Sáng 19/5, showbiz Việt xôn xao trước thông tin NTK Nhật Dũng sức khỏe nguy kịch. Theo tiết lộ từ đại diện truyền thông của NTK, bệnh viện đã trả anh về nhà, và Nhật Dũng rơi vào hôn mê rất nhanh sau đó.
Dõi theo tình hình sức khỏe của Nhật Dũng, nhiều người cũng hoang mang, lo lắng, thậm chí tò mò về loại vi khuẩn đã tấn công anh, theo chẩn đoán bệnh được công bố trên truyền thông sáng nay.
NTK Nhật Dũng.
Theo nguồn tin riêng của 2Sao.vn, trước khi rơi vào tình trạng nguy kịch, sức khỏe của NTK Nhật Dũng đã có biến chuyển tốt trong quá trình điều trị. Anh thường xuyên thăm khám, cơ thể hoàn toàn bình thường, chỉ có đôi mắt thâm quầng đen. Không ai ngờ, bệnh của NTK bất ngờ trở nặng.
Trưa nay, NTK Nhật Dũng vẫn có phản ứng gật lắc. Theo thông tin mới nhất vừa nhận được, NTK sinh năm 1980 đã trút hơi thở cuối cùng vào tối cùng ngày tại nhà riêng ở Quảng Bình.
Dù gia đình không tiết lộ chi tiết bệnh án, tuy nhiên các triệu chứng khi phát bệnh của NTK Nhật Dũng được cho là giống với biểu hiện lâm sàng của căn bệnh nhiễm vi khuẩn Amip ăn não.
Được biết, sức khỏe Nhật Dũng chuyển biến xấu, đau ốm triền miên sau chuyến đi từ thiện giúp đỡ đồng bào lũ lụt ở Quảng Bình hồi tháng 10/2020.
Theo thông tin, anh phải vào viện điều trị do vi khuẩn xâm nhập ăn vào não khiến cơ thể suy nhược, một bên mắt suy giảm thị lực rất nhanh và nghiêm trọng.
Sau 1 tháng điều trị, Nhật Dũng hồi phục sức khỏe khoảng 80%. Tuy nhiên chứng đau đầu không thể dứt điểm. Từ đó đến nay, anh liên tục nhập viện, mỗi đợt kéo dài nửa tháng đến 1 tháng nhằm duy trì kết quả điều trị.
"Nhiễm khuẩn lan rộng, ăn sâu gây đau đầu, đau mắt, khiến tôi rất khổ sở", Nhật Dũng từng chia sẻ về bệnh tình trên Facebook cá nhân.
Hôm 17/5, Nhật Dũng được đưa đi cấp cứu nhưng bác sĩ nói không có hy vọng. Hiện anh được người thân túc trực chăm sóc tại nhà riêng ở Quảng Bình.
Thông tin tham khảo: Amip ăn não người có tên khoa học là Naegleria fowleri (một loại ký sinh trùng). Đây là loại ký sinh trùng rất hiếm gặp và không phải loại amip thông thường tồn tại trong tự nhiên. Amip thường được tìm thấy ở các hồ nước ngọt trên khắp thế giới như ao, hồ, sông… vào mùa hè, suối nước nóng, thậm chí là hồ bơi không được vệ sinh, sát khuẩn. Amip chủ yếu sống trong môi trường tự nhiên, rất hiếm khi amip xâm nhập vào cơ thể người. Tuy nhiên, con người có nguy cơ nhiễm ký sinh trùng này qua mũi khi mũi tiếp xúc với nước hoặc bụi bẩn, sau đó đi đến não của người nhiễm thông qua các dây thần kinh dẫn truyền khứu giác. Điều nguy hiểm là một khi Amip đã xâm nhập vào cơ thể thì bệnh diễn biến rất nhanh và tỉ lệ tử vong rất cao, lên tới 99%. Tuy nhiên, không phải ai tiếp xúc với Amip đều bị bệnh, chỉ có một tỷ lệ nhỏ trong số hàng triệu người tiếp xúc bị bệnh. |
Hà Anh
Theo Vietnamnet