Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump và tỷ phú Elon Musk trong một sự kiện vận động tranh cử. (Ảnh: Reuters)
Ông Trump sở hữu khối tài sản ròng ước tính từ 5,5 triệu – 6 triệu USD. Nhóm thân cận của ông trong chính quyền sắp tới, trong đó có người giàu nhất thế giới Elon Musk, sở hữu số tài sản gộp lại cao hơn bất kỳ nội các nào trong lịch sử Mỹ.
Hàng chục tỷ phú trong chính quyền của ông Trump
Tài sản gộp lại của ông Trump và Phó Tổng thống J.D. Vance cộng với nhóm chuyển tiếp của ông lên tới hơn 313 tỷ USD, theo thống kê mà tổ chức phi chính phủ Americans for Tax Fairness đưa ra vào tháng 11. Tài sản ròng ước tính của tỷ phú Musk từ đó đã tăng thêm khoảng 345 tỷ USD.
Nội các của ông Trump trong nhiệm kỳ đầu cũng lập kỷ lục về tài sản, với khối tài sản gộp ước tính đạt 6,2 tỷ USD.
Chính quyền của Tổng thống Joe Biden không giàu có như vậy. Hầu hết thành viên trong nội các của ông là triệu phú nhỏ, với tổng tài sản khoảng 118 triệu USD.
Khoảng 8 triệu USD trong tài sản của Tổng thống Biden đến từ việc bán sách và diễn thuyết. Phó Tổng thống Kamala Harris có khoảng 7 triệu USD, chủ yếu nhờ người chồng luật sư giàu có, theo ước tính của tạp chí Forbes.
Khoảng cách về tài sản giữa ông Trump và cử tri cực kỳ lớn. Tài sản trung bình của hộ gia đình Mỹ là 1,06 triệu USD, theo số liệu được Hội đồng Dự trữ Liên bang công bố vào tháng 10/2023.
Đảng Dân chủ đã nhấn mạnh điều này trong phát biểu với báo chí hôm 9/12, rằng ông Trump đưa vào nội các của mình toàn những tỷ phú quá khác biệt với người bình thường.
"Sự thật là ông Trump và những người được ông ấy chọn để lãnh đạo chính phủ của chúng ta tập trung vào lợi nhuận của chính họ hơn là các gia đình lao động", tuyên bố nêu rõ.
Ít nhất hai trong số những ưu tiên hàng đầu của ông Trump khi nhậm chức vào tháng 1/2025 phản ánh mối quan tâm của người giàu.
Trước tiên là gia hạn chính sách cắt giảm thuế từ năm 2017 - có lợi cho các tập đoàn và người thu nhập cao. Thứ hai là thúc đẩy giảm bớt quy định, đúng như mong muốn của hầu hết các doanh nghiệp lớn của Mỹ.
Tuy nhiên, những chủ trương này dường như không gây khó chịu cho lực lượng cử tri ủng hộ ông Trump, vì họ vốn thích thực tế ông là một doanh nhân giàu có. Đối với họ, ông đại diện cho sự thành công.
Trên thực tế, những cử tri bỏ phiếu cho ông Trump mong đợi ông sẽ điều hành một chính phủ ủng hộ doanh nghiệp. Họ hy vọng các chính sách của ông sẽ tạo ra của cải, và một phần trong số đó sẽ "lan" đến họ.
Tuy vậy, vẫn có thể sẽ xảy ra chuyện xung đột lợi ích khi các tỷ phú tham gia trực tiếp vào việc hoạch định chính sách.
Các chuyên gia cho biết đây là vấn đề khó giải quyết, ngay cả khi các doanh nhân trong chính phủ thoái vốn hoặc đặt tài sản của họ vào những quỹ ủy thác để tránh xung đột.
Theo Tiền phong