Câu chuyện được chia sẻ gần đây trên một diễn đàn về khách sạn của một nhân viên dọn phòng (housekeeper) đang làm việc cho một khách sạn 4 sao tại Singapore đang thu hút được sự quan tâm lớn của cộng đồng mạng.
Câu chuyện là tâm sự của một nhân viên buồng phòng dưới lăng kính nghề nghiệp về văn hóa ở khách sạn của người Việt Nam đã nhận được rất nhiều những ý kiến tranh luận trái chiều.
Trong bài viết, tác giả đã thẳng thắn chỉ ra những thói quen của người Việt khi ở khách sạn như bày bừa phòng, xả rác lung tung mặc dù có thùng rác.
Tác giả còn không ngần ngại khi nói rằng, dọn dẹp phòng cho khách Việt Nam là điều là họ cảm thấy ngán ngẩm đồng thời, kêu gọi khách Việt "Hãy thương lấy những người dọn phòng khách sạn":
"Tôi hiện đang làm dọn phòng khách sạn 4 sao ở Singapore. Sau thời gian dài làm việc, tôi thấy người Việt Nam mình trong con mắt của những người dọn phòng khách sạn là "vô cùng bê bối".
Khi biết khách ở là người Việt Nam, những người dọn phòng đều lắc đầu ngán ngẩm nếu giao họ dọn phòng đó vì vừa dơ, vừa không có tiền típ.
Họ thích dọn phòng cho người Nhật nhất. Vì họ ở rất ngăn nắp và sạch sẽ. Lại típ cho phục vụ phòng mỗi ngày. Họ ngán nhất là người Ấn Độ, Indonesia, và Việt Nam.
Tôi muốn gửi đến một thông điệp: "Hãy thương lấy nhân viên dọn phòng khách sạn một chút".
Hy vọng khi đã hiểu được nỗi khổ của nhân viên buồng phòng, khi đến ở khách sạn, chúng ta hãy cư xử thật văn minh để công việc của họ đỡ vất vả hơn.
Làm ơn đừng:
1. Xả rác đầy phòng trong khi đã có thùng rác.
2. Nếu có ăn mì ly, làm ơn cứ để ly trên bàn hoặc để ly đứng trong thùng rác. Đừng quăng vào thùng rác một cách cẩu thả làm đổ nước mì ra. Vì như thế người dọn phòng phải đem thùng rác đi rửa, rất mất vệ sinh lại tốn thời gian.
3. Nếu có bấm nút "Do not disturb" (Xin đừng làm phiền), thì ra khỏi phòng xin nhớ tắt. Vì người dọn phòng không thể dọn phòng bạn nếu đèn "Do not disturb" sáng. Đồng nghĩa với việc họ mất một phòng. Lương của họ tính theo phòng.
Cuối cùng, xin hãy để lại ít nhất 2 đô la cho phục vụ phòng. Điều đó làm họ thấy hứng khởi làm việc và biết ơn.
Tôi xin chia sẻ một chút về công việc dọn phòng để các bạn hiểu và thông cảm. Chúng tôi được giao mỗi người một ngày dọn 17 phòng trong 8 tiếng.
Khi khách trả phòng phải thay toàn bộ ga giường và chăn mền. Nếu ngày nào có trên 10 phòng trả thì chúng tôi sẽ phải làm quá giờ nhưng vẫn không được tính thêm tiền.
Công việc này không phải ai cũng làm nổi. Nó nặng nhọc và áp lực. Nếu ai không cố gắng thì sẽ bỏ trong thời gian học việc.
Khi khách có típ thì tất nhiên chúng tôi sẽ chăm sóc chu đáo hơn (như để nhiều nước, cà phê hơn quy định, thay áo gối mỗi ngày, thay ga giường thường xuyên hơn...)
Tôi thích phong cách của người Nhật. Họ ngăn nắp, lịch sự, ấm áp và luôn tôn trọng người khác. Có những người khách típ tiền kèm thêm một thỏi sô cô la hoặc vài viên kẹo, không quên viết chữ "Thank you" cho chúng tôi".
Công việc thầm lặng của nhân viên buồng phòng khách sạn có những nỗi khổ nghề nghiệp mà không phải ai cũng hiểu. (Ảnh minh họa)
Quả thật, để đem đến hình ảnh sạch sẽ, thơm tho, ngăn nắp cho những căn phòng khách sạn là quá trình lao động miệt mài của những nhân viên buồng phòng.
