Từ những câu chuyện đau thương…
“Mới sáng đây, nó còn khoe là chủ nhật tới là sinh nhật nó. Tôi định mua ít đồ về tổ chức cho nó vui, một năm có một lần. Nhưng giờ sao lại thành thế này, con ơi?”.
"Trời ơi! Chuyện gì xảy ra với con tôi thế này?".
“Vợ chồng tôi chỉ có mỗi một đứa con trai duy nhất, sao ông trời lại nhẫn tâm với gia đình tôi như vậy?!".
"Con trai tôi nó có tội tình gì mà lại bắt nó chết thảm như vậy chứ! Hoàng ơi con có nghe thấy mẹ gọi không?! Hoàng ơi, mẹ van con, con làm ơn mở mắt ra nhìn mẹ đi, con ơi là con ơi…".
"Lượm ơi, mày tỉnh dậy ăn cơm với bà đi, mày ngủ chi nhiều thế, mày không nghe lời bà nữa à…".
"Lượm ơi, con mở mắt ra mà nhìn thầy cô, bạn bè đến thăm con này, mọi người ai cũng yêu quý con như vậy, sao con lại nỡ bỏ ba mẹ mà ra đi đột ngột như vậy hả! Con về với mẹ đi con ơi là con ơi! Con không thương mẹ nữa hả, con cứ nằm im như vậy thì làm sao mẹ chịu đựng được đâu cơ chứ. Con ơi! Có nỗi đau nào bằng ba mẹ mất con, mất đi máu thịt của mình?!".
"Đau đớn quá trời ơi! Chín tháng mười ngày mang nặng đẻ đau, rồi nuôi con đến chừng này mà đùng một cái nó chết thì làm sao mà vợ chồng tôi đành lòng được đây chứ. Gia đình tôi làm chi nên tội chi mà ông trời lại nhẫn tâm chia ly cha con tôi thế này. Con ơi, sao nỡ bỏ cha mẹ ra đi vậy hả con ơi!".
“Con ơi sao bỏ mẹ mà đi. Bạn con đến đó rồi kìa con ơi….”.
“Cháu Vũ ơi là cháu ơi! Sao con đi thế này, đau đơn quá cháu ơi”.
Đó là những tiếng than khóc ai oán đến xé lòng vang lên từ vụ 9 học sinh bị đuối nước tại sông Trà Khúc (Quảng Ngãi). Không ai có thể cầm nổi nước mắt khi chứng kiến cảnh tang thương này. Chỉ trong chớp nhoáng mà gia đình lìa tan, ba mẹ mất con, ông bà mất cháu, bạn bè mất nhau. Không còn nỗi đau nào lớn hơn được nữa.
Ấy vậy mà đây chỉ là một trong hàng trăm vụ đuối nước ở trẻ nhỏ xảy ra tại Việt Nam trong nhiều năm qua.
Tại huyện Minh Hóa (Quảng Bình) vừa qua xảy ra vụ hai chị em ruột bị đuối nước khi tắm suối khiến một chết một nguy kịch.
Rồi cũng chính tại Quảng Ngãi vừa qua, lại thêm trường hợp một học sinh lớp 12 tử vong do đuối nước.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh cũng vừa xảy ra vụ một nam sinh chết đuối khi tắm biển.
Tại Cẩm Mỹ (Đồng Nai) vừa qua cũng có vụ 2 học sinh cứu bạn đuối nước và chết cả ba.
Đó mới chỉ là những vụ trẻ chết do đuối nước tiêu biểu lên báo trong đầu năm 2016, còn hàng ngàn vụ trong những năm qua mà không ai có thể nhớ hết được.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, tỷ lệ trẻ em đuối nước ở Việt Nam cao gấp 10 lần các nước phát triển. Trong đó, hơn 53% các trường hợp bị đuối nước xảy ra trong các hoạt động ngoài trời khi trẻ chơi gần nhà và khoảng 17% được trẻ khác trông nom. Theo kết quả điều tra của Tổ chức Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNICEF), trung bình mỗi năm, ở Việt Nam có khoảng trên 7.000 trẻ em bị chết đuối.
Như vậy, cứ mỗi ngày qua đi lại có 10 trẻ em ở Việt Nam bị chết vì đuối nước. Đây là con số đáng báo động, khiến người ta không khỏi rùng mình.
…Đến lúc phải thừa nhận sự thiếu trách nhiệm của người lớn
Chết vì đuối nước là một trong những cái chết đau đớn nhất của con người.
Người bị đuối nước phải trải qua cảm giác sợ hãi tột cùng, hoảng loạn vì bị xâm chiếm giữa dòng nước, tim đập mạnh, phổi tràn đầy nước, cơ thể như muốn nổ tung, đầu óc bị kẹp chặt vì không có oxi. Sau 3 phút vùng vẫy trong vô vọng, mọi thứ dần chìm vào mơ hồ.
