Nữ KOL (người dẫn dắt dư luận) trên TikTok Vy Quỳnh Trúc Linh, 23 tuổi, chia sẻ câu chuyện của mình tại tọa đàm "Gỡ - thoát khỏi đại dương suy nghĩ" do sinh viên khoa Báo chí & Truyền thông, Trường đại học KHXH&NV TPHCM tổ chức ngày 23/5.

Tại đây, các diễn giả trẻ bàn về "hội chứng overthinking" (suy nghĩ quá mức) hiện trở thành vấn đề ngày càng phổ biến trong đời sống, đặc biệt với thế hệ Gen-Z, những nhân sự đang đối mặt với nhiều áp lực môi trường làm việc, mạng xã hội, học tập...

Cứ lo người khác nghĩ về mình, chỉ có nước... bỏ nghề

Nữ KOL bị ném đá tả tơi vì tuyên bố không chơi với sếp hay quát tháo-1
Nữ KOL Vy Quỳnh Trúc Linh từng bị ném đá tơi tả vì quan điểm "không chơi" với sếp hay nổi giận, quát thảo (Ảnh: H.N).

Vy Quỳnh Trúc Linh tốt nghiệp bằng giỏi Học viện Ngoại giao. Cô kể lại trải nghiệm của mình về hội chứng này trong quá trình làm "nghề KOL".

Lần đó, trong bài viết chia sẻ trên mạng xã hội, Linh đưa ra quan điểm sẽ không bao giờ làm việc cùng người sếp không có khả năng kiểm soát cảm xúc.

Cô sẽ "nói không" với những vị sếp mà khi công việc không như ý sẽ quay sang quát tháo, nổi giận, chất vấn nhân viên kiểu "sao lại như thế", "sao không đúng ý tôi".

Nữ TikToker cho rằng, người sếp mà không kiểm soát được cảm xúc của mình thì không thể điều hành, quản lý được người khác. 

Ngay sau đó, bài viết của Linh nhận về hàng ngàn bình luận mà trong đó phải đến 70% số bình luận phản đối, thậm chí ném đá cô gái trẻ tơi tả.

Nhiều người "bật" lại góc nhìn của nữ TikToker bằng phản biện có ở vị trí người ta đâu mà hiểu những gồng gánh, trách nhiệm của họ.

Không dừng lại ở đó, quan điểm của cô gái trở thành chủ đề tranh cãi nảy lửa trên mạng xã hội.

Nhận về quá nhiều "gạch đá", Trúc Linh bắt đầu nghi ngờ quan điểm của chính mình. Nhiều ngày sau đó, cô chìm trong sự dằn vặt bản thân, chìm trong suy nghĩ mọi người sẽ nghĩ thế nào về mình, nghĩ thế nào về trường mình... 

"Tôi rơi vào trạng thái không ngủ được, tim đập nhanh và rất sợ hãi . Khi đó tôi chỉ mong mọi thứ dừng lại, tôi sợ lắm rồi!", Trúc Linh nhớ lại.

Nữ KOL bị ném đá tả tơi vì tuyên bố không chơi với sếp hay quát tháo-2
Nhiều người trẻ rơi vào hội chứng Overthinking - suy nghĩ quá mức (Ảnh: H.N).

Sau đó, Linh đi hỏi một bạn bè, hỏi đồng nghiệp, hỏi những anh chị lớn tuổi về quan điểm của mình.

Cô nhận thấy góc nhìn của mình đúng là chưa đặt ở các vị trí khác nhau, còn phiến diện, một chiều nhưng dù sao đó cũng là quan điểm, sở thích, lập trường cá nhân. Cô "nói không" với người sếp như vậy, người khác có thể ngược lại. 

Cô gái thừa nhận, chỉ khi đánh giá khách quan được vấn đề, hiểu đó là lựa chọn cá nhân, hiểu rằng mạng xã hội với hàng chục triệu người sẽ có nhiều luồng ý kiến, cô mới dần thoát ra khỏi nỗi sợ. 

"Nếu cứ đặt mình vào vị trí của tất cả những người khác để xem người ta đang nghĩ gì về mình thì chắc tôi chỉ có nước bỏ nghề từ lâu rồi", Trúc Linh bày tỏ. 

