Một số gia đình dẫn cả con cái đi xem phim này, thậm chí có khán giả chưa đủ 18 tuổi nhưng vẫn vô tư vào xem. Vì nhân viên bán vé cũng như soát vé không đòi xuất trình căn cước.

Ngay sau đó, xuất hiện clip công an vào tận phòng chiếu của một cụm rạp tại TP.HCM để kiểm tra độ tuổi khán giả đang xem Mai. Việc này làm gián đoạn buổi chiếu 30 phút nhưng cũng không tìm ra khán giả dưới 18. Được biết, nếu tìm ra, rạp chiếu sẽ bị phạt chứ chưa có chế tài đối với khán giả.

Vụ việc này gây tranh cãi. Đại diện rạp phim cho hay, việc công an đi kiểm tra như vậy là bình thường. Tuy nhiên lại có người cho rằng, công an nên kiểm tra trước hoặc sau giờ chiếu sẽ hợp lý hơn, đỡ gây căng thẳng và làm phiền khán giả.

Dù sao thì hình ảnh ghi lại sự xuất hiện của sắc phục cảnh sát giữa lúc xem phim cũng có tác dụng cảnh báo với những rạp phim còn lơ là trong việc giám sát độ tuổi khán giả. Những em nhỏ tò mò hoặc những gia đình dễ tính cũng phải xem lại hành động vi phạm của mình. Thanh tra Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM báo cáo Thanh tra Bộ VHTTDL về việc kiểm tra rạp phim, đã xử lý hai cụm rạp vi phạm.

Bên cạnh những lo ngại về việc buông lỏng kiểm soát để lọt lưới những khán giả chưa đủ tuổi xem phim 18+ sẽ làm ảnh hưởng đến tâm sinh lý và sự phát triển của các em, cũng có những ý kiến thực tế hơn. Nhiều người cho rằng, lứa tuổi vị thành niên ngày nay phát triển rất nhanh, đâm ra các quy định về độ tuổi khán giả cũng bị “lỗi thời”.

Các phim dán nhãn 18+ ngoài rạp có nội dung còn khá nhẹ nhàng so với những thứ mà các bạn trẻ tiếp cận hằng ngày trên mạng. Cho nên, một bộ phim được ra rạp nghĩa là đã được dành cho số đông rồi, cho dù có gắn mác 18+ hay không đi nữa”, chuyên gia Nguyễn Ngọc Long nói.

Ngoài ra, việc bắt rạp phim phải kiểm tra căn cước từng khán giả trước khi mua vé hay vào phòng chiếu tuy đúng nguyên tắc nhưng bất khả thi. Đơn giản vì không thể làm xuể và không thể để phần lớn khán giả đủ tuổi bị ảnh hưởng bởi số rất ít những người vi phạm. Cho nên, cuối cùng vẫn phải trông chờ vào tinh thần tự giác của khán giả. Và thỉnh thoảng công an kiểm tra đột xuất cũng không thừa. Dĩ nhiên, cách kiểm tra vẫn cần phù hợp với không gian công cộng có tính văn hóa như rạp phim.

Ngoài ra, cũng có ý kiến về việc Đào, phở và piano ít ra cũng nên dán nhãn 16+ thay vì 13+ như hiện nay. Một trong những quy định dành cho phim 13+ là “Có thể có các hình ảnh khỏa thân nửa người từ phía sau, được miêu tả ở mức độ nhẹ, không chi tiết, không có thời lượng kéo dài, không diễn ra thường xuyên và không liên quan đến hoạt động tình dục”. Trong phim đúng là có cảnh nữ chính khỏa thân từ phía sau trong khi tiến lại cởi áo nam chính và sau đó có những cảnh "liên quan đến hoạt động tình dục”…

Theo Tiền Phong