Theo Business Insider, Coca Cola là nhãn hiệu nước ngọt được đăng ký tại Mỹ vào năm 1983, chiếm 3,1% tổng sản lượng nước uống trên toàn thế giới. Trong 33 nhãn hiệu nước giải khát không cồn nổi tiếng, công ty này sở hữu 15 nhãn hiệu. Mỗi ngày, họ bán được hơn 1 tỷ loại đồ uống. Trung bình mỗi giây, hơn 10.000 người sử dụng sản phẩm của công ty này. Trung bình một người Mỹ dùng sản phẩm của Coca Cola 4 ngày một lần. 94% dân số thế giới có thể nhận ra logo của hãng.
Những con số đó chứng tỏ Coca Cola là một trong những ông lớn hàng đầu của làng giải khát.Tuy nhiên, đi cùng với sức mạnh, nó cũng là một trong những thương hiệu dính nhiều bê bối nhất với những vấn đề chủ yếu xoay quanh sức khỏe, môi trường và kinh doanh. Thậm chí Coca Cola còn bị kêu gọi tẩy chay trên chính nước Mỹ.
Gây ra hàng loạt các vấn đề về sức khỏe
Coca Cola, sản phẩm đầu tiên và là chủ lực của công ty, là loại đồ uống được nhiều người trên thế giới ưa chuộng. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, nếu sử dụng thường xuyên, người dùng có thể bị ảnh hưởng tới sức khỏe và tăng nguy cơ mắc các bệnh nguy hiểm như béo phì, sỏi thận, tiểu đường và ung thư.
Coca Cola chứa nhiều thành phần gây hại đến sức khỏe. Ảnh: Reuters
Theo Daily Mail, Coca Cola và các loại nước uống có gas khác có chứa các chất làm ngọt nhân tạo như asparrtam, gây ung thư và hại gan.
Bên cạnh đó, năm 2004, công trình nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc trường Đại học Tufts chỉ ra rằng sử dụng Coca thường xuyên làm tăng nguy cơ loãng xương ở phụ nữ. Theo báo cáo, axit phosphorique trong loại đồ uống này làm giảm khả năng hấp thụ canxi của xương, khiến mật độ xương giảm và gây loãng xương.
Tiếp đến, năm 2016, một nghiên cứu được công bố bởi Hiệp hội Tim mạch Mỹ trên tạo chí Circulation cho hay, đồ uống có gas chưa rất nhiều đường và những người sử dụng hàng ngày tăng 30% chất béo liên quan đến bệnh tiểu đường và tim mạch.
Theo The Guardian, Hội đồng thành phố Liverpool, Anh bắt đầu chiến dịch chống lại đồ uống nhiều đường vào năm 2016. Coca Cola đứng thứ 2 trong danh sách với nồng độ đường là 56 gram trong 500ml nước.
Trước đó, tại Ấn Độ, năm 2003, Trung tâm Khoa học và Môi trường (CSE), một tổ chức phi chính phủ ở thủ đô New Delhi, công bố nước giải khát có gas của một số nhà sản xuất, gồm PepsiCo và Coca Cola, chứa nhiều độc tố như lindane, DDT, malathion và Chlorpyrifos – những chất dùng để làm thuốc trừ sâu và có thể gây ung thư cũng như làm suy giảm hệ thống miễn dịch. Các mẫu thử nghiệm vi phạm bao gồm nhiều sản phẩm của thương hiệu Coca Cola.
CSE cho biết, các sản phẩm nước giải khát Coca Cola tại Ấn Độ chứa dư lượng thuốc trừ sâu gấp 30 lần mức cho phép theo quy định của Liên minh châu Âu (EU) trong khi các mẫu sản phẩm tại Mỹ qua kiểm tra đều đạt yêu cầu. Vụ bê bối này khiến doanh thu tại Ấn Độ của gã khổng lồ giảm 11%.
Sau đó một năm, chính phủ ủng hộ các phát hiện của CSE và bổ nhiệm một ủy ban nắm vai trò kiểm tra tiêu chuẩn hàm lượng thuốc trừ sâu đầu tiên trên thế giới đối với nước giải khát. Coca Cola phản đối động thái này và lập luận rằng các xét nghiệm trong phòng thí nghiệm không đủ tin cậy để phát hiện dấu vết của thuốc trừ sâu trong các loại nước phức tạp như soda.
Bên cạnh đó, Coca Cola quả quyết rằng nhà máy của họ có thể loại bỏ các chất độc hại tiềm năng. Các sản phẩm đều được kiểm tra nồng độ thuốc bảo vệ thực vật và đáp ứng tiêu chuẩn sức khỏe tối thiểu trước khi đưa ra thị trường.
Năm 2006, chính quyền bang Kerala cấm sản xuất và bán Coca Cola cùng các loại nước giải khát khác của công ty do những lo ngại về dư lượng thuốc trừ sâu. Tuy nhiên, hôm 22/9 cùng năm, Tòa án Tối cao bang Kerala lật ngược lại lệnh cấm và cho rằng, phán quyết này thuộc thẩm quyền của chính phủ liên bang.
