Chiều nay (16/5), phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ Việt Á bước sang phần tranh luận. Đại diện VKS trình bày quan điểm, theo đó đề nghị bác kháng cáo của 11 bị cáo, đề nghị giữ nguyên mức án sơ thẩm.

Đối với kháng cáo xin giảm nhẹ tội của cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, đại diện VKS cho rằng, dù ông Long đã xuất trình biên lai nộp khắc phục hậu quả thêm 1 tỷ đồng, nhưng số tiền bị cáo nhận hối lộ là rất lớn, hành vi phạm tội của bị cáo gây hậu quả nghiêm trọng.

Hơn nữa, các tình tiết giảm nhẹ tội cho bị cáo như gia đình có công với cách mạng, bị cáo có thành tích trong công tác… đã được tòa án cấp sơ thẩm xem xét để đưa ra mức án 18 năm tù về tội Nhận hối lộ là hợp lý.

Vì vậy, theo đại diện VKS, không có căn cứ để chấp nhận kháng cáo của ông Nguyễn Thanh Long.

Nộp thêm 1 tỷ đồng, ông Nguyễn Thanh Long vẫn bị đề nghị bác kháng cáo-1
Ông Nguyễn Thanh Long. Ảnh: Chí Hiếu

Tương tự, đại diện VKS cũng đề nghị HĐXX cấp phúc thẩm bác kháng cáo của các bị cáo còn lại gồm: Phan Quốc Việt (Chủ tịch Việt Á), Trịnh Thanh Hùng (cựu Phó Vụ trưởng Vụ KH&CN các ngành kinh tế - kỹ thuật, Bộ KH&CN), Phạm Duy Tuyến (cựu Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hải Dương), Nguyễn Trường Giang (cựu Tổng Giám đốc Công ty VNDAT), Nguyễn Nam Liên (cựu Vụ trưởng Vụ kế hoạch tài chính, Bộ Y tế), Ngụy Thị Hậu (cựu Phó trưởng Phòng Tài chính kế toán Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Giang), Vũ Đình Hiệp (Phó Tổng Giám đốc Công ty Việt Á), Lê Thị Hồng Xuyên (cựu nhân viên xét nghiệm CDC Bình Dương), Trần Thanh Phong (cựu Phó Trưởng phòng Tài chính kế toán Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Dương) và Trần Thị Hồng (cựu nhân viên Công ty Việt Á).

Đối với các bị cáo phạm tội Nhận hối lộ, đại diện VKS cho rằng, hành vi của các bị cáo này đều gây hậu quả nghiêm trọng, nhận hối lộ số tiền lớn, mức án mà tòa án cấp sơ thẩm đưa ra là phù hợp.

Kháng cáo xin giảm nhẹ tội của Chủ tịch Việt Á Phan Quốc Việt cũng bị đại diện VKS đề nghị bác. Theo quan điểm của đại diện VKS, ông Phan Quốc Việt dù đã nộp thêm 200 triệu khắc phục hậu quả, nhưng số tiền này không đáng kể so với thiệt hại mà bị cáo gây ra.

Mức án 29 năm tù về tội “Đưa hối lộ” và “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” mà TAND TP Hà Nội áp dụng với bị cáo Phan Quốc Việt là phù hợp, không có căn cứ để chấp nhận kháng cáo của bị cáo.

Đối với kháng cáo của bị cáo Vũ Đình Hiệp, đại diện VKS cho rằng, bị cáo này đóng vai trò thứ hai, là người giúp sức tích cực cho bị cáo Phan Quốc Việt, bị cáo không xuất trình được tình tiết giảm nhẹ mới, bản án sơ thẩm đã đưa ra mức án phù hợp dành cho ông Hiệp nên không có cơ sở giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo.

Kháng cáo của mẹ và vợ của bị cáo Phan Quốc Việt cũng bị đại diện VKS đề nghị HĐXX cấp phúc thẩm không chấp nhận. Riêng kháng cáo của vợ bị cáo Trịnh Thanh Hùng (đề nghị Tòa cho giải tỏa kê biên các tài sản vì ông Hùng đã khắc phục xong 100% hậu quả) được đại diện VKS đề nghị HĐXX cấp phúc thẩm chấp nhận.

Quan điểm của đại diện VKS cho rằng, các bị cáo trong vụ án này đã thực hiện chuỗi hành vi sai phạm nhằm thu lợi bất chính số tiền đặc biệt lớn. Bị cáo Phan Quốc Việt đã biến kit xét nghiệm từ sản phẩm của nhà nước thành sản phẩm của Việt Á.

Bị cáo này còn thực hiện hành vi ăn chia, đưa hối lộ cho các cá nhân có thẩm quyền để giúp tạo điều kiện cho doanh nghiệp. 

Theo chỉ đạo của bị cáo Việt, Phó tổng giám đốc Việt Á Vũ Đình Hiệp còn đưa hối lộ cho lãnh đạo CDC các tỉnh.

Bị cáo Nguyễn Thanh Long đã lợi dụng chức vụ để tạo điều kiện cho Việt Á. Ngoài ra, thông qua thư ký của mình, bị cáo Long đã nhận hối lộ 2,25 triệu USD từ Phan Quốc Việt.

VKS nhận thấy, bản án sơ thẩm của TAND TP Hà Nội đã áp dụng đầy đủ các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, xử phạt đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. 

Theo VietNamnet