NSƯT Hồ Phong là cái tên quen thuộc với khán giả truyền hình qua hàng loạt vai diễn ấn tượng trong các bộ phim đình đám như Đất và người, Khi đàn chim trở về, Những ngọn nến trong đêm, Bí mật tam giác vàng, Hương vị tình thân, Đấu trí, Chúng ta của 8 năm sau... và gần đây nhất là Độc đạo, với vai Dương "cơ bắp" - một gã giang hồ hống hách, ngông nghênh, thích phô diễn sức mạnh. Khán giả nhớ đến Hồ Phong với hình ảnh những nhân vật phản diện gai góc, từ ông trùm quyền lực đến gã giang hồ ngang tàng.
Ngoài đời, NSƯT Hồ Phong khiến nhiều người bất ngờ khi là một chiến sĩ công an mang quân hàm Trung tá. Dù thường xuyên đảm nhận vai phản diện trên màn ảnh, Hồ Phong ngoài đời là người đàn ông của gia đình. Anh có cuộc sống hạnh phúc bên người vợ gắn bó hơn 20 năm và 4 người con.
Ở tuổi ngoài 50, Hồ Phong vẫn giữ được phong độ, sự đam mê với nghề và luôn trăn trở về việc tạo ra những vai diễn có chiều sâu, để lại dấu ấn trong lòng khán giả.
NSƯT Hồ Phong
“Khán giả ghét vai phản diện của tôi, đó là thành công lớn nhất”
PV: Nhiều năm nay, tên tuổi anh thường gắn với những vai giang hồ, trùm xã hội đen, và Dương “cơ bắp” của “Độc đạo” cũng không phải ngoại lệ. Khi nhận lời tiếp tục đóng một vai phản diện trên truyền hình, anh không sợ khán giả sẽ thấy mình nhàm chán?
NSƯT Hồ Phong: Thật ra, khi nhận vai Dương "cơ bắp", tôi đã có nhiều băn khoăn. Ngay từ tên gọi, nhân vật này đã gợi lên hình ảnh một người lực lưỡng, to con với cơ bắp cuồn cuộn. Nhưng thời điểm ấy, tôi vừa giảm cân để vào vai kiến trúc sư Khiêm trong “Chúng ta của 8 năm sau”. Vì vậy, khi được mời vào vai này, tôi đã trao đổi với tổ chức sản xuất, bày tỏ lo ngại về ngoại hình của mình. Họ khuyến khích tôi ăn uống để tăng cân nhưng tôi hiểu rằng, dù có luyện tập cật lực, thời gian ngắn vài tháng sẽ không đủ để tạo hình một cơ thể vạm vỡ.
Sau đó, tôi cũng trao đổi thêm với đạo diễn và định hình nhân vật của mình. Dương “cơ bắp" không nhất thiết phải là một người đầy cơ bắp theo nghĩa thông thường mà là một nhân vật hành động, thiên về sức mạnh và vũ lực hơn là mưu mô, khác biệt với những ông trùm khác trong phim.
Dù vậy, tôi vẫn gặp khó khăn vì trước đây đã từng đảm nhận một vai diễn có nét tương đồng – Tùng "sát thủ" trong “Bí mật tam giác vàng” (2010). Vai diễn này từng để lại ấn tượng mạnh mẽ trong lòng khán giả, và đến nay, nhiều người vẫn nhắc đến nhân vật ấy. Vì vậy, tôi rất sợ hai nhân vật sẽ bị trùng lặp về cách tạo hình, lối diễn xuất, nhất là khi cả hai đều liên quan đến buôn bán chất cấm.
Để khắc phục điều này, tôi cùng đạo diễn bàn bạc kỹ lưỡng, quyết định tạo một vết sẹo trên gương mặt nhân vật Dương "cơ bắp" nhằm tạo dấu ấn riêng. Đồng thời, tôi thay đổi cách diễn xuất: Bớt đi sự nhanh nhẹn của người trẻ tuổi, thay vào đó là sự sâu sắc, điềm tĩnh và tính toán của một nhân vật lớn tuổi.
