Mới đây, dư luận bàn cãi khá nhiều về thông tin UBND xã Pà Cò (huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình) ra văn bản ngày 18/12 nêu: “Kể từ Tết Nguyên Đán Kỷ Hợi năm 2019 trở đi, tết cổ truyền của đồng bào dân tộc Mông của 4 xã chuyển sang ăn tết Nguyên đán của cả nước (không tổ chức ăn tết trước Tết Nguyên đán một tháng như trước đây)”.
Nội dung văn bản này dựa trên kết quả hội nghị tổng kết quy ước 4 xã giáp ranh, bao gồm: Lóng Luông, Vân Hồ của huyện Vân Hồ (Sơn La) và Pà Cò, Hang Kia của huyện Mai Châu (Hòa Bình), tổ chức vào ngày 7/12 tại Lóng Luông.
Nhà nghiên cứu văn hoá Bùi Trọng Hiền cho rằng, Tết của người Mông là một di sản văn hóa của một trong 54 dân tộc Việt Nam. Mỗi cộng đồng tộc người có những giá trị văn hóa riêng và chúng ta phải tôn trọng.
Tết của người dân tộc Mông có truyền thống từ khá lâu đời và có rất nhiều nét sinh hoạt văn hoá độc đáo. Ảnh: TL.
“Trong chuyện gộp tết này, nên có một ứng xử hợp lý hợp tình đối với văn hóa, với chủ thể văn hóa đó. Có ý kiến cho rằng, chuyện gộp tết người Mông vào tết Nguyên đán nói nhỏ sẽ nhỏ, vì mang tính địa phương nhưng nói lớn sẽ lớn, vì nó liên quan tới nhiều vấn đề về kết nối và bảo tồn các giá trị văn hóa tộc người mà câu chuyện của dân tộc Mông là một ví dụ”, nhà nghiên cứu này bày tỏ.
Liên quan đến sự việc này, ông Vũ Việt Dũng - Cục phó Cục Văn hoá Cơ sở, Bộ VHTT&DL cho biết, Cục Văn hoá Cơ sở nhận được văn bản chính thức nào về đề xuất gộp Tết Mông vào Tết Nguyên Đán. Tuy nhiên, theo thông tin Cục này nắm được thì có 4 xã gồm: Lóng Luông, Vân Hồ của huyện Vân Hồ (Sơn La) và Pà Cò, Hang Kia của huyện Mai Châu (Hòa Bình) đã tổ chức hội nghị nhân dân 4 xã và đi đến thống nhất ăn Tết theo lịch của cả nước.
“Theo lịch ăn Tết của người Mông thì do bị lệch và kéo dài nên sau hội nghị 4 xã đã có văn bản gửi tỉnh về việc chỉ đạo đồng bào người Mông ăn Tết theo lịch Tết Nguyên Đán. Tuy nhiên, hiện Cục chưa nhận được văn bản chính thức.
Về quan điểm thì ủng hộ theo nguyện vọng của nhân dân trên địa bàn. Riêng tập quán, phong tục của các dân tộc thì cơ quan quản lý nhà nước không can thiệp và làm mất đi giá trị truyền thống của đồng bào”, ông Vũ Việt Dũng nhấn mạnh.
Theo ông Vũ Việt Dũng, chuyện này cũng giống như việc dân tộc Kinh vừa đón chào năm mới theo dương lịch nhưng cũng vẫn đón chào Tết Nguyên Đán theo lịch âm. Người dân tộc thiểu số nói chung, người Mông nói riêng muốn hoà nhịp với nét sinh hoạt văn hoá của cả 54 dân tộc nên cùng hướng ăn Tết Nguyên Đán.
“Về việc này, do sự thống nhất của người dân chứ không thể nói cơ quan quản lý nhà nước can thiệp. Trước thông tin báo chí nêu, Cục Văn hoá Cơ sở cũng sẽ đi nắm bắt tình hình sớm nhất”, ông Dũng nói thêm.
Theo Dân Trí