Nữ sinh giao gà bị hãm hiếp, sát hại ở Điện Biên

Nữ sinh giao gà bị sát hại và cái Tết 'đặc biệt' của Công an Điện Biên

Xảy ra vào 30 Tết, vụ án nữ sinh giao gà bị sát hại không những khiến các cán bộ chiến sĩ Công an Điện Biên "mất Tết" mà họ còn phải chịu nhiều búa rìu dư luận.

Trò chuyện với thiếu tướng Sùng A Hồng, Giám đốc Công an tỉnh Điện Biên, ngày sát Tết, phóng viên được nghe nhiều câu chuyện về nghề phá án và cách họ vượt qua những áp lực công việc.


"Rất tiếc chính bà mẹ của Duyên là người đầu tiên biết con mình bị ai bắt nhưng lại giấu đến phút chót", thiếu tướng Sùng A Hồng, Giám đốc Công an Điện Biên, kể về vụ án rúng động.

Trong vụ án nữ sinh giao gà bị bắt bóc, sát hại xảy ra đúng 30 Tết Nguyên đán 2019, lực lượng phá án đã phải đối mặt với nhiều thách thức đến từ sự ranh ma của tội phạm, mưu mô khó lường của mẹ nạn nhân và cả những chỉ trích gay gắt từ mạng xã hội.

Áp lực từ vụ án rúng động

Chiều 4/2/2019 (tức 30 Tết), Cao Mỹ Duyên chở gà đến khu dân cư C13 ở TP Điện Biên Phủ thì bị nhóm của Vì Văn Toán siết cổ, dùng xe tải chở về căn nhà ở huyện Điện Biên. Trong 3 ngày giam giữ, Duyên bị 6 tên thay nhau hãm hiếp.

Khi thấy cô gái nguy kịch, nhóm gây án đưa nạn nhân đến ngôi nhà hoang gần đó rồi sát hại. Thi thể nữ sinh được phát hiện một ngày sau đó.

"Đây là vụ án khiến tôi bị ám ảnh nhất trong hơn 40 năm gắn bó với nghề. Và đây cũng là vụ án khiến Công an Điện Biên chịu nhiều áp lực nhất", tướng Sùng A Hồng chia sẻ.

Nữ sinh giao gà bị sát hại và cái Tết đặc biệt của Công an Điện Biên-1
Thiếu tướng Sùng A Hồng, Giám đốc Công an tỉnh Điện Biên. Ảnh: Hồng Quang.

Giọng trầm ngâm, ông Hồng kể Tết năm đó, cán bộ, chiến sĩ của đơn vị không được đoàn tụ gia đình. Trước vụ án có nhiều điều đặc biệt về thời điểm, sự bức xúc xã hội cũng như hành vi phạm tội, mỗi chiến sĩ đều xác định hy sinh niềm vui riêng để hoàn thành nhiệm vụ.

Đối mặt với nhiều áp lực từ cộng động mạng, tướng Hồng nói: "Công an không thể cứ đi theo và phản ứng xem xã hội nói gì, chê gì mà phải tập trung nghiên cứu để lần ra thủ phạm, nhanh chóng xử lý đúng người, đúng tội. Tuyệt đối không để những áp lực dư luận chi phối”.

Những đồn thổi, thậm chí phê phán gay gắt xuất hiện khi Công an Điện Biên trao thưởng cho lực lượng điều tra. Người phản đối việc này cho rằng công an không nên được khen thưởng khi nỗi đau của gia đình nạn nhân còn đó.

Giọng trùng xuống, vị tướng công an tâm sự: “Nếu nói là mình hoàn toàn không để ý cũng không phải. Chỉ là không được để những cái đó chi phối làm ảnh hưởng trực tiếp đến công tác điều tra phá án”.

Người đứng đầu ngành công an tỉnh Điện Biên khi đó chỉ biết nói với cấp dưới rằng không phải người dân nào cũng hiểu hết chức năng, nhiệm vụ và quy trình công tác của lực lượng công an. Và ông nhận thấy mình có trách nhiệm phải chia sẻ để mọi người hiểu.

Nữ sinh giao gà bị sát hại và cái Tết đặc biệt của Công an Điện Biên-2
Vì Văn Toán, chủ mưu sát hại nữ sinh giao gà. Ảnh: Duy Hiệu.

Giám đốc Công an Điện Biên giải thích công tác đấu tranh phòng chống tội phạm có 2 giai đoạn. Khi vụ việc xảy ra, xác định có dấu hiệu tội phạm nhưng chưa rõ người thực hiện, công an lập chuyên án để trinh sát. Lúc này, cơ quan điều tra sẽ huy động tổng lực lực lượng và phương tiện kỹ thuật vào cuộc.

Khi công tác trinh sát làm rõ kẻ gây án, công an kết thúc chuyên án bằng cách bắt người liên quan để chuyển sang giai đoạn điều tra.