Rất may, đến thời điểm hiện tại, tôi nhận thấy khán giả đã quen với hình ảnh Dương "cơ bắp", thậm chí nhiều người gọi tôi bằng tên nhân vật này thay vì Tùng "sát thủ" hay tên thật Hồ Phong. Điều đó khiến tôi cảm thấy nỗ lực của mình đã được đền đáp.
PV: Thường xuyên đóng các vai ông trùm hay phản diện, ít ai biết được rằng ngoài đời, anh công tác trong ngành công an, mang quân hàm Trung tá. Anh có thấy mâu thuẫn không?
NSƯT Hồ Phong: Khán giả bất ngờ khi biết tôi làm trong ngành công an là điều dễ hiểu, vì các vai diễn của tôi thường bụi bặm, gai góc, hoàn toàn trái ngược với hình ảnh chỉn chu của một chiến sĩ công an. Việc để râu phục vụ vai diễn, ít khi mặc quân phục ngoài đời và các quy định về hình ảnh công an càng khiến điều này trở nên tự nhiên.
Chiến sĩ công an, theo quy định mà ai cũng biết, luôn phải gọn gàng trong việc cạo râu, cắt tóc, và hình ảnh thường gắn liền với quân phục. Bản thân tôi, khi xuất hiện ngoài đời, rất ít khi mặc quân phục, bởi ngành cũng có quy định hạn chế việc đưa hình ảnh quân phục lên các phương tiện công khai. Tôi làm trong lĩnh vực nghệ thuật nên hình ảnh cá nhân có phần thoải mái hơn, việc khán giả không nhận ra cũng không có gì lạ.
Tôi công tác trong ngành công an nhưng hoạt động trong lĩnh vực văn hóa văn nghệ. Công việc hàng ngày của tôi là cùng các nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát Công an Nhân dàn dựng các vở diễn để phục vụ trước tiên cho cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng công an, sau đó là bà con nhân dân. Nhiệm vụ quan trọng của tôi và nhà hát là thực hiện nhiệm vụ chính trị, đưa hình ảnh người chiến sĩ công an nhân dân đến với khán giả một cách nhân văn, thể hiện tinh thần "vì nhân dân phục vụ".
Để làm rõ công việc của người chiến sĩ công an, đôi khi tôi phải đảm nhận các vai diễn phản diện, vào vai tội phạm. Bởi trong lực lượng công an, công tác đấu tranh phòng chống tội phạm là nhiệm vụ cốt lõi. Thông qua các vai phản diện này, khán giả có thể hiểu rõ hơn về công việc và sự hy sinh của các chiến sĩ công an trong cuộc chiến chống lại cái xấu, cái ác.
PV: Anh có bao giờ tự hỏi sao các đạo diễn cứ giao vai phản diện cho mình?
NSƯT Hồ Phong: Trên truyền hình, khán giả thường thấy tôi đảm nhận các vai phản diện nhưng thực tế, trong nhà hát và các dự án nghệ thuật khác, tôi đã thể hiện rất nhiều dạng vai khác nhau. Chẳng hạn, tôi từng vào vai Tể tướng Nguyễn Nghiễm, thân phụ của đại thi hào Nguyễn Du, hay các vai chính diện như Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng, Thứ trưởng, Chủ tịch tỉnh trong các vở kịch sân khấu. Những vai diễn này không chỉ giúp tôi hoàn thiện kỹ năng mà còn mang lại nhiều giải thưởng, góp phần giúp tôi được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú. Gần đây, tôi cũng đảm nhận một vai chính diện trong một dự án điện ảnh của Điện ảnh Quân đội, chứ không phải lúc nào cũng gắn bó với vai phản diện.
