Văn phòng Hội Nghệ sĩ Múa TP.HCM báo tin với VietNamNet, NSND Đặng Hùng qua đời lúc 5h30' ngày 8/5, hưởng thọ 87 tuổi. Tang lễ của ông được tổ chức tại nhà riêng (Bình Thạnh, TP.HCM) vào 15h ngày 8/5.

Lễ động quan diễn ra lúc 7h ngày 11/5, sau đó đưa đi hỏa táng tại Nghĩa trang Phúc An Viên (Quận 9, TP.HCM). Gia đình xin miễn chấp điếu và lễ vật. 

NSND Đặng Hùng qua đời-1
NSND Đặng Hùng.

NSND Đặng Hùng sinh năm 1935 ở Bình Định - mảnh đất đậm đà văn hóa Chăm, nghệ thuật tuồng, bài chòi, dân ca... nên "máu" văn nghệ ngấm vào ông từ nhỏ. Năm 1954, ông bắt đầu hoạt động nghệ thuật, sau năm 1975 công tác tại Đoàn Ca múa Thuận Hải. Từ đó, ông dấn thân vào đam mê, khám phá nghệ thuật với vai trò diễn viên múa và biên đạo múa.

Theo thời gian, Đặng Hùng ngày càng ghi dấu trong làng múa Việt Nam. Ông hiện sáng tác gần 300 tác phẩm múa và 4 tác phẩm thuộc thể loại kịch khác nhau: Múa đơn; Múa đôi; Múa tập thể, kịch múa…

Ông nhẫn nại tìm tòi, sáng tạo dựa trên chất liệu các điệu múa dân gian dân tộc như: Raglai, Cơ Ho, Khmer và Chăm. NSND dành hơn 10 năm để đi vào các làng Chăm ở Ninh Thuận, Bình Thuận “đãi cát tìm vàng” trên vùng đất chứa đựng nhiều kho tàng văn hóa này.

Kết quả của quá trình dày công tìm hiểu, sáng tạo của Đặng Hùng là loạt tác phẩm gây ấn tượng mạnh như Múa khát vọng, Múa quạt Chăm, Múa chiếc khăn Ma-aom… giúp ông trở thành NSND. 


Tác phẩm múa "Chiếc Khăn Ma-aom"

Ngoài lĩnh vực múa, NSND Đặng Hùng còn là tổng đạo diễn nhiều chương trình lễ hội quy mô lớn. Ông đoạt nhiều giải thưởng lớn trong nước và quốc tế như 2 HCV quốc tế, 41 HCV quốc gia, 32 HCB quốc gia và 21 Giải thưởng của Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam trong hơn 50 năm cống hiến. 

Đặng Hùng nói, do lòng say mê nghệ thuật, mê những điệu múa Chăm ở Bình Định mà ông cứ thế học tập, nghiên cứu. Càng đào sâu, ông càng thấy văn hóa Chăm là di sản tinh thần vô giá cần được khai thác thận trọng, nghiêm túc. Có thể nói, NSND Đặng Hùng là người có công lớn giúp nghệ thuật múa Chăm được biết nhiều ngày nay.

Theo VietNamNet