“Công an khen thưởng là khen thưởng ở giai đoạn kết thúc chuyên án, chứ không phải kết thúc vụ việc. Tức đây chỉ là khen thưởng ở hình thức thấp để động viên anh em”, tướng Hồng nói và nhấn mạnh ban giám đốc công an tỉnh đã họp bàn rất kỹ về việc này và chỉ khen thưởng những người xuất sắc.

Cởi nút thắt vụ án vô tiền khoáng hậu

Vụ án nữ sinh giao gà bị sát hại dã man gây rúng động dư luận với nhiều tình tiết phức tạp, ly kỳ, vô tiền khoáng hậu trong lịch sử điều tra phá án.

Ngoài phải đấu trí với tội phạm tinh vi, lỳ lợm, cơ quan điều tra còn đối mặt với sức ép dư luận và vạch trần ý đồ của mẹ nạn nhân giữa muôn vàn thông tin được “tung hỏa mù” nhằm đánh lạc hướng điều tra.

Nữ sinh giao gà bị sát hại và cái Tết đặc biệt của Công an Điện Biên-3
Trần Thị Hiền, mẹ nữ sinh Cao Mỹ Duyên. Ảnh: Duy Hiệu.

Kể về hậu trường phá án, thiếu tướng Sùng A Hồng cho biết ngay từ khi vụ việc xảy ra, hàng trăm cán bộ công an địa phương được huy động vào cuộc.

Nhận tin báo Cao Mỹ Duyên đi giao gà không về, trong đêm giao thừa, ban giám đốc đã chỉ đạo tất cả các đơn vị liên quan kiểm tra các khách sạn, cơ sở kinh doanh có điều kiện, tuyến đường ra vào Điện Biên và nối với các cửa khẩu.

Hàng nghìn phiếu trình báo cũng được công an phát tới người dân để tiếp nhận thông tin khi phát hiện vấn đề bất thường. Ngoài ra, các trinh sát hóa trang cũng được triển khai trên các địa bàn để tìm manh mối cô gái mất tích.

Tuy nhiên, nhóm gây án đã bàn bạc kỹ lưỡng. Nữ sinh Cao Mỹ Duyên sau khi bị bắt được đưa về nhà của Bùi Văn Công. Căn nhà này kín đáo, cách thành phố khoảng 5-7 km nên bình thường không thể phát hiện.

“Rất tiếc chính bà Trần Thị Hiền - mẹ của Duyên - là người đầu tiên biết con mình bị ai bắt nhưng lại giấu cho đến phút chót. Ngay cả giờ cũng không nhận việc mình biết nhóm đối tượng bắt con gái”, tướng Hồng nói.

Theo Giám đốc Công an Điện Biên, nếu người mẹ khai báo thành khẩn, công an có thể đã cứu được Cao Mỹ Duyên. Trong suốt quá trình phá án, ông từng nhiều lần gọi điện trao đổi trực tiếp với mẹ nữ sinh xấu số và nhận thấy người phụ nữ này có nhiều điểm khả nghi. "Tất cả hành vi của người phụ nữ này đều nằm trong tầm ngắm của công an", ông Hồng kể.

Một kỷ niệm đặc biệt khi phá vụ án này được tướng Hồng nhắc đến là việc công an phải năm lần bảy lượt lặn xuống sông Nậm Rốn để tìm lồng gà và dây thép mà Lường Văn Hùng khai đã dùng để siết cổ nạn nhân.

“Thời điểm đó rất lạnh nhưng tôi yêu cầu không được lặn tìm ban ngày vì người dân hiếu kỳ đi xem, có thể đánh động. Vì thế, anh em phải lặn tìm vào ban đêm”, ông Hồng nói và cho biết công an phải lặn rất nhiều lần nhưng không tìm thấy tang vật. Sau đó, về đấu tranh khai thác thì Hùng lại thay đổi lời khai.

Nữ sinh giao gà bị sát hại và cái Tết đặc biệt của Công an Điện Biên-4
Công an khám nghiệm nhà của Bùi Văn Công. Ảnh: Bảo Vệ Pháp Luật.

Rồi việc khai quật tử thi nữ sinh giao gà cũng khiến dư luận chĩa mũi nhọn vào Công an Điện Biên vì nghĩ rằng cơ quan chức năng khám nghiệm qua loa nên phải khai quật lại. Dành nhiều thời gian để nói việc này, ông Hồng nhấn mạnh tài liệu thu thập và kết quả điều tra cho thấy có những điểm bất hợp lý trong lời khai của bị can nên cơ quan tố tụng quyết định phải khai quật tử thi.

