Việc sử dụng các loài động vật trong phòng thí nghiệm dường như không còn quá xa lạ và đã bị lên án dữ dội trong nhiều năm qua. Không giống cuộc đời của các loài vật khác, những chú chó, chú khỉ trong phòng thí nghiệm chưa một lần được biết tới cuộc sống sống bên ngoài. Cũi sắt và phòng thí nghiệm là nhà, trong khi các nhà nghiên cứu trở thành những chủ nhân bất đắc dĩ của chúng.

Mới đây, 156 chú chó đã được thả tự do từ một phòng thí nghiệm động vật tại Ấn Độ. Đây là một trong những cuộc phóng thích động vật phòng thí nghiệm lớn chưa từng có tại đất nước này. Sống trong cũi sắt chật chội quanh năm suốt tháng, những chú chó ở đây chưa từng một lần nhìn thấy mặt trời.

Nỗi buồn của 156 chú chó thí nghiệm lần đầu tiên được nhìn thấy ánh sáng mặt trời - Ảnh 1.
 Những chú chó lần đầu tiên được nhìn thấy ánh sáng mặt trời.

Nếu không có cuộc giải cứu này, có thể số phận những chú chó sẽ như thế hệ cha mẹ của chúng: sinh ra tại phòng thí nghiệm, sống trong lồng cũi chật hẹp với chế độ chăm sóc tồi tàn, làm vật thí nghiệm cho các sản phẩm thuốc và mĩ phẩm rồi lại ra đi chính tại nơi này.

Tuy nhiên, ánh sáng cuộc sống đã tới với chúng khi hôm 16/5 vừa qua, chính phủ đã bác bỏ yêu cầu của phòng thí nghiệm muốn sử dụng chúng để làm thử nghiệm cho các loại mỹ phẩm. Cuối cùng, hơn 156 chú chó tại thành phố Bangalore đã được trả tự do, dưới sự giúp đỡ của nhóm hoạt động vì động vật Compassion Unlimited Plus Action.

Nỗi buồn của 156 chú chó thí nghiệm lần đầu tiên được nhìn thấy ánh sáng mặt trời - Ảnh 2.
 Các tình nguyện viên giúp giải thoát cho những chú chó.

Những khuôn mặt của đàn chó khi được thả tự do vẫn thoáng nỗi buồn và sự ngập ngừng. Không phải tất cả chúng đều sẵn sàng gặp con người. Từ khi sinh ra, chúng không biết tới tình thương của những người chủ nên với lũ chó, chúng sợ rằng những người kia đến để mang chúng đi và sử dụng cho các vụ thí nghiệm đầy đau đớn. Kể cả khi các tình nguyện viên xuất hiện để giải cứu, đàn chó vẫn lấm lét sợ sệt.

Không chỉ suy sụp về tinh thần, chúng cũng gặp các vấn đề về sức khỏe. Một vài chú chó không thể đi lại được bình thường và cảm thấy khó khăn vì chúng chưa bao giờ được chạy nhảy.

Tổ chức phi chính phủ đã quyết định mở một chiến dịch nhận nuôi chó trên toàn quốc với các chủ nhân được chọn lựa kỹ càng. Chỉ trong vòng vài ngày, đã có hơn 1000 người nộp đơn xin nhận nuôi chúng. Có khoảng 26 chú chó đã tìm được chủ nhân cho mình và những chú còn lại vẫn đang hy vọng sẽ có một ngôi nhà mới.

Nỗi buồn của 156 chú chó thí nghiệm lần đầu tiên được nhìn thấy ánh sáng mặt trời - Ảnh 3.
 Những chủ nhân đầu tiên của đàn chó được giải cứu từ phòng thí nghiệm.

Theo nhóm tình nguyện viên, việc chọn chủ nhân cho chúng phải hết sức kỹ lưỡng. Không giống như những chú chó khác, đàn chó phòng thí nghiệm này cần nhiều sự quan tâm, tình cảm của chủ nhân hơn hết. Nếu không, chúng khó có thể hòa nhập với cuộc sống bình thường.

Tháng ba năm ngoái, tổ chức phi chính phủ này cũng đã giải cứu được 64 chú chó từ phòng thí nghiệm ở Bangalore. Chính phủ Ấn Độ cũng đã ra lệnh cấm sử dụng động vật để tiến hành thí nghiệm một vài sản phẩm như xà phòng hay bột giặt.

Tuy nhiên, các biện pháp xử phạt vẫn chưa mạnh tay và đủ sức răn đe nên việc sử dụng chó tại các phòng thí nghiệm vẫn diễn ra tại nhiều thành phố ở Ấn Độ.

Nỗi buồn của 156 chú chó thí nghiệm lần đầu tiên được nhìn thấy ánh sáng mặt trời - Ảnh 4.

Nỗi buồn của 156 chú chó thí nghiệm lần đầu tiên được nhìn thấy ánh sáng mặt trời - Ảnh 5.

Nỗi buồn của 156 chú chó thí nghiệm lần đầu tiên được nhìn thấy ánh sáng mặt trời - Ảnh 6.

Nỗi buồn của 156 chú chó thí nghiệm lần đầu tiên được nhìn thấy ánh sáng mặt trời - Ảnh 7.

Nỗi buồn của 156 chú chó thí nghiệm lần đầu tiên được nhìn thấy ánh sáng mặt trời - Ảnh 8.

Theo Trí thức trẻ