Theo Bộ Y tế cho biết, nữ bệnh nhân N. T. Y 55 tuổi, là lao động tự do, địa chỉ ở thôn Ái Vân, xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc.
Bệnh nhân Y là hàng xóm của ca bệnh N. T. D là ca bệnh đã được xác định dương tính với virus corona trước đó (người này đi cùng chuyến bay với 7 người khác trên chuyến bay từ Vũ Hán về). Cũng liên quan đến ca bệnh này thì mẹ, em gái và một người dì của bệnh nhân này cũng đã xác định dương tính với virus corona mới.
Ngày 28/1, bệnh nhân Y đến nhà ca bệnh N. T. D đến chơi chúc Tết, có ngồi tại nhà bệnh nhân D khoảng một tiếng đồng hồ rồi về. Bệnh nhân Y nằm trong danh sách người tiếp xúc gần đang được Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Vĩnh Phúc giám sát chặt chẽ.
Qua theo dõi, giám sát người tiếp xúc gần, ngày 04/02, bệnh nhân xuất hiện triệu chứng sốt, đau đầu, chảy mũi. Bệnh nhân được đưa vào cách ly, khám và điều trị tại Phòng khám đa khoa khu vực Quang Hà, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Vĩnh Phúc đã lấy mẫu bệnh phẩm gửi Viện Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương xét nghiệm.
Hiện tại, bệnh nhân N. T. Y đang được cách ly tại Phòng khám đa khoa khu vực Quang Hà,huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc và trong tình trạng ổn định.
Như vậy tính đến thời điểm này, Việt Nam đã có 14 người bị bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút corona, riêng tỉnh Vĩnh Phúc có 9 trường hợp. Tổng số mẫu xét nghiệm là 759 người, trong đó 745 ca âm tính, 14 ca dương tính.
Tại các địa bàn phát hiện các ca bệnh, chính quyền địa phương và tiến hành theo dõi, giám sát chặt chẽ những người có tiếp xúc gần với những bệnh nhân này. Một số người nghi mắc bệnh tiến hành cách ly, lấy mẫu xét nghiệm.
Dấu hiệu nhận biết viêm phổi cấp do chủng coronavirus mới gần giống với triệu chứng của cảm lạnh. Corona virus thường gây bệnh có các triệu chứng như: sốt, đau họng, sổ mũi, nhức đầu, rét run, tức ngực, ho, khó thở… Khi virus này gây bệnh nặng thì tùy cơ quan bị tổn thương mà nó có biểu hiện khác. Đến nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và văcxin phòng bệnh. Việc điều trị vẫn dựa trên phòng bệnh và phát hiện điều trị triệu chứng và biến chứng. Các phương pháp điều trị chỉ mang tính hỗ trợ. Các biện pháp hỗ trợ bao gồm hỗ trợ hô hấp như thở oxy, thở máy, ECMO giúp giữ bệnh nhân sống sót cho đến khi bệnh tự hồi phục, bác sĩ Cấp cho biết. Dự phòng lây truyền coronavirus bằng các biện pháp dự phòng chuẩn như dùng khẩu trang khi tiếp xúc gần, rửa tay, giám sát các đối tượng trở về từ vùng dịch tễ và cách ly bệnh nhân. Bộ Y tế khuyến cáo những trường hợp nghi ngờ là nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính với các biểu hiện sốt, ho, có thể khó thở và có một trong các yếu tố dịch tễ sau: - Có tiền sử đến/ở/về từ vùng có dịch trong vòng 14 ngày trước khi khởi phát bệnh - Hoặc tiếp xúc gần (trong vòng 2 mét) với trường hợp mắc hoặc nghi ngờ mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV. Những trường hợp trên cần đi khám ngay để được chẩn đoán chính xác, cách ly, điều trị kịp thời. Ngoài ra, những người tiếp xúc trực tiếp với vật nuôi bị bệnh, động vật hoang dã ở các vùng dịch tễ trong vòng 14 ngày cũng cần cảnh giác. |
MT (Tổng hợp)
Theo Vietnamnet