LTS: Cả xã hội đang kêu gọi bình đẳng giới, nhưng cụm từ đó dường như quá xa lạ với một số người phụ nữ gặp bất hạnh trong hôn nhân gia đình. Họ phải chịu cảnh đày đọa về thân xác và tinh thần vì bị chồng ngược đãi một cách tàn bạo. Và họ - những người phụ nữ là nạn nhân của bi kịch hôn nhân và bạo lực gia đình không phải lúc nào cũng dám lên tiếng, dám đối mặt để thoát khỏi. Có những người phụ nữ sau đó đứng lên làm lại được cuộc đời nhưng có người thì lại chọn cách cam chịu, ôm cay đắng, tủi nhục riêng mình...
Hạnh phúc ngắn ngủi
Nguyễn Thị P. (SN 1990), trú tại xã Lê Thanh, huyện Mỹ Đức cưới chồng vỏn vẹn 2 năm thì ly hôn vì không thể chịu đựng nổi cuộc hôn nhân bất hạnh. P nói: “Em yêu chồng, thương con nhưng thực sự là không thể chịu nổi cảnh hành hạ này nữa rồi ”.
Rồi P. tâm sự về cuộc hôn nhân đầy bất hạnh và ngắn ngủi kia trong nước mắt. Không theo đuổi sự nghiệp học hành nên học hết cấp 3, P. nghỉ học ở nhà giúp bố mẹ. Vốn là một cô gái có nhan sắc nên P. được nhiều chàng trai theo đuổi tán tỉnh nhưng P. chẳng đồng ý ai. Đến năm 2010 khi vừa bước vào tuổi đôi mươi thì P. đồng ý yêu và cưới người con trai ở thôn bên hơn P. 2 tuổi.
Cuộc hôn nhân diễn ra trong niềm hạnh phúc, vui mừng của P. và họ hàng đôi bên. Cưới nhau xong hai vợ chồng ra ở riêng vì gia đình nhà chồng chuyển vào trong Nam làm ăn. Hai vợ chồng cùng buôn bán làm ăn. P. buôn bán ở chợ còn chồng thì làm nghề thịt chó cùng bố vợ. Cuộc sống cũng khá ổn đinh rồi họ có được một cậu con trai bụ bẫm.
Nhưng được một thời gian thì chồng P. bỗng dưng lao vào chơi bời game, cờ bạc bỏ bê vợ con. Mặc cho vợ mới sinh con, chồng P. chẳng thèm ngó ngàng mà say sưa với những thú vui trên internet và những trò đỏ đen. Có bao nhiêu tiền làm được chồng P. đều nướng hết vào những buổi cờ bạc thâu đêm suốt sáng, cũng chẳng chịu đi buôn bán làm ăn gì cả.
Vì thế mà gia đình P. lâm vào cảnh túng thiếu. P. phải vừa bồng con vừa buôn bán kiếm ăn nuôi sống cả nhà. Làm mẹ khi còn trẻ nhưng một tay P. lo lắng cho gia đình: “Con ốm, vợ ốm anh ta cũng không cần biết. Có những lần cả hai mẹ con đều mệt mỏi nhưng em vẫn vẫn phải bồng con ra chạy chợ để lấy tiền ăn”.
Đã nhiều lần P. ôm con bỏ về nhà mẹ đẻ vì không khuyên bảo được chồng và bị đánh đập nhiều lần . Nhưng vì thương con, yêu chồng P. lại quay lại. Còn chồng P. thì mặc vợ con đi hay ở chẳng quan tâm mà những thú vui kia đã chiếm hết tâm trí của gã chồng vô trách nhiệm đó.
P bị ám ảnh vì cuộc hôn nhân đầy bất hạnh.