Khi làm việc này, tướng Hồng giao Trưởng phòng cảnh sát hình sự và Trưởng công an huyện Điện Biên đến gặp mẹ nạn nhân nhưng bà Hiền không đồng ý. Giám đốc công an tỉnh cũng trực tiếp gọi điện thì bà Hiền ậm ừ nhưng vẫn không cho khai quật. Sau nhiều lần thuyết phục, người phụ nữ này mới đồng ý và mời luật sư theo dõi từ đầu đến cuối.

“Khi quyết định khai quật, công an phải có kế hoạch rất chi tiết, phân công từng cán bộ, chiến sĩ phải làm gì. Và một phó giám đốc trực tiếp chỉ huy tại hiện trường. Chính công an cũng lo chuẩn bị lễ rất đầy đủ, thắp hương cho nạn nhân trước khi tiến hành các biện pháp khai quật”, ông Hồng kể.

Khi khai quật xong, công an quay trở lại đấu tranh với Lường Văn Hùng thì tên này buộc phải thừa nhận đã dùng côn nhị khúc để siết cổ nạn nhân. Nút thắt vụ án được tháo gỡ từ đó.

Trong câu chuyện kể lại đúng dịp Tết, tướng Hồng nhiều lần dùng cụm từ "không có tính người" để miêu tả về vụ án. "Nạn nhân là một sinh viên rất trẻ về nghỉ Tết. Vậy mà chỉ vì mâu thuẫn khi mua bán ma tuý với bà mẹ, chúng bắt nữ sinh vô tội rồi nhốt và thay nhau hãm hiếp đến khi cháu yếu thì siết cổ đến chết”, ông nói và không quên nhấn mạnh sự lì lợm của nhóm gây án khi sau cả tháng trời chúng mới chịu khai, nhưng nhỏ giọt, quanh co nhằm đánh lạc hướng công an.

Thức cho dân ngủ ngon, gác cho dân vui chơi

Trả lời câu hỏi phóng viên đặt ra lúc đầu rằng đó có phải là năm Công an Điện Biên không có Tết, tướng Hồng gật đầu và nói "vụ án được dư luận quan tâm như vậy mà còn ăn Tết thì gọi gì là công an”.

Vị tướng công an kể rằng việc không đón giao thừa bên gia đình đã trở thành "thói quen" mà mỗi cán bộ, chiến sỹ đều xác định trước khi vào ngành. Công an Điện Biên thường tổ chức cho cán bộ, chiến sỹ ăn Tết trước thời gian cao điểm. Để sau đó, 100% quân số triển khai kế hoạch đảm bảo an ninh trật tự phục vụ nhân dân đón xuân.

Hơn 40 năm công tác trong ngành công an, thiếu tướng Sùng A Hồng thường ở đơn vị hoặc trung tâm tổ chức sự kiện của tỉnh dịp giao thừa để chỉ đạo công tác bảo đảm an ninh trật tự, ngăn chặn hành vi gây rối và chống các loại tội phạm lợi dụng đông người để hoạt động.

Tướng Hồng đùa vui khi nói năm nào ông cũng có vinh dự xông đất cho gia đình. Điều này đến rất tự nhiên vì nhiệm vụ đêm giao thừa thường kết lúc lúc 2-3h sáng.

“Cán bộ, chiến sỹ công an phải thức cho dân ngủ, gác cho dân vui chơi, lấy niềm vui và hạnh phúc của nhân dân làm lẽ sống của mình”, vị giám đốc nhắc lại câu nói của cố Bộ trưởng Công an Trần Quốc Hoàn để khép lại chuyện ăn Tết của những người khoác trên mình bộ sắc phục.

6 án tử trong vụ sát hại nữ sinh giao gà

Sáng 29/12/2019, TAND tỉnh Điện Biên tuyên án 9 bị cáo liên quan vụ án bắt cóc, sát hại nữ sinh Cao Mỹ Duyên hồi đầu năm. Theo đó, 6/9 bị cáo nhận mức án cao nhất là tử hình gồm: Vì Văn Toán, Bùi Văn Công, Vương Văn Hùng, Phạm Văn Nhiệm, Lường Văn Hùng và Lường Văn Lả.

Bùi Thị Kim Thu bị tuyên phạt 3 năm tù tội Không tố giác tội phạm. Còn Phạm Văn Dũng và Cầm Văn Chương lần lượt lĩnh 10 và 9 năm tù tội Hiếp dâm.

Theo Zing

Xem link gốc Ẩn link gốc https://news.zing.vn/nu-sinh-giao-ga-bi-sat-hai-va-cai-tet-dac-biet-cua-cong-an-dien-bien-post1030592.html?fbclid=IwAR2Dm-IRWxmnVVOpzZaCjofmNl6YbuGeN4ygt0aETFW3-EEoFHv0jYOacJ0

Nữ sinh giao gà bị sát hại

Tin tức mới nhất

Bạn đang xem bài viết trong sự kiện: Nữ sinh giao gà bị hãm hiếp, sát hại ở Điện Biên