Tác giả bài viết còn chia sẻ kỉ niệm đáng nhớ về cách cư xử khác biệt giữa du khách nước ngoài và khách Việt:
"Có lần tôi rất cảm động khi có vị khách đặt chiếc hamburger trên tờ 5 đô la. Kế bên là dòng chữ "Thank you for leaning my room". Tôi cảm nhận được sự quan tâm và tôn trọng. Tôi chưa thấy khách người Việt Nam nào xử sự như thế.
Tôi thấy họ có vẻ xem thường công việc của chúng tôi. Khi tôi chào, họ không đáp lại. Khác hẳn với người Nhật. Họ luôn chào lại với nụ cười rất thân thiện.
Với thời gian làm việc 2 năm, tôi chưa gặp được một người khách Việt Nam ngăn nắp, lịch sự và típ cho phục vụ phòng".
Câu chuyện kể trên không chỉ là chia sẻ về những buồn vui trong nghề khách sạn mà còn chứa đằng sau nhiều điều đáng để chúng ta suy ngẫm. Và một lần nữa, văn hóa công cộng của người Việt và người Nhật được đặt lên bàn cân so sánh với nhau.
Cách tốt nhất để cảm thông với một người chính là đặt mình vào hoàn cảnh của chính người đó, mà trong trường hợp này chính là bộ phận Housekeeping của khách sạn.
Facebook Tran Thu Thuy bày tỏ sự thông cảm với những nhân viên phục vụ phòng, chị chia sẻ: "Gia đình mình, chuẩn bị check out là mình nhắc con vệ sinh sơ qua một lượt như dọn khăn lau gọn vào nơi treo khăn, nếu dưới sàn có rác (là vỏ trái cây, hộp sữa...) thì đem bỏ vào thùng rác...
Cuối cùng là viết vài lời cảm ơn cùng tiền tip".
Ảnh: Tran Thu Thuy.
Tuy nhiên, bên cạnh sự đồng tình, thông cảm, bài viết này cũng nhận không ít phản hồi trái chiều, tỏ ý không đồng tình.
Đó là việc không thể lấy một bộ phận để đánh giá cả một tập thể một cách phiến diện.
Người dùng Nguyễn Thị Hoa bày tỏ: "Chỉ vì mấy đồng tiền tip mà vơ đũa cả nắm, nói người Việt Nam mình thế này thế kia là không đúng.
Tôi đồng ý là phải có ý thức ở bất kỳ chỗ nào, nhưng như bài viết này nói là có tip thì đặt nhiều nước, nhiều cafe, thay ga đầy đủ... tôi thấy có gì đó không ổn.
"Xin hãy để lại ít nhất 2 đô la cho phục vụ phòng". Tự đặt ra luật có lợi cho bản thân thì không được. Tiền tip để thể hiện sự hài lòng về chất lượng dịch vụ mà khách hàng nhận được.
Trách nhiệm của người cung cấp dịch vụ là làm thật tốt công việc của mình. Còn khách hàng lịch sự sẽ tip, nhưng người không tip thì vẫn nên đối xử tốt với khách, đó là trách nhiệm của người cung cấp dịch vụ. Không nên phân biệt đối xử, làm thế chỉ chứng tỏ bạn không chuyên nghiệp".
Hãy học cách cư xử một cách văn minh hơn để hình ảnh của người dân Việt Nam ngày càng đẹp và hoàn mĩ trong mắt bạn bè quốc tế! (Ảnh minh họa)
Như vậy, nhiều người đọc đều đồng ý với việc cần giữ gìn vệ sinh, cư xử văn minh, lịch sự khi sử dụng khách sạn.
Nhưng với "lời khuyên" nên tip cho nhân viên, đa số đều phản đối. Bởi lẽ, khách hàng đã phải bỏ ra 5% phí cho việc sử dụng dịch vụ. Và khoản tiền đó sẽ được chia lại cho tất cả nhân viên theo từng tháng, quý, năm tùy cơ sở.
Do đó, khách hàng sẽ chỉ tip khi họ thật sự hài lòng, chứ không phải "tip" là việc hiển nhiên cần làm.
Cuối cùng, mỗi quốc gia chịu ảnh hưởng của một nền văn hóa khác nhau, nên trải nghiệm dịch vụ của người dân ở mỗi quốc gia sẽ khác nhau, nhưng mỗi người chúng ta hãy học cách cư xử một cách văn minh hơn để hình ảnh của người dân Việt Nam ngày càng đẹp và hoàn mĩ trong mắt bạn bè quốc tế!
Theo Trí Thức Trẻ