“Mày muốn sống ở cái lớp 10A4 này thì không được báo cáo cô giáo, còn nếu không muốn sống ở cái lớp này thì cứ việc…”, nữ sinh Quyền Thị Phương Hà (huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ) vẫn chưa hết kinh hoàng khi kể lại giây phút bị các bạn túm tóc, đấm đá, đe dọa chỉ vì một câu nói gây hiểu lầm trên facebook.
Nhiều ngày sau khi được các bác sĩ Bệnh viện châm cứu Trung ương theo dõi và chữa trị bằng nhiều phương pháp, nữ sinh Quyền Thị Phương Hà, học lớp 11A4, trường THPT Tử Đà, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ đã có thể nói chuyện trở lại.
Kể từ khi con có thể nói chuyện lại bình thường, vợ chồng ông Quyền Văn Phong (ở xã Bình Bộ, huyện Phù Ninh, Phú Thọ) luôn tỏ ra vui vẻ. Trái ngược với bao nỗi sợ hãi những ngày trước đó khi không thể nói được, Hà vô tư đi xung quanh bệnh viện và ghé vào từng phòng bệnh nhân khác trong khoa.
Mọi người khi nhìn thấy cô nữ sinh có khuôn mặt bầu bĩnh, vô tư đều có chung một suy nghĩ rằng Hà rất dễ gần, dễ mến. Khi chúng tôi nhắc lại những chuyện đã xảy ra, đôi mắt Hà ánh lên nỗi buồn, thậm chí em còn tỏ ra sợ hãi.
Sau khi bị các bạn đánh hội đồng, Hà luôn trong tâm trạng sợ hãi
rồi 1 tuần sau không nói được nữa.
rồi 1 tuần sau không nói được nữa.
Lấy lại bình tĩnh, Hà chậm chậm kể lại sự việc bằng cách đánh vần rành mạch từng chữ. Hà kể, các bác sĩ cho biết, do bức xúc về mặt tâm lý và trải qua tổn thương tâm lý quá lớn sau khi bị các bạn đánh hội đồng nên em không nói được.
Theo Hà, nguồn cơn sự việc là nữ sinh cùng lớp cho rằng Hà nói xấu mình với mọi người trên mạng xã hội facebook. “Em còn nhớ rõ, hôm đó, các bạn có ai đó mượn điện thoại em rồi nhắn tin nói xấu Dung. Dung sau đó gọi điện thoại nói em là tại sao nói xấu bạn ấy trên facebook nhưng quả thực lúc đó em không hề biết gì cả. Hôm sau, em đau bụng phải ở nhà, đến ngày thứ 3 thì Dung kéo thêm 3 bạn nữa đến gặp em nói rằng có chửi bạn ấy trên facebook không, nếu chửi thì xin lỗi một câu. Tuy nhiên, em không hề nói xấu bạn ấy trên facebook, chắc ai đó mượn điện thoại của em rồi trêu đùa bạn ấy. Thấy thế cả 4 bạn xông vào đấm đá, đập đầu xuống đất khiến em choáng váng”, Hà sợ hãi kể lại.
Khi nói được, em luôn cười đùa với những người xung quanh.
Hà mong mỏi nhanh khỏi bệnh để được đi học như các bạn.
Hà cho biết: “Sau khi đánh xong, em bị các bạn đe dọa nếu muốn ở lớp 11A4 này thì đừng báo cáo cô giáo, còn nếu không muốn sống ở cái lớp này thì cứ việc báo cáo”.
Sau khi sự việc xảy ra, khuôn mặt Hà xuất hiện nhiều vết thâm tím, thấy con có biểu hiện khác thường, bà Cao Thị Hằng gặng hỏi nhưng Hà không dám nói. Các nữ sinh tham gia đánh hội đồng em chỉ biết chứ không mâu thuẫn gì.
Tâm lý Hà luôn tỏ ra sợ hãi, gia đình gặng hỏi mãi thì em mới chia sẻ sự việc. Một tuần sau đó, Hà không thể nói chuyện được, quá bức xúc, bà Hằng đã lên trình báo với ban giám hiệu nhà trường đồng thời báo cáo công an huyện Phù Ninh điều tra, làm rõ.
Ông Phong vui vẻ khi con nói được.
Chia sẻ câu chuyện trên, ông Quyền Văn Phong cho biết, kể từ khi xảy ra sự việc đến nay, gia đình ông đã chạy chữa khắp nơi để mong mỏi tìm lại được tiếng nói cho con. Suốt nhiều tháng qua, gia đình các nữ sinh đánh Hà chỉ đến thăm hỏi sức khỏe của Hà một lần và cũng không hề hỗ trợ chi phí điều trị.
“May mắn gia đình tôi được giám đốc, các y bác sĩ bệnh viện châm cứu Trung ương tích cực điều trị tìm lại tiếng nói cho cháu. Nếu không gia đình tôi không biết đến bao giờ mới được nghe thấy tiếng nói cười của con”, ông Phong tâm sự.
Nói về nguyện vọng của mình, Hà chia sẻ: “Em chỉ mong sao chóng khỏi bệnh để bố mẹ em đỡ phải khổ vì lo lắng cho em. Em có thể quay trở lại trường như bao các bạn. Còn các bạn đánh em thì cơ quan công an sẽ xử lý”.
Trao đổi với chúng tôi, thạc sĩ Dương Văn Tâm - bác sĩ trưởng đơn vị điều trị liệt vận động và rối loạn ngôn ngữ (Bệnh viện châm cứu Trung ương) cho biết, sau khi điều trị được 8 lần, bệnh nhân Hà có thể giao tiếp với mọi người xung quanh.
Bác sĩ Tâm cho hay: “Sau khi bệnh nhân Hà được thầy giáo và gia đình đưa xuống Hà Nội, chúng tôi đã tiếp nhận điều trị ngay đồng thời báo với ban giám đốc bệnh viện. Giám đốc cũng trao đổi với chúng tôi và vạch ra phác đồ điều trị cho bệnh nhân”.
Và chính bác sĩ Tâm là người trực tiếp điều trị cho Hà bằng những kỹ thuật, phối hợp với nhiều chuyên gia ở nhiều lĩnh vực, kết hợp nhiều phương pháp, dùng điện châm, thủy châm, xoa bóp bấm huyệt, tâm lý ngôn ngữ trị liệu.
“Đến ngày thứ 8 thì Hà tự trình bày được ý nghĩ, suy nghĩ của mình, nói chuyện vui vẻ với mọi người chứ không thu mình sợ hãi, ngại không giao tiếp như những ngày đầu mới đưa vào bệnh viện. Đây được gọi là chứng bệnh mất ngôn ngữ nặng nề sau ức chế stress, tây y gọi là hội chứng phân ly (rối loạn tâm can). Bệnh tình của nữ sinh Hà đang tiến triển tốt, một vài hôm nữa, Hà có thể nói lại lưu loát”, bác sĩ Tâm chia sẻ.
Theo Trí thức trẻ