Ngày 14/10, Công an huyện Diễn Châu (Nghệ An) cho biết, vừa kịp thời ngăn chặn vụ việc giả danh công an để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của công dân.
Công an xã Diễn Hùng hướng dẫn anh T.Q.C. thực hiện các thủ tục liên quan để lấy lại số tiền bị lừa đảo.
Theo đó, sáng 11/10, Công an xã Diễn Hùng nhận được tin báo của anh T.Q.C. (SN 1971, trú trên địa bàn) về việc có số điện thoại lạ gọi cho anh tự xưng là Dũng, cán bộ công an. Đối tượng này thông báo anh chưa cài đặt tài khoản định danh điện tử mức độ 2 và đề nghị cài đặt để thực hiện các giao dịch liên quan đến ngân hàng, nếu không tài khoản ngân hàng sẽ bị khóa.
Sau khi nhận điện thoại, anh C. hoàn toàn tin tưởng vì tài khoản định danh điện tử của anh mới cài đặt ở mức độ 1 và hiện trong tài khoản ngân hàng đang có một khoản tiền tiết kiệm của 2 vợ chồng chuẩn bị gửi con học đại học.
Vì quá lo lắng, anh C. nhờ người đàn ông tự xưng là cán bộ công an hướng dẫn cài đặt tài khoản định danh điện tử mức độ 2 và được người này đề nghị cung cấp các thông tin như: Mã số định danh, ngày tháng năm sinh, số tài khoản ngân hàng, mã OTP... Sau khi cung cấp các thông tin nói trên, anh C. phát hiện toàn bộ số tiền 55 triệu đồng trong tài khoản của mình đã "không cánh mà bay". Ngay lập tức, anh đã đến cơ quan công an trình báo.
Tiếp nhận thông tin, Công an xã Diễn Hùng nhanh chóng hướng dẫn anh thực hiện các bước xác minh, phối hợp với ngân hàng nhằm ngăn chặn giao dịch. Đến chiều cùng ngày, anh C. đã nhận lại toàn bộ số tiền 55 triệu đồng nói trên.
Cơ quan chức năng cho biết, chiêu trò phổ biến các đối tượng thực hiện là liên hệ với khách hàng bằng các hình thức như gọi điện, nhắn tin, kết bạn qua các mạng xã hội (Zalo, Facebook…) để hướng dẫn thu thập thông tin sinh trắc học, định danh điện tử.
Người dân tuyệt đối không cài đặt ứng dụng VNeID từ nguồn không chính thống, không làm theo hướng dẫn của các đối tượng lạ để tránh bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Ngoài ra, các đối tượng lập nick gây nhầm lẫn như "nhân viên ngân hàng", "hỗ trợ khách hàng"... và trà trộn tương tác với những bình luận của khách hàng dưới các bài đăng trên trang mạng xã hội chính thức của ngân hàng để đề nghị khách hàng liên hệ riêng (inbox) nhằm dẫn dụ khách hàng để lừa đảo lấy thông tin.
Sau đó, các đối tượng yêu cầu nạn nhân cung cấp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng, hình ảnh căn cước công dân, hình ảnh khuôn mặt… Thậm chí đối tượng có thể yêu cầu cuộc gọi video để thu thập thêm giọng nói, cử chỉ.
Đặc biệt, các đối tượng đề nghị khách hàng truy cập vào đường link lạ để tải và cài đặt ứng dụng hỗ trợ thu thập sinh trắc học trên điện thoại… Sau khi lấy được thông tin của khách hàng, các đối tượng sẽ chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng.
Cơ quan công an khuyến cáo, tội phạm sử dụng công nghệ cao đang hoạt động ngày càng tinh vi, chuyên nghiệp. Các đối tượng xây dựng kịch bản, phân công vai trò cụ thể, lợi dụng triệt để công nghệ để lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản của các nạn nhân.
Do đó, người dân không cung cấp dữ liệu cá nhân, mã OTP, không bấm vào đường link hay tải ứng dụng theo yêu cầu của người lạ; không mua bán, trao đổi, cho thuê, mượn tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng, giấy tờ tùy thân; cài đặt bảo mật hai lớp và hạn chế chia sẻ thông tin cá nhân lên mạng.
Các ngân hàng cũng lưu ý, khâu xác thực bằng khuôn mặt chỉ chính chủ mới thực hiện được, nên không thể hỗ trợ từ xa. Nếu không tự thao tác được, người dân có thể đến các quầy giao dịch của ngân hàng để được hỗ trợ trực tiếp.
Theo Sức khỏe đời sống