Tuy nhiên, trên truyền hình, đặc biệt là các dự án của VFC, tôi thường được mời vào những vai phản diện. Lý do tại sao lại như vậy, có lẽ các đạo diễn sẽ trả lời rõ hơn. Tôi nghĩ rằng khi VFC đã chọn một vai diễn và mời diễn viên tham gia thì thường 80-90% là đã phù hợp. 10% còn lại phụ thuộc vào khả năng của diễn viên, liệu họ có thể bộc lộ được hết cái chất của vai đó hay không.
Bản thân tôi nghĩ họ nhận thấy ở tôi những đặc điểm phù hợp với các nhân vật gai góc. Ánh mắt của tôi là một điểm nhấn. Bình thường, tôi có thể trông hiền lành nhưng khi vào vai phản diện, ánh mắt ấy thay đổi hoàn toàn, mang đến sự lạnh lùng, uy lực khiến khán giả ấn tượng. Cùng với giọng nói, vóc dáng và phong thái dù đã ngoài 50 nhưng vẫn giữ được phong độ, tôi nghĩ đó là lý do khiến các đạo diễn thường xuyên giao cho tôi những vai diễn như vậy.
PV: Nhiều khán giả quá ấn tượng với vai diễn của Hồ Phong nên mặc định anh ở ngoài cũng đáng sợ, đáng ghét như những nhân vật mình thể hiện. Anh có bao giờ gặp phiền phức bởi những bình luận khán giả nhầm lẫn giữa vai diễn của anh với đời thực?
NSƯT Hồ Phong: Khi tôi quay lại màn ảnh nhỏ cùng VFC sau nhiều năm vắng bóng, vai diễn ông Tấn trong “Hương vị tình thân” đã mang đến một cú sốc lớn.
Cú sốc này không chỉ đến từ bản thân tôi mà chủ yếu từ phản ứng dữ dội của khán giả. Nhiều bình luận tiêu cực cho rằng: “Diễn viên này đóng vai xấu xa như vậy, ngoài đời chắc cũng phải thế mới diễn đạt được”. Đọc những nhận xét ấy, tôi không chỉ buồn mà còn lo lắng cho gia đình, bởi nhà tôi có ba thế hệ cùng sử dụng mạng xã hội.
Các con tôi, khi đó còn đi học cấp 3 hoặc mới tốt nghiệp và đi làm, cũng chịu không ít ảnh hưởng từ những lời khiếm nhã. Bạn bè đôi khi trêu chọc: “Bố mày toàn đóng vai đểu!”. Những câu nói tưởng như đùa cợt này lại có thể khiến các con cảm thấy chạnh lòng, đặc biệt là con gái. Nếu con trai có thể dễ dàng cười xòa cho qua thì con gái lại nhạy cảm hơn, dễ tổn thương trước những lời lẽ như vậy.
Ban đầu, tôi thực sự sốc khi khán giả lẫn lộn giữa nhân vật và đời thực. Tôi tự hỏi: “Tại sao người xem lại suy diễn rằng diễn viên đóng vai phản diện ngoài đời cũng phải xấu xa như thế?”. Tôi từng chia sẻ rằng, nếu nhân cách tôi thực sự tệ hại, liệu tôi có thể an toàn hoạt động trong ngành và cộng tác lâu dài với VTV không? Để được làm việc với VFC hay các đơn vị uy tín, lý lịch và đạo đức nghề nghiệp của tôi chắc chắn phải được đảm bảo.
Sau này, với các vai diễn trong “Đấu trí”, “Chúng ta của 8 năm sau” và “Độc đạo”, tôi dần quen với phản ứng của khán giả. Không ít người bênh vực, cho rằng: “Một diễn viên đóng vai phản diện bị ghét tức là họ đã diễn quá thành công”. Những bình luận tiêu cực cũng nhờ thế mà giảm bớt.
Giờ đây, tôi hiểu rằng suy nghĩ của khán giả rất đa dạng. Những ý kiến ảnh hưởng đến gia đình, tôi sẽ chọn cách giải thích hoặc trao đổi khi cần thiết. Còn lại, tôi để mọi chuyện trôi qua, tập trung vào công việc và cống hiến.