Sẽ chẳng ai muốn nhận lấy một cái chết như vậy. Và càng không có ai muốn chứng kiến người thân của mình phải ra đi trong đau đớn như vậy, nhất là khi đó mới chỉ là những đứa trẻ non dại.
Vậy mà hàng bao năm qua, vẫn có hàng trăm vụ đuối nước xảy ra, mà phần lớn rơi vào trẻ nhỏ.
Rõ ràng, nguyên nhân sâu xa nhất gây nên nạn đuối nước ở trẻ nhỏ thuộc về người lớn. Mà cụ thể ở đây là bố mẹ, ngành giáo dục và tuyên truyền.
Ở các nước phát triển, tỷ lệ trẻ em đuối nước rất thấp vì ngay từ khi học tiểu học, chúng đã được dạy bơi đồng loạt tại nhà trường. Nhưng ở Việt Nam ta, đến tận đại học cũng chẳng có khóa dạy bơi chính thức được nhà trường tổ chức, trừ những khoa chuyên ngành. Hầu như có rất ít trường học có hồ bơi cho học sinh. Các lớp học bơi hầu hết thuộc về tư nhân, mang tính dịch vụ nhiều hơn.
Ngành giáo dục của chúng ta hiện nay vẫn trọng kiến thức sách vở mà xem nhẹ kĩ năng sống, nên học sinh chỉ biết cắm đầu vào học mà không có những kĩ năng cần thiết đối phó với tình huống. Chúng ta bỏ ra hàng trăm tỷ để cải cách giáo dục, thi cử, sách giáo khoa…, giáo viên thì đua nhau dạy thêm, nhưng môn bơi lội lại chẳng được ai đoái hoài.
Phụ huynh muốn con em biết bơi phải tự bỏ tiền túi ra để thuê người tới dạy hoặc cho học thêm bên ngoài.
Nhà trường không quan tâm đã đành, nhưng đến chính các bậc phụ huynh cũng thiếu nhận thức trong vấn đề dạy bơi cho trẻ. Hiện nay, mới chỉ có số ít phụ huynh ở thành phố có đủ khả năng cho con đi học bơi và đa số mọi người xem nó như môn học xa xỉ, không cần thiết. Còn ở nông thôn, trẻ thường tự học bơi với nhau mà không có sự hướng dẫn, kèm cặp của người lớn. Địa điểm học bơi là sông hồ, vô cùng nguy hiểm. Phụ huynh có thể bỏ hàng triệu tiền học thêm mỗi tháng cho các môn văn hóa, nhưng lại ngại chi hơn trăm ngàn học bơi cho con em mình. Bởi vậy, vấn đề ở đây không thuộc về kinh tế mà nằm ở ý thức, nhận thức.
Chỉ đến khi tai nạn thương tâm xảy đến, mọi người mới bàng hoàng, nhưng chẳng biết đổ lỗi cho ai. Trẻ con nhỏ dại không thể có lỗi, lỗi là ở người lớn đã không biết cách giáo dục con em mình, để chúng nhận thức được nguy hiểm từ việc tắm ở ao hồ.
Điển hình như trong vụ 9 học sinh đuối nước ở sông Trà Khúc (Quảng Ngãi), đã có bạn nhắc nhở, nhưng các em không nghe mà vẫn tiếp tục chơi đùa. Lỗi này không phải ở các em thiếu ý thức, mà do cha mẹ, nhà trường đã không hướng dẫn cho các em biết những nơi nguy hiểm cho bản thân, chỉ chăm chăm vào những kiến thức văn hóa “mọt sách”. Để đến lúc sự đã rồi.
Những chuyển biến tích cực
Tuy nhiên, đang dần có những chuyển biến tích cực trong hệ thống giáo dục của ta.
Tại quận Thanh Xuân, năm 2016 này bắt đầu thực hiện Đề án Phát triển giáo dục và Đào tạo giai đoạn 2016-2020; trong đó có yêu cầu học sinh Tiểu học khi ra trường phải có chứng chỉ biết bơi. Để thực hiện Đề án, ngành Giáo dục và Đào tạo quận Thanh Xuân yêu cầu các trường Tiểu học trên địa bàn rà soát số học sinh lớp 4, lớp 5 chưa biết bơi, xây dựng phương án tổ chức dạy bơi phù hợp; phấn đấu học sinh lớp 5 hoàn thành việc học bơi trước ngày 31/5/2016.
Dù những dự án như vậy vẫn hiếm như cát trên sa mạc và đa số các địa phương vẫn chưa đủ kinh phí xây dựng, nhưng chúng ta vẫn có thể hi vọng vào tương lai tốt đẹp hơn cho con em chúng ta.
Bởi vậy, xin đề nghị các cấp chính quyền và nhân dân cùng chung tay đẩy lùi nạn đuối nước ở trẻ nhỏ bằng các biện pháp tích cực để cuộc sống của trẻ thơ lành mạnh hơn, để bớt đi những nỗi đau ai oán như vừa qua.
Đức Long
Theo Vietnamnet