Phanh xe khách Hyundai Aero dễ "mất" vậy sao?

Chiếc xe khách trong vụ việc này là mẫu Hyundai Aero sản xuất năm 1996. Mẫu xe có thể mang nhiều tên, ký hiệu khác nhau do loại động cơ hoặc trang thiết bị đi kèm, nhưng tất cả đều có cơ sở gầm bệ và hệ thống phanh giống nhau.

Tất cả các phiên bản Hyundai Aero đều được trang bị phanh hơi locker, tức phanh tự bó ngay khi áp suất hơi tụt tới mức báo động (thường dưới 5kg/cm2); khi động cơ mới khởi động, áp suất hơi phải đủ, phanh mới nhả để xe có thể khởi hành.

Hệ thống phanh của Aero còn được thiết kế mạch hơi kép – dual air brake, để loại bỏ việc mất hơi đột ngột với các bình chứa hơi độc lập cho phanh trước, phanh sau và phanh tay tích hợp phanh khẩn cấp.

Mất hơi phanh trước vẫn còn phanh sau, còn nếu mất hơi cả phanh trước và sau, hệ thống phanh locker sẽ tự bó hoặc tài xế có thể dùng phanh tay để khoá chặt bánh sau. Do vậy, khả năng xe mất phanh hoàn toàn gần như bằng không.

Ngoài ra, các mẫu xe Aero còn được trang bị phanh cổ xả để hỗ trợ hệ thống phanh chính bị quá nhiệt khi xe đổ đèo với tải trọng lớn.

Khi kích hoạt hệ thống, van trong cổ xả động cơ sẽ đóng lại khiến áp suất trong buồng đốt tăng lên trong kỳ xả khiến hành trình piston bị chậm lại, qua đó sẽ hãm bớt tốc độ xe.
 

Niềm tin xã hội, niềm tin cái phanh - Ảnh 1.
Tác giả Hải Kar


Quay trở lại việc chiếc xe khách được cho là mất phanh tại đèo Bảo Lộc. Theo lời ông Phong chủ xe, "khi xe qua miếu Ba Cô khoảng 3km thì xe mất hơi ("còn hơn 4kg, tối thiểu cần 7kg/cm2", báo Motthegioi) nhưng thắng (phanh) vẫn còn ăn".

Ở áp suất này lẽ ra phanh locker đã khoá cứng. Nếu quả thực thông tin ông Phong đưa ra là chính xác và vì một nguyên nhân nào đó hệ thống phanh locker không hoạt động, tài xế Toàn vẫn còn giải pháp cuối cùng là giật phanh tay để kích hoạt hệ thống locker.

Còn như thông tin tài xế Toàn đưa ra - "nhìn đồng hồ hơi thấy tuột cạn hơi, tôi biết đã mất thắng.

Lúc này xe ở số 3" (báo Tuổi trẻ), xe sẽ không thể vượt qua 50km/h ở tốc độ cực đại của động cơ là 2.200 vòng/phút do chiếc Aero đời này có tốc độ cao nhất ở số 5 là 116km/h – do tỷ số truyền của cầu sau là 4.875:1, dân trong nghề gọi là cầu chậm.

Với độ dốc dưới 12% của đèo Bảo Lộc, chiếc xe của ông Phong kể cả không cần dùng phanh vẫn có thể xuống dốc an toàn với số 3.

Còn trong trường hợp quán tính quá lớn khiến xe vượt quá 50km/h, chắc chắn động cơ sẽ bị phá hỏng do vượt quá giới hạn của nhà sản xuất (2.200 vòng/phút).

Tuy nhiên, điều này khó xảy ra vì với độ dốc cao và cua gấp như từ Sapa về Lào Cai, xe khách Hyundai Aero Space (đời sau nhưng với động cơ và cấu hình tương tự) đầy tải vẫn đổ dốc bằng số 3 nhưng tài xế hầu như không dùng phanh, chỉ nhấp phanh trước cua gấp để xe ôm cua mượt hơn.

Chỉ có "đá mo" xe mới lao nhanh như vậy

Điều gì khiến chiếc xe của ông Phong có thể đạt tốc độ 120km/h ở chân đèo như ông nói? Khả năng duy nhất là xe bị quăng mo – tức xe ở số 0, và trôi tự do theo đà dốc.