NSƯT Hồ Phong và vợ
PV: Sau “Độc đạo”, nếu anh tiếp tục được mời đảm nhận vai phản hiện hay trùm xã hội đen, anh có sẵn sàng nhận lời?
NSƯT Hồ Phong: Tôi không từ chối bất kỳ vai diễn nào, vì đó là sự tôn trọng đối với cơ quan, đơn vị nghệ thuật đã mời mình. Là diễn viên, đâu phải lúc nào cũng có quyền chọn vai này hay vai kia. Điều quan trọng là mình có thể thể hiện tốt vai diễn đó không.
Mọi người thường nghĩ rằng vai phản diện dễ dàng, chỉ cần một chút "khùng khoằm" là xong nhưng thực tế không đơn giản chút nào. Để thể hiện được chất riêng của một vai phản diện, ngoài năng khiếu, diễn viên còn phải kết hợp với kinh nghiệm, trải nghiệm và nhiều yếu tố khác. Tóm lại, bất kể vai gì, tôi cũng sẵn sàng nhận và thể hiện tốt nhất có thể.
Bí quyết giữ lửa tình yêu giữa đời thường
PV: Lên phim chuyên những vai đại ca, giang hồ nhưng ngoài đời nghệ sĩ Hồ Phong nổi tiếng chung tình và có cuộc sống hạnh phúc, ấm êm bên vợ và 4 con. Anh có phải là một người chồng lãng mạn, có hay tặng quà cho vợ hay nói những câu ngôn tình?
NSƯT Hồ Phong: Những điều bạn nói thực ra diễn ra thường xuyên trong gia đình tôi nhưng tần suất có thay đổi tùy từng thời điểm. Cách đây vài năm, vợ chồng tôi tập trung nhiều vào việc kinh tế, xây dựng ngôi nhà cho bố mẹ ở Hạ Long, nên sự quan tâm dành cho nhau phần nào giảm bớt.
Ví dụ, trước đây tôi có thể mua tặng vợ một chiếc đồng hồ, giờ chỉ là một bó hoa đơn giản. Tuy nhiên, những món quà ấy vẫn luôn có mặt. Vào các dịp đặc biệt của gia đình, vợ chồng tôi thường tổ chức một bữa ăn, có thể tại nhà hoặc ở ngoài, hoặc đưa các con đi chơi, đi du lịch để tạo thêm những kỷ niệm đáng nhớ.
Điều đặc biệt là trong những ngày đó, chúng tôi luôn ghi lại khoảnh khắc bằng một bức ảnh. Đó là cách để lưu giữ những kỷ niệm quý giá của gia đình.
PV: Được biết, con trai thứ 4 của anh ra đời khi anh đã ngoài 50. Làm bố mẹ khi tuổi đã cao có khiến vợ chồng anh áp lực?
NSƯT Hồ Phong: Thực ra, lúc đầu tôi rất lo lắng. Thứ nhất, khi vợ mang bầu, hai vợ chồng đều đã lớn tuổi mà ai cũng biết việc sinh con ở tuổi cao có thể ảnh hưởng lớn đến sức khỏe thai nhi. Điều này khiến chúng tôi băn khoăn và lo ngại.
Thứ hai, là một Đảng viên, một chiến sĩ công an, tôi cũng lo về việc có thể vi phạm kỷ luật vì đã có 4 con. Tuy nhiên, khi trình bày rõ rằng đây là việc ngoài ý muốn và có kèm bệnh án của vợ, lãnh đạo đã thông cảm và giảm nhẹ mức kỷ luật.
Về phía gia đình, hai vợ chồng thực sự rất lo, với tuổi tác của chúng tôi, việc nuôi dạy con lâu dài cũng là một áp lực. Chúng tôi tự hỏi, sau này khi con trưởng thành, liệu bố mẹ già có thể hỗ trợ, định hướng cho con hay không? Hay vì không theo sát được, con có thể đi sai hướng? Những điều này khiến chúng tôi trăn trở rất nhiều.