Cuộc hôn nhân địa ngục
Vợ thì cặm cụi kiếm từng đồng nhưng chồng thì lại đốt hết vào những trò vô bổ. Những lần anh ta đi chơi thâu đêm về hễ vợ nói thì lập tức sẽ ăn đòn. Mặc cho P. khuyên bảo gã chồng chẳng hồi tâm chuyển ý, thậm chí còn bắt vợ đưa tiền cho đi ăn chơi. Nếu không được thì hắn quay ra đánh đập thậm tệ P. Có những lần P. chẳng còn đồng nào cung phụng cho chồng thì anh ta còn trói chân tay P. vào đánh đập dã man, may có hàng xóm phát hiện kịp nên P. thoát được nạn.
Chồng P. còn bán cả trộm chó của bố vợ lấy tiền để chơi, thậm chí anh ta còn dám đốt cả xe máy khi người thân dám ngăn cản. Những đồ đạc tài sản lần lượt “bay” theo những thú vui của chồng P. Gã chồng trẻ còn thậm tệ đến mức có bao gạo bố P chở sang “cứu tế” cho hai mẹ con vì nhà chẳng còn gì ăn gã cũng mang đi bán nốt. Không còn gì để bòn rút thì chồng P. đi vay nặng lãi để chơi. Những khoản nợ cứ chất chồng dần lên, tới khi không thể thanh toán nổi thì chồng P. đánh bài chuồn. Anh ta ôm theo đứa con nhỏ còn hơi sữa mẹ không một lời từ biệt lên xe trốn vào Sài Gòn sống với bố mẹ đẻ.
Một mình bơ vơ ở lại căn nhà trống trơn cùng khoản nợ kếch xù chẳng biết làm cách nào trả nổi của chồng để lại. P như “sống dở, chết dở”. Nhớ con da diết, P. đành cắn răng khăn gói vào Sài Gòn tìm gặp con trai. Nhưng vào đến đây P. lại gặp sự hắt hủi, ghẻ lạnh của nhà chồng, mẹ chồng P. xua đuổi con dâu: “Mày đi ra ngoài mà ở, đừng ở tròn nhà tao, tao không có con dâu như mày”. Vì bênh con trai nên bà ta đổ hết mọi tội lỗi lên đầu của P.
P. đưa con về ở cùng mình được một thời gian ngắn ngủi thì bà mẹ chồng lại ra tận nơi để đón đi không cho P. nuôi. Mặc cho thằng bé khóc vì nhớ mẹ, mặc cho P. quỳ lạy xin bà ta đừng đưa con của mình đi nhưng cũng không được.
Chồng P. cũng chẳng bao giờ ngó ngàng đến vợ từ ngày anh ta bỏ đi. Quá uất ức và tủi nhục và biết cũng chẳng thể giữ được gia đình cho con nữa nên P. đã đâm đơn ly hôn.
Ngôi nhà từng là tổ ấm hạnh phúc của vợ chồng P.
Nỗi ám ảnh kéo dài
Cuối cùng thì P. cũng đã được giải thoát khỏi cuộc hôn nhân đó. Tuổi đôi mươi, lại gặp bất hạnh trong hôn nhân quá sớm nên P. càng âm thần sống khép kín. P. ít nói hơn trước, trên khuôn mặt của thiếu phụ trẻ hằn lên những nét từng trải.
Ngồi trò chuyện về con đường phía trước, P. nói: “Em sợ lắm rồi cuộc sống gia đình, thực sự em chẳng còn tâm trí nào mà nghĩ đến chuyện đó nữa, em sợ lại lặp lại bi kịch cũ thì sống làm sao nổi”.
Có lẽ những bất hạnh mà người mẹ trẻ này phải chịu là một cú sốc quá nặng khiến P. vẫn chưa thể vượt qua được nỗi ám ảnh đáng sợ đó. Trong tâm thức của P. luôn sợ vì cuộc sống gia đình sẽ lặp lại bi kịch đau đớn một lần nữa nên hạnh phúc lứa đôi với thiếu phụ trẻ này như một màn sương mù mịt và mong manh. Hy vọng thời gian sẽ dần xóa đi nỗi đau đớn đó trong lòng đó của người phụ nữ trẻ này.
Theo Afamily/ trí thức trẻ