Trong video phỏng vấn của báo Lao động, ông Phong nói: "Qua cua thứ 4, tốc độ quá cao (trên một số báo trích dẫn ông Phong nói 60, 70km/h) và mất hơi khiến số nhỏ không ăn nữa". Như đã dẫn chứng ở trên, số 3 chiếc xe này không thể vượt được qua tốc độ 50km/h, chỉ có khả năng ông Toàn đã dùng số 4 hoặc 5 để đổ đèo xe mới lên được 60, 70km/h.

Khi xe đang lao rất nhanh, lái xe Toàn đạp côn để ra mo – số 0, trước khi về số thấp nhưng xe càng lao nhanh do phanh đã không ăn; tốc độ cầu sau và động cơ chênh lệch quá lớn khiến xe không thể về số thấp.

Ở đây, áp suất hơi mất không ảnh hưởng tới việc vào số như chủ xe Phong nói, vì côn xe Aero là kiểu thủy lực trợ lực hơi. Hệ thống côn vẫn hoạt động bình thường nếu mất trợ lực hơi, chỉ có bàn đạp côn sẽ nặng hơn.

Điểm đáng lưu ý ở đây là các xe khách dùng động cơ diesel có vòng tua rất thấp và tỷ số truyền ra hộp số và cầu sau cao nên rất khó dồn về số thấp khi chạy đèo.

Thường các xe 45 chỗ như Hyundai Aero muốn về số, các tài xế kinh nghiệm thường phải đệm phanh giảm hẳn tốc độ rồi mới chuyển số. Trong trường hợp này, lái xe Toàn đã sai lầm khi dồn số trong lúc phanh không còn đủ tác dụng.

Ngoài ra, căn cứ vào địa hình đường cua, loại xe có trọng tâm cao như Hyundai Aero cũng như vết đâm xe khách vào xe tải, có thể kết luận tốc độ xe khách ở thời điểm đâm không thể quá 80km/h, cho thấy phanh không mất hoàn toàn.

Với các dữ kiện đã biết trong vụ này, chúng ta có thể suy đoán nguyên nhân tai nạn là:

1. Nếu hệ thống phanh chưa bị thay đổi hoặc hoán cái: Xe không mất phanh. Áp suất hơi vẫn ở ngưỡng an toàn nên locker không đóng và tài xế cũng chưa sử dụng phanh khẩn cấp. Hệ thống phanh chỉ bị quá nhiệt, giảm hiệu quả.

Tài xế Toàn xuống dốc bằng số cao và đã không thể vào được số thấp khiến xe đổ dốc gần như tự do.

2. Nếu hệ thống phanh đã bị thay đổi, bỏ phanh tay tích hợp phanh khẩn cấp: Lỗi chủ quan lái xe đã không dừng lại ngay (chủ xe nói, "còn 4kg/cm2 nhưng thắng vẫn ăn") trong khi ý thức được sự nguy hiểm của việc tụt áp suất hơi.

Xe mất phanh do lái xe đi số cao, sử dụng phanh quá nhiều dẫn đến má phanh bị cháy và xe đổ dốc gần như tự do vì không về được số thấp – quăng mo.

3. Trong cả hai trường hợp, phanh không mất hoàn toàn và tài xế vẫn còn phanh được nên tốc độ cao nhất ở thời điểm đâm không thể vượt quá 80km/h.

Xã hội cần niềm tin, cái phanh cũng vậy

Với một lời tuyên bố đơn giản sau sự việc: "Xe mất thắng", người ta dễ dàng đẩy trách nhiệm sang một thứ vô tri. Hậu quả chỉ nhẹ nhàng là dư luận bỗng thấy những hệ thống phanh trên xe trở nên kém tin cậy, và việc ngồi lên xe thành ra nguy hiểm quá chừng.

Nếu cái phanh mà biết nói năng, hẳn chúng ta sẽ dễ dàng biết rõ sự thật câu chuyện đã diễn ra như thế nào, ai anh hùng, ai sai sót. Phanh xe không có lỗi, chỉ người sử dụng đã không dùng chúng cho tốt mà thôi. Hãy tin vào phanh.
 

Clip: 10 phút trên đèo Bảo Lộc. Đèo Bảo Lộc đoạn xe khách có thể bắt đầu
 không vào được số ở phút thứ 9 trở đi. (nguồn: Youtube)
 
Clip: 10 phút trên đèo Bảo Lộc. Đèo Bảo Lộc đoạn xe khách có thể bắt đầu không vào được số ở phút thứ 9 trở đi. (nguồn: Youtube)