Hơn 20 năm làm thẩm phán, ông Nguyễn Ngọc Liên (SN 1948) - nguyên thẩm phán một tòa án ở Hà Nội, hiện là hòa giải viên Trung tâm Hòa giải và đối thoại thuộc tòa án quận Ba Đình (Hà Nội) cho biết, bản thân đã giải quyết hàng nghìn vụ án ly hôn. Theo ông, những năm gần đây, tỉ lệ ly hôn ngày càng gia tăng.

"Trong một thống kê của tòa án quận Ba Đình, 10 năm trước, chỉ có khoảng 450 - 480 vụ ly hôn/ 1 năm. Tuy nhiên, năm 2018, số vụ ly hôn tăng lên đến gần 1000 vụ/1 năm. Đây là con số đáng buồn", ông thở dài nói.

Điều khiến ông cảm thấy nuối tiếc nhất là chứng kiến nhiều cặp vợ chồng lúc cơ hàn vẫn hạnh phúc nhưng đến ngày thành đạt lại chia lìa đôi ngả.

Nữ bác sĩ mặc đồ khiêu khích, chồng đòi kiện tội quấy rối tình dục-1
Nghỉ hưu, ông Liên tiếp tục hành nghề pháp lý với tư cách luật sư và hòa giải viên cho Trung tâm hòa giải và đối thoại tòa án quận Ba Đình.

Giọng chậm rãi, ông chia sẻ: "Khi giải quyết ly hôn bao giờ tòa cũng căn cứ vào 3 yếu tố, tình cảm, con chung và tài sản. Sau những lần hòa giải, nếu nhận thấy vợ chồng đương sự vẫn còn tình cảm, chúng tôi thường khuyên họ hàn gắn. Trường hợp họ thực sự đã hết tình cảm, tòa án mới tính đến vấn đề ly hôn, giải quyết con chung và tài sản".

Trong số các vụ ông trực tiếp thụ lý, giải quyết, vụ ly hôn của vợ chồng nữ bác sĩ ở Liễu Giai (Ba Đình, Hà Nội) khiến ông đau đầu suốt một thời gian dài.

Vị hòa giải viên chia sẻ, người vợ tên Nhàn (SN 1970) công tác trong bệnh viện, chồng tên Hoài (SN 1968) kinh doanh thiết bị y tế.

Theo lời chị Nhàn, hai vợ chồng cùng quê, lên thành phố học đại học rồi cảm mến nhau. Anh Hoài nổi tiếng là người đẹp trai, ga lăng nhưng chị Nhàn lại sở hữu ngoại hình thô kệch, thấp bé. Dẫu vậy, họ vẫn có chuyện tình đẹp, được bạn bè ngưỡng mộ.

Ra trường vài năm, chị về bệnh viện làm, sự nghiệp thăng tiến vù vù. Cơ quan cử sang nước ngoài nâng cao chuyên môn. Anh Hoài vẫn long đong, chưa tìm được việc.

Quãng thời gian này, chị Nhàn luôn ở bên, động viên anh vượt qua khủng hoảng, cùng người yêu mang hồ sơ xin việc rải khắp nơi.

May mắn, sau đó, anh được công ty nhập khẩu nhận vào làm. Trước khi chị sang Pháp học, hai người tổ chức một đám cưới ấm cúng. Trái ngọt cuộc hôn nhân của họ là hai cô con gái.

Công việc thuận lợi, kinh tế gia đình khá giả. Anh Hoài ra ngoài mở công ty riêng, phất lên như diều gặp gió. Ngoài căn hộ đứng tên chung cùng vợ, anh bí mật mua hàng loạt ngôi nhà ở vị trí đắt đỏ ở trung tâm thủ đô.

Phong độ, giàu có nên vây quanh anh Hoài  lúc nào cũng có hàng tá cô gái xinh đẹp. Trong khi đó, chị Nhàn mải mê các đề tài nghiên cứu khoa học, khám chữa bệnh, gần như không quan tâm đến cảm xúc, tâm trạng của chồng. Dấu hiệu tuổi tác bắt đầu để lại trên khuôn mặt, khiến chị trông càng xuống sắc, cằn cỗi.

Anh tỏ ra ngán ngẩm, thầm chê bai những khuyết điểm về ngoại hình của vợ. Không rõ từ bao giờ, hai người trở nên xa cách. Thế rồi anh Hoài có bồ, chị Nhàn nghe đồn nhưng không bắt được tận tay.

