- Đến thời điểm hiện tại, "Bão Ngầm" đã đi được một nửa chặng đường, NSND Nguyễn Hải nhận phản hồi thế nào về phim và vai diễn?

Có thể khẳng định, đây là bộ phim quay hình ảnh đẹp, đội ngũ diễn viên xịn, có tên tuổi cả trong Nam ngoài Bắc, tất nhiên mỗi diễn viên có nhược điểm riêng, ngay cả tôi cũng thế bởi ngọc còn có vết xước mà.

NSND Nguyễn Hải: Tôi nhận được lời mời đào tạo gái ngành 300 triệu/tháng-1
NSND Nguyễn Hải

Vẫn là dạng vai phản diện lần này tưởng không mới nhưng lại rất mới, rất khác bởi kẻ phản diện khoác áo công an – một công an biến chất. Với tôi - một Đại tá công an về hưu thì diễn về công an chính là diễn về mình, về bạn mình, thủ trưởng mình, đồng đội mình nên đòi hỏi những suy tư, day dứt lắm. 

Diễn vai Như Tuất, tôi trằn trọc suy nghĩ để Tuất trở thành con người tham tiền, tham quyền, tham nhiều thứ,... Về vai diễn, bất kỳ vai diễn nào cũng có khen - chê. Và chính tôi cũng không hài lòng về vai diễn trong phim.

Lý do là sau khi đi làm phim ở Mỹ về tôi có mổ thanh quản, động chạm đến polyp thanh quản nên quá trình thu tiếng vì thiết bị đặc biệt. Trong quá trình thu tôi hỏi có ổn không thì bảo tốt nhưng dựng lên phim có những lúc tiếng bị bay. Về cơ bản tôi chưa bao giờ hài lòng với vai diễn của mình dù được nhiều người công nhận. Vì tôi nghĩ bản thân còn nhiều sạn, nhìn đó để rút kinh nghiệm sau tốt hơn.

- Như anh đã chia sẻ, diễn viên không ai hoàn chỉnh, càng là diễn viên trẻ càng bị "soi", bị khen - chê. Còn cá nhân ông nhận xét thế nào về các diễn viên như Hà Việt Dũng, Cao Thái Hà,… trong phim này?

Tôi cho rằng dàn diễn viên này đã được đạo diễn chọn khá chuẩn. Nhưng cũng không phủ nhận, "Bão ngầm" là phim cảnh sát hình sự nên tác phong công an, điều lệnh, nghiệp vụ khiến các diễn viên trẻ mất thời gian học hỏi và tất nhiên không đòi hỏi cao, hay quá chuẩn ở họ được. Vì các bạn ấy không được đào tạo chuyên nghiệp.

Cơ bản, Hà Việt Dũng người mẫu thời trang, Cao Thái Hà cũng còn khá trẻ, nên sự cố gắng của các bạn ấy đến hiện tại là đáng biểu dương. Còn nghệ thuật, dù có là diễn viên gạo cội cũng có thể "vấp" như thường. Tôi nghĩ càng là các bạn diễn viên trẻ thì cần phải được nâng đỡ, giúp được gì thì nên giúp. Chứ không nên thấy người ta sai mà cười, biết đâu mình sai mà mình không nhận ra. Có như thế diễn viên trẻ mới tự tin, không ngại làm mới chính mình, làm mới vai diễn để tự tin tiếp bước thế hệ trước.

- Tạm rời màn ảnh, nói một chút về cuộc sống của anh sau khi về hưu, liệu có thay đổi thế nào?

Tôi vẫn luôn say mê nghề diễn, nên ngoài diễn xuất, ai nhờ viết kịch bản, dàn dựng tôi đều nhận. Đặc biệt, tôi còn tham gia đoàn Luật sư Hà Nội, chủ yếu là làm miễn phí, giúp đỡ những người cần chứ không đòi hỏi gì. 

Ngoài ra, tôi cũng nhận quảng cáo sản phẩm uy tín, catse cũng tăng. Phải chia sẻ thật là từ sau "Quỳnh búp bê" đã có những nơi thuê tôi đào tạo "gái ngành", trả 300 triệu/tháng. Oái oăm lắm! Nghe xong đề nghị đó, tôi phải nói luôn là: Xin lỗi, tôi không biết gì đâu, vai diễn đó do tôi hư cấu đó. (Cười)

Tôi đi hát karaoke với gia đình, bạn bè rồi thấy gì thì học thôi, chứ sao đào tạo được gái ngành. Vai đó giờ bảo tôi diễn lại tôi cũng chịu vì tôi chỉ đến đó hát, đôi khi tôi gặp gỡ và chia sẻ với bảo vệ, quản lý nhà hàng rồi hư cấu thành nhân vật ông Cấn đấy chứ!

NSND Nguyễn Hải: Tôi nhận được lời mời đào tạo gái ngành 300 triệu/tháng-2
NSND Nguyễn Hải bên gia đình.