Tuy vậy, vợ chồng tôi có một quan điểm chung: nếu con chọn mình, nghĩa là mình được trao một trọng trách phải nuôi dạy con thật tốt. Chúng tôi tin rằng con cái đến với mình là hồng phúc, và khi được trao gửi, cha mẹ phải có trách nhiệm. Nhờ đó, dù vất vả, hai vợ chồng vẫn cảm thấy hạnh phúc vô cùng.
Niềm hạnh phúc ấy không chỉ đến từ việc nhìn thấy con khỏe mạnh, nhanh nhẹn, hoạt bát mà còn từ những khoảnh khắc đời thường. Khi cuộc sống bộn bề, áp lực, chỉ cần về nhà nghe tiếng cười, tiếng gọi "bố", "mẹ", hay tiếng hét vui đùa của con, mọi mệt nhọc tan biến hết. Đó chính là niềm hạnh phúc vô bờ bến mà chúng tôi đang tận hưởng.
NSƯT Hồ Phong bên vợ và 2 con trai út
PV: Trong showbiz, không hiếm gì những cuộc hôn nhân phải trải qua nhiều sóng gió. Thậm chí có nhiều mối quan hệ kết thúc chóng vánh. Cuộc hôn nhân viên mãn của anh khiến nhiều người ngưỡng mộ và thêm niềm tin vào tình yêu trong giới nghệ sĩ. Bí quyết giữ gìn hôn nhân hạnh phúc của anh là gì?
NSƯT Hồ Phong: Đây không hẳn là kinh nghiệm, mà là những trải nghiệm tôi rút ra từ những bậc đàn anh trong nghề và từ thực tế quan sát. Ngày xưa, đời sống của nghệ sĩ rất vất vả: thu nhập thấp, lại thường xuyên lưu diễn, có khi đi 3-4 tháng mới về. Tất cả gánh nặng gia đình dồn hết lên vai người vợ. Người chồng không mang được tiền về, cũng không ở nhà để chia sẻ công việc nên những rạn nứt trong hôn nhân bắt đầu xuất hiện.
Thêm vào đó, các nghệ sĩ thường có ngoại hình và tài năng, dễ được chú ý. Chính điều này đôi khi dẫn đến những chuyện "lãng mạn ngoài lề". Khi về già, nhiều người rơi vào cảnh kinh tế không vững vàng, vợ chồng ly tán, cuộc sống cô quạnh và khó khăn. Tôi từng chứng kiến điều này ở một số anh chị trong nghề và thực sự cảm thấy đó là một bi kịch khắc nghiệt.
Từ những gì đã thấy, tôi luôn cố gắng giữ gìn gia đình mình. Thứ nhất, con cái cần có cả cha lẫn mẹ làm chỗ dựa tinh thần. Sau này, chúng có thể không cần đến cha mẹ về mặt kinh tế nhưng sự gắn kết tinh thần là điều không thể thiếu. Thứ hai, khi về già, vợ chồng có nhau để chăm sóc những lúc ốm đau.
Tôi đặc biệt bị ảnh hưởng bởi bố mẹ mình, biểu tượng của tình yêu trong giới văn nghệ sĩ ở Quảng Ninh. Ông bà sống bên nhau hơn 50 năm, luôn ngọt ngào và gắn bó. Bố tôi từng phải trải qua ba lần phẫu thuật não và người luôn ở bên chăm sóc chu đáo chính là mẹ tôi. Vì thế, với tôi, việc giữ gìn một gia đình êm ấm không chỉ là tránh những rạn nứt mà còn là xây dựng nền tảng để nuôi dưỡng hạnh phúc khi về già.
Vì tôi luôn sống nghiêm túc, đặt gia đình lên trên hết và giữ khoảng cách với đồng nghiệp nữ nên được vợ tin tưởng tuyệt đối. Thường ngày, nếu không bận rộn công việc, tôi dành trọn vẹn thời gian cho gia đình. Tôi có thể chơi với con, san sẻ công việc nhà cùng vợ như một ông bố “bỉm sữa” thứ thiệt.
Theo VOV