Năm nay, kỳ thi THPT quốc gia lần đầu tiên được tổ chức với hai mục đích xét tốt nghiệp và đại học.
Khi đang diễn ra bài làm môn Lịch sử trong ngày thi thứ ba (4/7), Công an quận Cầu Giấy (Hà Nội) tạm giữ 2 người đề điều tra hành vi dùng thiết bị đọc bài giải môn Lịch sử vào phòng thi.
Những vật dụng liên quan bị thu giữ trong vụ tiêu cực bằng công nghệ thiết bị cao. Ảnh: CTV.
Một trong hai người bị tạm giữ là T.L, khai nhận quê Vĩnh Phúc, là sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội. Theo tường trình, người này và bạn tên C có mặt ở quán cà phê trên từ hơn 7h đến 10h30. Họ nhận đề thi và đọc bài giải cho một nam sinh cùng quê. Sau đó, họ bị công an phát hiện.
Theo tường trình của C, ba người là bạn học cấp ba. Ngày 2 và 4/7, C đã 2 lần gọi điện vào phòng thi cho thí sinh trên.
Trưa 4/7, ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định Chất lượng Giáo dục - Bộ GD&ĐT cho biết, nhận được thông tin trên trong giờ làm bài môn Lịch sử. Những người này ngồi ở quán cà phê đọc bài làm vào phòng cho thí sinh tại Cao đẳng Sư phạm Trung ương (phố Hoàng Quốc Việt, Hà Nội). Đây là điểm thi của Học viện Kỹ thuật Quân sự (cụm thi số 4).
Theo ông Trinh, Bộ GD&ĐT đã cử cán bộ xuống điểm thi Cao đẳng Sư phạm Trung ương để tăng cường công tác chỉ đạo tại từng phòng thi, cũng như những điểm thi liên quan.
2013: THPT Quang Trung, Hà Nội
Năm 2013, Bộ GD&ĐT nhận được video phản ánh tiêu cực tại hội đồng thi THPT Quang Trung, Hà Đông, Hà Nội.
Ảnh tiêu cực trong thi cử tại THPT Quang Trung (Hà Nội). Ảnh: Cắt từ clip.
Cụ thể, clip quay lại cảnh nhiều thí sinh thản nhiên giật bài, làm bài tập thể tại phòng số 35, bất chấp sự có mặt của những giám thị coi thi. Trong khi đó, giám thị lại làm ngơ và bỏ ra ngoài hành lang nói chuyện. Sự việc diễn ra ở cả hai môn Toán và Tiếng Anh ngày 4/6/2013.
Vụ việc đã được Sở GD&ĐT Hà Nội điều tra, cảnh cáo các giám thị trong phòng thi số 35, khiển trách chủ tịch hội đồng, thanh tra viên được phân công phụ trách và các giám thị ở ngoài. Bên cạnh đó, lãnh đạo hội đồng gồm phó chủ tịch và thư ký, các thành viên của Tổ thanh tra cũng bị phê bình.
2012: Đồi Ngô (Bắc Giang)
Một ngày sau khi Bộ GD&ĐT kết luận kỳ thi tại THPT "cơ bản nghiêm túc", trưa 14/6/2012, clip tiêu cực được phát tán.
Thầy Nguyễn Danh Ngọc (giáo viên Thể dục, trường THPT Đồi, Ngô, Bắc Giang) đã cung cấp cho thầy giáo Đỗ Việt Khoa (THPT Phú Xuyên A, Hà Nội, người tham gia chống tiêu cực thi cử trước đó) một clip dài gần 10 phút quay cảnh nhốn nháo trong phòng thi tại hội đồng này.
Hình ảnh tiêu cực tại Đồi Ngô (Bắc Giang). Ảnh: Cắt từ clip.
Quá trình clip ghi lại cảnh giáo viên trường này vào phòng ném bài và thu phao môn Toán, Ngoại ngữ. Thậm chí, trong phòng có hai giám thị nhưng các thí sinh vẫn hồn nhiên trao đổi một cách thoải mái. Đáp án còn được giải sẵn và cho phép tuồn vào phòng thi.
Sự việc lập tức gây chú ý của dư luận, lãnh đạo Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo tỉnh Bắc Giang nhanh chóng xử lý. Sau hơn hai tháng thanh tra, Sở GD&ĐT Bắc Giang đã quyết định kỷ luật 42 cán bộ, giáo viên, nhân viên liên quan vụ việc này.
Đánh giá về vụ việc này, vào tháng 3/2013, trong chia sẻ về phương pháp học tập tại Đại học Bách khoa Hà Nội – GS Ngô Bảo Châu cho biết, sự kiện ở trường THPT dân lập Đồi Ngô chưa từng có tiền lệ trong lịch sử loài người. Thí sinh quay phim giám thị vi phạm quy chế thi là chuyện chưa từng có. Đây là chuyện rất đáng buồn và là chuông cảnh tỉnh sự tha hóa của hệ thống giáo dục. Chúng ta hãy khoan quy trách nhiệm cho cá nhân, tổ chức mà hãy xét đến suốt quá trình giảng dạy, thi cử, ít được coi trọng.
2006: Phú Xuyên A (Hà Nội)
Năm 2006, thầy Đỗ Việt Khoa (một trong những giám thị tham dự coi thi tốt nghiệp tại THPT Phú Xuyên A, Hà Nội) đã quay video ghi lại cảnh giáo viên tại trường bỏ vị trí, nhân viên phục vụ vào tận phòng thi phát bài giải cho thí sinh.
Không chỉ dừng lại ở đó, thầy giáo này còn tố giám thị nhận 700.000 đồng/người để làm ngơ cho học sinh sử dụng tài liệu.
Thầy giáo Đỗ Việt Khoa.
Thầy Đỗ Việt Khoa chia sẻ: “Vụ việc xảy ra trong năm 2006, khi đó chưa có máy quay và phải mượn điện thoại di động. Tôi phải vượt qua tâm lý của bản thân, trực tiếp một mình đối đầu với toàn hội đồng thi”.
Sự việc được Bộ GD&ĐT tiếp nhận và thanh tra đột xuất, xác minh. Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng Giáo dục đã yêu cầu lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Tây báo cáo tình hình và xử lý tập thể, cá nhân liên quan.
Sau hành động của thầy Đỗ Việt Khoa, tháng 7/2006, Bộ GD&ĐT phát động phong trào "Hai không" (nói không với bệnh thành tích và tiêu cực trong thi cử).
Theo Trí Thức Trẻ