- Nhắc đến vai diễn ảnh hưởng đến đời thực, có lần NSND Trần Nhượng từng chia sẻ rằng vai diễn đào hoa lậm vào người nên chuyện tình cảm không suôn sẻ. Vậy anh nghĩ sao về những năm tháng làm nghề với chất vai đểu, phản diện của mình?

Mỗi người có cách tư duy và phản biện lại chính mình. Đối với NSND Trần Nhượng, đấy là cách nói về sự thăng trầm trong tình duyên của anh ấy. Nếu để giống như Trần Nhượng về sự đào hoa thì tôi không thể giống được, không thể tài bằng sếp tôi được. Nhưng còn nếu số phận của tôi thì tôi quyết chèo chống không thể để như thế được. Bởi tôi luôn có một nguyên tắc, gia đình là số 1, chất lượng cuộc sống thanh thản. Đó là câu tôi luôn chia sẻ với mọi người. Quan điểm của tôi gia đình còn không giữ được thì giữ cái gì?

Chất lượng cuộc sống, làm ra tiền bạc, không nâng tầm chất lượng cuộc sống gia đình: đi xem phim, cùng du lịch, cùng chia sẻ cái hay của cuộc sống,... năm bắt hơi thở của nhau trong nhịp sống của nhau. Chứ làm một bộ phim mà để tan cửa nát nhà thì để làm gì?

Còn nói thật, vợ nào chả ghen. Nếu đặt mình vào trường hợp ngược lại thì mình cũng ghen mà. Ghen là sự ích kỷ để bảo vệ hạnh phúc nhưng cái gì cũng có ngưỡng. Có lúc 2 bên phải nhường nhịn, người này lùi người kia. Yêu nhau là phải nâng tầm của nhau lên chứ không phải ấn đầu xuống. Ghen cũng vậy. Đập phá tình yêu dễ, duy trì mới khó. Nhiều đôi bỏ nhau duy trì tình bạn còn khó, thậm chí còn hận thù.

Tôi không so sánh quan niệm người này người kia nhưng nói thật để học như sếp tôi rất khó. Tôi không làm được. Để nói cuộc sống nhiều vợ tôi cũng không làm được. 

- Nói như thế nghĩa là bà xã cũng từng có lúc ghen vì những vai diễn của anh?

Có chứ. Nhưng tôi rất yêu cái ghen của vợ tôi. Tôi tự hào vì vợ tôi nhiều khi tôi phải chọc tức để vợ ghen để cảm thấy hình như cô ấy yêu mình thật. Và nếu thế thật thì phải tìm cách để bù đắp. Tôi đưa vợ đi du lịch, đi Châu âu. Tôi còn nợ vợ chuyến đi Mỹ, Nhật. Hứa là hết dịch sẽ đáp ứng. Đấy là sự bù đắp!

- Bà xã ghen với vai diễn nào mà anh phải bù đắp bằng chuyến du lịch Châu Âu vậy?

Ghen là một khái niệm mang tính hai mặt. Đôi khi là hệ luỵ của vai diễn nhưng lại là hương vị cuộc sống, khẳng định tình yêu vẫn tồn tại trong nhau. Có nhiều người yêu vai phản diện của tôi vì hình như giống người yêu cũ của họ, người tình của họ, bạn trai hoặc thậm chí là anh trai họ.

Họ có nói với tôi như thế, nói tôi khiến họ nhớ lại 1 ai đó,... đã từng bỏ họ ra đi. Tôi nói, đó là vì họ không giữ được tình yêu đó. Còn tôi, đi đâu hoặc uống say thường bảo vợ đến đón, lúc ấy tính ghen nổi lên. Ghen vì tôi không chịu giữ sức khoẻ, vì không tự giữ mình. Tôi cảm ơn vì những điều nhỏ nhặt đó và dặn mình không sa ngã.

- Nói như thế nghĩa là bà xã vẫn luôn đồng hành trong sự nghiệp của anh – ngay cả sau khi về hưu?

Vợ là bạn học cùng lớp nhưng cô ấy hi sinh cho tôi làm nghề. Vợ luôn đồng hành thậm chí góp ý kiến vì về mặt chuyên môn cô ấy giỏi hơn. Tôi ít khi gọi là vợ mà gọi là bạn, bạn đời, bạn đồng môn đã đem lại cho tôi điểm tựa, nuôi dạy con ăn học nên người, lo nội ngoại trăm bề.

Nhiều khi tôi cũng thấy tủi thân cho cô ấy, tôi vác xác đi lo đam mê, đáng mấy tiền đâu. Vợ là hậu phương vững chắc vì cô ấy còn có trung tâm giáo dục nên nhiều khi cô ấy còn hỏi ngược lại tôi: Anh có cần tiền không? Có lấy tiền đi công tác không?... Làm tôi rơi nước mắt.

Trách nhiệm của người đàn ông! Lúc mình đi công tác ở nhà mới vất vả. Thế nên bất cứ khi nào có thời gian, có cơ hội tôi đều cố gắng bù đắp cho bạn đời!

Theo VietNamNet