Sau này tiếp tục có những nội dung cô bày tỏ kéo theo nhiều tranh cãi, ý kiến trái chiều nhưng Linh chia sẻ, cô nhìn vào bản chất của vấn đề nên bình tĩnh hơn.  

"Nếu nói tôi 'nhờn' với những bình luận tiêu cực trên mạng thì hơi... tiêu cực nhưng tôi đã có cái nhìn 'bất cần' hơn một chút, đã biết cách để tâm vào những gì xứng đáng được để tâm", nữ KOL bộc bạch. 

Giảng viên trầm cảm vì... phản hồi của sinh viên 

TS tâm lý Tô Nhi A nhắc đến trường hợp một đồng nghiệp của mình là giảng viên trẻ bị trầm cảm vì... phản hồi của sinh viên. 

Ý kiến của sinh viên không sai, các bạn phản hồi bằng cách xưng hô, ngôn từ phù hợp và đặc biệt người này cũng không hề giận học trò.

Tuy nhiên, nữ giảng viên đã rơi vào tình trạng lo âu quá mức, không chỉ dừng lại ở việc phản hồi của sinh viên mà người này còn hình dung, suy diễn ra rất nhiều vấn đề khác, đến mức rơi vào trầm cảm. 

Bà Tô Nhi A cũng cho biết: "Khi tôi đến đây, có một bạn trẻ hỏi hồi còn trẻ cô hay nghĩ ngợi nhiều không? Tôi hỏi lại "Sao em không hỏi giờ cô hay nghĩ nhiều không?" 

Nói điều này, chuyên gia tâm lý muốn nhấn mạnh, dù là ai, ở trải nghiệm, vị trí nghề nghiệp nào đều có thể rơi vào tình trạng suy nghĩ quá mức. 

Nữ KOL bị ném đá tả tơi vì tuyên bố không chơi với sếp hay quát tháo-3
Theo TS Tô Nhi A, bất kỳ ai, ở vị trí công việc, nghề nghiệp nào đều có thể rơi vào tình trạng suy nghĩ quá mức... (Ảnh: H.N).

Theo bà Tô Nhi A, "overthinking" là khi mỗi người bắt đầu tập trung suy nghĩ của mình vào vấn đề nhiều hơn thực tế tồn tại của vấn đề đó.

Bạn nghĩ về những điều mà thế giới trực quan không có điều đó, kiểu như hay nghĩ "người ta ghét mình", một ánh mắt bình thường lại nghĩ thành người ta nhìn mình khinh miệt, chê bai, nghi ngờ... 

Bà Tô Nhi A cho hay, không cứ suy nghĩ nhiều là bệnh lý. Để xác định suy nghĩ nhiều đã đến mức là bệnh lý hay không thì cần nhiều vấn đề phải xác định. Khi đã trở thành bệnh lý sẽ có những biểu hiện sinh lý ảnh hưởng đến sinh hoạt, sức khỏe, học tập, làm việc... 

TS Tô Nhi A lưu ý đến những yếu tố cải thiện tình trạng suy nghĩ quá mức gồm dinh dưỡng, vận động thể chất, các hoạt động phát triển bản thân và tương tác với những con người tích cực. 

Đặc biệt đối với vấn đề vận động, chuyên gia này đánh giá, lượng vận động tự nhiên của mỗi người đang giảm rất nhiều so với các thế hệ trước.

Trước đây, con người đi bộ, đạp xe, cuốc đất... rất ít ngồi trong phòng. Ít vận động cũng là một trong những lý do được lý giải cho việc con người thời nay thường gặp nhiều vấn đề tâm lý. 

Ngoài ra, mỗi người cần phải đo lường được sự phát triển của bản thân bằng những việc cụ thể để tránh hoài nghi, tránh cảm thấy mình vô dụng.

Sự đo lường đó có thể là hôm nay mình đã viết được hai trang giấy, ngày hôm qua chỉ có một; hôm nay mình học thêm được kỹ năng mới, biết bơi, thiết kế được cái này cái kia... 

Theo Dân Trí