Sau 15 năm kết hôn, anh Hoài đệ đơn ra tòa xin ly hôn với lý do đời sống chung gặp nhiều mâu thuẫn, khó hòa hợp.

Buổi hòa giải đầu tiên, chị Nhàn bộc bạch với thẩm phán rằng, bản thân vẫn còn yêu chồng và không muốn gia đình tan vỡ. Nếu thực sự anh ngoại tình, chị sẵn sàng tha thứ.

Về phần anh Hoài, anh trút hết những tâm tư với thẩm phán. Anh thừa nhận đã hết tình cảm với cô vợ xấu xí, "đêm nằm như khúc gỗ".

Ông Liên đã gặp riêng chị Nhàn, phân tích cho chị nguyên nhân khiến chồng thay đổi và tư vấn để đương sự về tìm cách hâm nóng tình cảm với chồng, khơi gợi những kỷ niệm đẹp hai người từng có, hi vọng anh Hoài động lòng mà nghĩ lại.

Nữ bác sĩ mặc đồ khiêu khích, chồng đòi kiện tội quấy rối tình dục-2
Hi vọng chồng từ bỏ ý định ly hôn, chị Nhàn tìm cách hâm nóng cảm xúc với anh, nào ngờ... Ảnh: D.B

Ngày gặp lại ông Liên, chị Nhàn khóc nghẹn từng hồi. Chị kể, kỷ niệm ngày cưới, chị ăn mặc mát mẻ, muốn gần gũi chồng. Anh bỗng thét lên, đẩy vợ ra. Bất ngờ hơn, anh dọa sẽ kiện chị vì tội quấy rối tình dục. Bàng hoàng vì hành động của chồng, chị mặc áo, chạy ra khỏi phòng.

Sau hai lần hòa giải tại tòa, mặc dù được vị thẩm phán khuyên nhủ quay lại với vợ, nhưng người chồng vẫn giữ nguyên ý định ly hôn. Hai con gái đều viết đơn xin được ở với mẹ nên tòa chỉ xử lý phân chia tài sản.

"Vì muốn hai vợ chồng không phải đi đến chỗ sát phạt nhau về của cải và giải quyết vụ án hợp tình, hợp lý nhất, tôi đã trao đổi riêng với Hoài, khuyên anh để lại căn nhà 3 tầng cho vợ con.

Với khả năng tài chính của mình, anh thừa điều kiện mua nhiều căn nhà khác. Hơn nữa, chị Nhàn nuôi con, cũng cần có cuộc sống ổn định.

Sau khi được tư vấn, tại buổi hòa giải thứ ba, anh Hoài đồng ý nhường vợ hết số tài sản đứng tên chung, đồng thời cho 2 con gái hai căn nhà nữa. Mẹ chúng có trách nhiệm quản lý đến năm con đủ 18 tuổi…

Chị Nhàn biết khó có cơ hội cứu vãn hạnh phúc khi chồng đã thay lòng đổi dạ nên gạt nước mắt, thuận tình ly hôn", nguyên thẩm phán tòa án nhớ lại.

Một trường hợp khác, khiến ông vất vả không kém là cặp vợ chồng làm nghề bảo vệ.

Người chồng có thói gia trưởng, vũ phu, thường xuyên ngoại tình. Người vợ mệt mỏi, nộp đơn ra tòa ly dị. Vụ án bị kéo dài vì vấn đề tranh chấp tài sản.

Tài sản chung của hai vợ chồng là căn hộ tập thể cũ rộng khoảng 7m2. Theo quy định của pháp luật, tất cả các căn hộ dưới 35m2 không được chia đôi.

Bởi vậy, ai lấy nhà, sẽ có trách nhiệm chi số tiền tương đương giá trị nửa căn hộ cho người kia. Anh chồng có chút vốn nhưng không muốn bỏ ra. Cô vợ tuyên bố đưa tiền, anh cũng "giở chứng" không nhận.

"Hai vợ chồng tranh giành nảy lửa. Cuối cùng, tôi quyết định xử lý theo hình thức xây tường, ngăn đôi căn hộ, mỗi bên được hưởng khoảng 3,5m2.

Hậu ly hôn, cùng sống chung dưới một mái nhà, họ luôn cảm thấy bí bách, chạm mặt là gây gổ, mạt sát nhau. Đến khi không thể chịu đựng thêm, anh chồng đành chi tiền, cho vợ cũ mua nhà về Long Biên sinh sống", ông Liên kể.

* Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi

Theo VietNamNet