Ngoài ra, tháng 1/2009, Trung tâm Khoa học vì Lợi ích Cộng đồng, một nhóm tiêu dùng Mỹ, cũng đệ đơn kiện Coca Cola với cáo buộc hàm lượng đường gây hại cho sức khỏe trong sản phẩm của công ty nhiều hơn các vitamin và các chất phụ gia hữu ích khác.
Nhà máy mọc lên, nước rút xuống
Tháng 3/2004, giới chức tại nhiều bang của Ấn Độ yêu cầu đóng cửa nhà máy đóng chai trị giá 16 triệu USD của Coca Cola vì vấn đề nguồn nước. Một nghiên cứu khoa học theo yêu cầu của tòa án chỉ ra rằng nhà máy khiến tình trạng khan hiếm nước trong vùng trở nên trầm trọng hơn.
“Coca-Cola làm khô cạn các nguồn nước của chúng tôi. Nước và đồng ruộng của người nghèo đều bị nhà máy chiếm mất”, Mahesh Yogi, thuộc tổ chức Kaladera Sangharsh Samiti, nói.
Công ty này sử dụng 283 tỷ lít nước trong năm 2004. Để sản xuất một lít nước thành phẩm cần sử dụng 2,7 lít nước sạch. Một phát ngôn viên của hãng cho biết: "Chúng tôi đã cam kết từ ban đầu là sẽ tiếp cận nguồn nước địa phương ở mức vừa đủ và cân bằng. Coca Cola đã giảm 24% khối lượng nước sử dụng ở Ấn Độ trong giai đoạn 2000 - 2004 và lắp đặt hệ thống thu nước mưa ở 26 nhà máy".
Một người dân cho hay: “Coca Cola vẽ nên một bức tranh đẹp khắp thế giới về một công ty sử dụng nước có trách nhiệm. Tuy nhiên, trong thực tế, tại Ấn Độ, họ tận thu nước của người nghèo, phụ nữ, trẻ em, nông dân và vật nuôi”.
Bên cạnh đó, năm 2007, Coca Cola vướng vào rắc rối với PETA, một tổ chức phi chính phủ bảo vệ động vật. PETA cáo buộc công ty này tài trợ cho các thí nghiệm trên động vật.
Ngoài ra, công ty còn dính dáng đến những cáo buộc phân biệt chủng tộc tại Nam Phi và Mỹ khi đãi ngộ tốt hơn đối với những người da trắng hay xây nhà máy riêng cho người Do Thái và người da đen. Vụ việc cao trào đến mức Martin Luther King, một nhà lãnh đạo từng đoạt giải Nobel vì hòa bình, từng nói trong một bài phát biểu vào năm 1968 rằng: "Và vì vậy, chúng tôi đang nói với bạn trong tối nay rằng hãy ra ngoài và nói với những người hàng xóm đừng mua Coca Cola ở thành phố Memphis".
Tháng 11/2000, Coca Cola đồng ý trả 192,5 triệu USD để giải quyết một vụ kiện về vấn đề này trên đất Mỹ.
Nghi án trốn thuế ở Việt Nam
Coca Cola từng bị chỉ trích trốn thuế tại nhiều nước, gồm Việt Nam. Ảnh: Reuters
Về đạo đức kinh doanh, ông lớn ngành giải khát từng bị nhiều quốc gia như Mexico, Tây Ban Nha và Việt Nam lên án vì hành vi trốn thuế.
Coca Cola vào Việt Nam từ tháng 2/1994. Mặc dù doanh thu hàng năm tăng trưởng đều đặn, bình quân 24% nhưng tính đến năm 2011, báo cáo tài chính của doanh nghiệp ghi nhận mức lỗ lũy kế tới 3.768 tỷ đồng, vượt số vốn đầu tư ban đầu. Điều này đồng nghĩa, Coca Cola không phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp.
Cuối tháng 10/2012, Chủ tịch kiêm tổng giám đốc điều hành Coca Cola, Muhtar Kent tuyên bố, tập đoàn sẽ rót thêm 300 triệu USD vào công ty ở Việt Nam trong 3 năm tới.
Tuy lỗ lớn nhưng công ty vẫn mở rộng sản xuất. Các chuyên gia kinh tế nhận định, đây là dấu hiệu bất thường.
Sau những nghi vấn gây xôn xao dư luận, trong một tài liệu gửi Ủy ban nhân dân (UBND) TP HCM, Coca Cola Việt Nam cho biết, sau một thời gian thua lỗ kéo dài, doanh nghiệp này đã kinh doanh có lãi. Cụ thể, lợi nhuận tính thuế năm 2014 của công ty đạt 16,6 triệu USD, tăng gấp đôi so với mức 7 triệu USD của năm 2013.
Tổng số thuế mà doanh nghiệp này nộp ngân sách năm 2014 đạt 20 triệu USD, sản lượng tiêu thụ tăng 25%. Các chuyên gia tài chính nhận xét, việc Coca Cola thông báo đóng thuế là một động tác để bảo vệ thương hiệu. Bởi, sau những cảnh báo của cơ quan chức năng, doanh nghiệp này buộc phải “chấp nhận” kinh doanh có lãi để bảo vệ uy tín của họ trước người tiêu dùng.
Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp đối phó của doanh nghiệp. Bởi 20 triệu USD chỉ là con số rất nhỏ so với hiệu quả kinh doanh của Coca Cola tại Việt Nam.
Theo Zing