Do chịu nhiều áp lực học tập, Đ.T.Tr (SN 1999) tại trường THPT Đồng Xoài (Bình Phước) đã gieo mình xuống sông tự tử. Trước đó, nữ sinh lớp 11 đã để lại 5 lá thư tuyệt mệnh được viết để gửi cho bố mẹ, chị gái và bạn thân trong cặp sách.

Trong những bức thư, một loạt những cụm từ được lặp đi lặp lại như ‘ước mơ của bố mẹ’, ‘phụ lòng bố mẹ’, ‘làm bố mẹ buồn’, ‘cho bố mẹ vui lòng’… cho thấy được sự kỳ vọng quá lớn của bố mẹ đã khiến nữ sinh cảm thấy áp lực. Chính vì thế dẫn đến hành động dại dột để vì muốn ‘buông xuôi tất cả’.

Câu chuyện buồn từ di thư đẫm nước mắt của nữ sinh Bình Phước

Câu chuyện buồn từ di thư đẫm nước mắt của nữ sinh Bình Phước
2 trong số 5 bức di thư để lại của nữ sinh xấu số.


Áp lực từ sự kỳ vọng quá lớn

Mỗi học sinh đều chịu hơn một áp lực học tập: Học kém, áp lực sinh ra từ ý nghĩ phải học giỏi. Học giỏi rồi, áp lực phải giữ vững phong độ và phải giỏi hơn. Áp lực làm sao để luôn ‘bằng bạn bằng bè’, để không bị so sánh với ‘con nhà người ta’. Nhưng các bậc phụ huynh dường như ‘bỏ ngoài tai’ những điều này để tiếp tục đặt kỳ vọng vào con.

Kỳ vọng vào con cái, đặt niềm tin vào con cái là những điều thường xảy ra ở tất cả các bậc phụ huynh. Song, giữa sự kỳ vọng vào một tương lai tươi sáng của con với việc bắt ép, áp đặt con cái làm việc theo ý mình, nhiều phụ huynh vẫn chưa thể phân biệt được.

Các bậc phụ huynh hiểu rõ khả năng của con mình, từ đó mà cho chúng định hướng, lời khuyên. Đó cũng chính là ý kiến của thầy giáo hotboy Lại Tiến Minh: ‘Có những em có tư duy về nghệ thuật nhưng lại yếu tư duy lôgic, hoặc có những em học giỏi Toán nhưng lại yếu Văn. Không phải ai cũng làm được ngành y, không phải ai cũng trở thành một thiên tài Toán học hay Vật lý...’

Sự kỳ vọng quá nhiều vào con sẽ khiến học sinh có suy nghĩ tiêu cực và rất nhiều người muốn ‘biến mất mãi mãi’. Theo chia sẻ của bạn Ngọc Liên (Hà Nội), cô bạn cũng từng nhiều lần có ý định tự tử vì ‘không hoàn thành được ý nguyện của bố mẹ.

‘Bố mẹ luôn so sánh mình với những người khác, rồi ngày nào cũng nhắc nhở mình phải học như thế này, phải học như thế kia… Đến bây giờ, mình vẫn chưa thể hiểu được mình đã vượt qua giai đoạn đó như thế nào nữa’, cô nói.

Bị so sánh với hết người này người khác cũng là điều Phạm Đăng Khánh (HS lớp 10, TP.HCM) không thích ở bố mẹ mình: ‘Biết rằng bố mẹ rất lo cho tương lai của mình đấy, nhưng nhiều lúc mình chẳng biết mình đang học cho mình hay cho bố mẹ nữa’.

Những ý kiến trên đây có thể cho thấy rằng, chính những áp lực vô hình mà gia đình đem lại có thể khiến học sinh có suy nghĩ và hành động tiêu cực, khiến các em đôi khi không còn là chính mình nữa.

Câu chuyện buồn từ di thư đẫm nước mắt của nữ sinh Bình Phước
Áp lực học tập của học sinh, sinh viên xuất phát từ sự kỳ vọng của bố mẹ
(Ảnh minh họa)


Thiếu hụt kỹ năng đối diện với áp lực, khó khăn

Trong học tập, chỉ vì một lời phê bình của thầy cô cũng có thể khiến học sinh uống thuốc cỏ tự tử, thi trượt đại học cũng khiến học sinh treo cổ tự vẫn… rồi đến áp lực học tập từ phía bố mẹ cũng có thể khiến các em bế tắc.

Bài học đặt ra ở đây, không chỉ đối với phụ huynh, với giáo viên mà còn đối với chính các em. Thầy Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu (Khoa Tâm lý học, ĐH Sư phạm TP.HCM) cho rằng, điều cần thiết nhất đối với các em hiện nay đó chính là kỹ năng đối diện với áp lực, với khó khăn. Bởi: ‘Những lý do nhỏ nhặt đó, các em hoàn toàn có thể vượt qua được, các em hoàn toàn có thể giải quyết được, nếu như người lớn hướng dẫn các em.’

Đối với bậc phụ huynh, nếu yêu thương con thì hãy tìm hiểu xem học lực của con không cao chứ đừng ‘giao thành tích’. ‘Hướng dẫn và giúp đỡ mới là tình thương có trách nhiệm, chỉ tạo áp lực rồi mặc con làm sao làm thì chưa hẳn là thương.’

Trên đời này không có sự bế tắc, chỉ có con người suy nghĩ bế tắc, do đó hãy ‘tìm ra nguyên nhân rồi tìm cách xử lý để cải thiện. Không cải thiện được thì tìm bố mẹ, thầy cô và bạn bè. Tuyệt đối không vì một việc như vậy mà kết thúc mạng sống của mình, quãng đời vẫn còn dài lắm và sự việc vừa qua chỉ là một hòn đá giữa đường.’


Nữ sinh 17 tuổi tự tử Đừng vội chết khi bạn chưa kịp sống
TS Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu

Thầy Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu cũng thẳng thắn chia sẻ: ‘Tự tử lúc còn tuổi xuân là bất hiếu. Đi tìm đến cái chết vì những lý do không đâu là biểu hiện của sự yếu đuối. Cúi đầu trước thất bại là thiếu bản lĩnh.

Có rất nhiều tấm gương trong xã hội mà bạn và tôi có thể đã gặp ở đâu đó, họ còn có những giai đoạn khủng hoảng hơn nhiều cả về thể xác lẫn tinh thần. Nhưng bằng bản lĩnh dám đối đầu và nghị lực vươn lên, họ đã đứng dậy từ trong vũng bùn và sống tốt hơn cho chính bản thân mình, cho gia đình và cho xã hội.

Mỗi người chỉ có một cuộc đời để sống. Đừng vội chết khi bạn chưa kịp sống, đừng vội bó tay khi chưa kịp cố gắng hết mình.’

Theo Báo đất việt