Theo TS.BS Phạm Thế Thạch - Phó Giám đốc Trung tâm Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai, vào lúc 0h30 phút ngày 12/9, Trung tâm tiếp nhận người bệnh Hoàng Văn V. (nam, 31 tuổi, dân tộc Tày, trú tại Lào Cai) vào viện trong tình trạng nguy kịch.

Người bệnh là nạn nhân bị lũ quét tại bản Làng Nủ, Phúc Khánh, huyện Bảo Yên trong đêm và rạng sáng ngày 10/9. Khoảng 7h sáng cùng ngày, nạn nhân được phát hiện trong tình trạng rất nặng, được sơ cứu và đưa vào Bệnh viện huyện Bảo Yên cấp cứu trong tình trạng khó thở, thở nhanh nông, co kéo cơ hô hấp nhiều, da và niêm mạc nhợt, xây xát da toàn thân, ấn đau nhiều xương sườn 6,7,8 bên trái, giảm rì rào phế nang bên trái.

Nỗ lực cứu chữa các nạn nhân trong vụ lũ quét tại thôn Làng Nủ-1
Bệnh nhân V. đang được điều trị tại Trung tâm Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh BVCC

Người bệnh được xử trí cơ bản và được chuyển đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Lào Cai ngay trong đêm trong tình trạng hôn mê, da và niêm mạc nhợt, xây xát nhiều vùng đầu, mặt, vùng ngực, bụng. Người bệnh được chẩn đoán đa chấn thương, chấn thương ngực. Xử trí đặt nội khí quản và chuyển lên Khoa Hồi sức tích cực.

Tại đây, người bệnh thở máy, mở màng phổi dẫn lưu dịch khí, soi hút phế quản (2 lần) ra nhiều sỏi đá và bùn đất, kháng sinh phổ rộng, duy trì thuốc trợ tim vận mạch và lọc máu liên tục.

Tình trạng người bệnh nặng hơn, nguy cơ tử vong cao nên các bác sĩ quyết định chuyển bệnh nhân xuống Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) trong tình trạng an thần, thở máy, duy trì thuốc vận mạch liều cao.

0h16 phút ngày 12/9, người bệnh được nhập vào Trung tâm Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng hôn mê, thở theo bóp bóng qua nội khí quản O2 100%, toàn thân nhiều xây xát da, SpO2 92%, nhịp tim 111 CK/ph, huyết áp 120/60 mmHg.

0h30 phút, người bệnh được chuyển đến Trung tâm Hồi sức tích cực trong tình trạng an thần, giãn cơ, thở máy với FiO2 100%, SpO2 88%, nhiều đờm đục bẩn và có nhiều dị vật, giảm thông khí hai phổi, dẫn lưu dịch màng phổi trái ra ít dịch đỏ lẫn máu, huyết áp 100/50 mmHg, nhịp tim 119 CK/phút phải duy trì thuốc vận mạch, trợ tim liều cao.

Bên cạnh đó, bệnh nhân bị xây xát da toàn thân, nhiều vết thương chảy máu, bụng chướng nhiều, siêu âm nhiều dịch nghi máu trong ổ bụng, dịch màng phổi hai bên, xét nghiệm có rối loạn đông máu rất nặng, khí máu có tình trạng toan hỗn hợp nặng, nhiễm trùng nặng.

Ngay khi vào viện, các bác sĩ đã nhanh chóng thực hiện nhiều kỹ thuật để cấp cứu người bệnh như thở máy theo chiến lược bảo vệ phổi, lọc máu liên tục loại bỏ cytokin.

Ngay lúc vào Trung tâm Hồi sức tích cực, người bệnh đã được nội soi phế quản (lần 3) để hút, bơm rửa phế quản. Trong nội soi thấy rất nhiều bùn và dị vật trong lòng phế quản.

Người bệnh đang được an thần, giãn cơ, ECMO hỗ trợ hô hấp và tuần hoàn, lọc máu liên tục phối hợp lọc máu hấp phụ, kháng sinh phổ rộng tối ưu, nội soi bơm rửa phế quản, truyền các chế phẩm máu... Hiện, tình trạng suy đa tạng của bệnh nhân rất nặng, nguy cơ tử vong cao.

Nỗ lực cứu chữa các nạn nhân trong vụ lũ quét tại thôn Làng Nủ-2
Điều dưỡng bơm rửa dạ dày cho bệnh nhi, bên trong rất nhiều bùn đất. Ảnh BVCC

Một trường hợp khác cũng gặp nạn trong vụ lũ quét ở thôn Làng Nủ được chuyển xuống Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu là bệnh nhân M.H.T.N (nữ, 11 tuổi, dân tộc Tày). 

Được biết, bệnh nhi sống cùng gia đình nhà cậu và ông bà ngoại. Vụ sạt lở khiến gia đình cháu mất đi 4 người gồm: bà ngoại, mợ cháu và hai con của cậu.

Bệnh nhân được chẩn đoán: Viêm phổi do đuối nước và hít bùn đất, biến chứng ARDS - Đa chấn thương - Gãy xương đòn phải - Đụng gập gan phải - Tổn thương phần mềm nhiều nơi - Theo dõi sốc nhiễm khuẩn suy đa tạng - Rối loạn đông máu - Theo dõi DIC - Hội chứng tiêu cơ vân cấp. Hiện bệnh nhân đang được điều trị tích cực tại Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Bạch Mai. 

Theo lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai, đơn vị này đã chỉ đạo các đơn vị trong bệnh viện tập trung tất cả các nguồn lực con người, trang thiết bị vật tư và thuốc men tốt nhất để cấp cứu nạn nhân. 

Bệnh viện cũng đã tổ chức hội chẩn toàn viện gồm các chuyên gia đầu ngành; thành lập nhóm chuyên trách theo dõi điều trị và cập nhật thường xuyên tin tức người bệnh để các chuyên gia đóng góp ý kiến liên tục nhằm nỗ lực cứu chữa cho người bệnh. 

Theo Sức khỏe đời sống