hoặc động vật. Nhưng vào đầu thời nhà Minh, Chu Nguyên Chương khôi phục hủ tục tuẫn táng và nó trở thành thông tục tang lễ trong hoàng tộc.
Sau khi ông qua đời, 46 phi tần bị buộc phải tuẫn táng theo. Mãi cho tới khi Minh Anh Tông lên ngôi, ông ban xuống chiếu thư, phế bỏ chế độ tuẫn táng cung phi.
Quy định này không kéo dài được bao lâu. Đầu triều đại nhà Thanh, Thanh Thái Tổ Nỗ Nhĩ Cáp Xích đã ra lệnh chôn cất hoàng hậu cùng 4 người thê thiếp của mình sau khi ông qua đời.
Tiếp đó, Hoàng đế Thái Tông đưa ra những cái tên của một số thê thiếp phi tần vào danh sách an táng. Mãi tới thời Khang Hy, hủ tục an táng người sống mới bị bãi bỏ hoàn toàn.
Những người được chọn tuẫn táng hầu hết là phi tần không có con và không có hậu thuẫn. (Ảnh minh họa: Sohu)
Vậy ở Trung Quốc xưa, những phi tần được chọn để tuẫn táng cùng hoàng đế phải chuẩn bị những gì trước đó?
Trên thực tế, hầu hết các phi tần được chọn chôn cùng hoàng đế đều là người không có con cái hoặc không có hậu thuẫn. Nhiều sử gia mô tả khung cảnh khi họ nhận nhiệm vụ tuẫn táng là vô cùng bi thảm: “Tiếng khóc làm rung động đất trời, ai vô tình nghe thấy cũng sợ đến bay cả hồn vía”.
Nhận được chỉ dụ, người được chọn sẽ gặp lại người nhà, người thân. Sau đó họ trải qua những ngày để tang cho vị hoàng đế quá cố trước khi đến ngày chôn cất.
Trong thời gian này, họ bị ép phải thực hiện một số công việc để duy trì vẻ ngoài của mình. Mục đích của việc làm này là để hoàng đế có thể vui vẻ dưới cửu tuyền.
Tới ngày chôn cất, các phi tần phải ăn mặc lộng lẫy để tuẫn táng theo hoàng đế. (Ảnh minh họa: Sohu)
Khi tới ngày nhập mộ, các phi tần, cung nữ sẽ phải ăn vận thật lộng lẫy. Họ mặc những bộ quần áo đẹp nhất và mang theo những đồ trang sức quý giá nhất.
Ngoài ra, họ có thể mang theo những vật phẩm mà họ yêu quý nhất như vật kỷ niệm, tranh, sách.
Có nhiều cách để ép cung tần tuẫn táng cùng Đế vương. Trong đó, uống rượu độc được coi là cách không làm tổn hại tới vẻ ngoài của các phi tần. Người ta quan niệm uống rượu độc giúp thi thể của họ được bảo quản tốt nhất.
Ngoài ra, treo cổ hoặc đổ thủy ngân cũng là những cách thường được áp dụng khi tuẫn táng theo hoàng đế.
Những người được chôn sống trực tiếp sẽ bị bỏ đói trước đó mấy ngày để tránh phản ứng thái quá của họ khi bị đưa vào lăng mộ. Lúc này các phi tần đã mất sức lực phản kháng nên chỉ còn cách ngoan ngoãn tuân theo sự sắp đặt của số phận.
Tuẫn táng là hủ tục độc ác và tàn nhẫn. Nó tước đoạt quyền sống của những phi tần, cung nữ chỉ vì mục đích hưởng thụ, tham lam quyền lực của giai cấp thống trị. Vì vậy, khi hậu thế nhận thấy sự lạc hậu, hủ tục tuẫn táng đã bị loại trừ khỏi dòng chảy lịch sử.
Theo VTC