Đó là một trong số vô vàn những phút nghẹt thở mà nữ trinh sát Trịnh Thị Hà, thượng tá, Phó Trưởng phòng, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu - Bộ Công an từng trải qua trong quá trình phá án.
Thượng tá Trịnh Thị Hà vừa được nhận Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam 2018. Ảnh: Vũ Lụa
Gặp Trịnh Thị Hà ở ngoài đời thực, rất nhiều người đã phải thốt lên: “Xinh đẹp thế này, nền nã thế này, làm sao đánh án?”. Đáp lại, chị Hà chỉ nhẹ nhàng: “Việc đánh án không phải bằng thể lực, vũ lực mà bằng trí khôn của ta đây”’.
Theo thượng tá Trịnh Thị Hà, yếu tố cần thiết trong việc đánh án là sự mưu trí, kiên cường, chịu khó, chịu khổ. Đặc biệt là phải cẩn trọng và chi tiết.
“Đợt đánh án buôn lậu thuốc lá ở biên giới Tây Nam giáp Campuchia, nhiều ngày liền, tôi và một đồng chí nữa phải đóng vai đôi tình nhân, đi câu từ sáng sớm. Sau đó, ngâm mình dưới mép sông Vàm Cỏ để theo dõi đối tượng buôn lậu. Muỗi cắn rất nhiều, ngứa vô cùng nhưng không dám gãi, chỉ cựa mình. Bởi nếu bị đối tượng phát hiện thì sẽ bị tiêu diệt ngay", nữ trinh sát chia sẻ về những kỷ niệm đáng nhớ trong nghề.
Món quà vô giá sau những ngày cực khổ
Thượng tá Trịnh Thị Hà đứng trong hàng ngũ lực lượng công an từ 22 năm trước nhưng bén duyên với công tác trinh sát từ năm 2007. Đến nay, hơn 10 năm trôi qua, chị Hà là một trong những nữ trinh sát lập được nhiều chiến công, phá nhiều vụ trọng án.
Trong đó, chuyên án bắt quả tang công ty TNHH Vedan Việt Nam xả trộm nước thải không qua xử lý làm ô nhiễm sông Thị Vải (Đồng Nai) là một dấu ấn không bao giờ quên trong cuộc đời của chị.
Chị Hà là một trong những nữ trinh sát lập được nhiều chiến công, phá nhiều vụ trọng án. Ảnh: Báo Nhân dân
Nhớ về vụ án này, chị Hà cho biết việc ô nhiễm đã đẩy hàng chục nghìn hộ dân sống bằng nghề đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản trên sông rơi vào cảnh kiệt quệ, bệnh tật, đói nghèo. Tuy nhiên, thời gian đầu, để tiếp cận được với người dân, chị Hà gặp rất nhiều khó khăn, bế tắc.
“Tôi đã vào vai phóng viên, nhà điều tra xã hội học, nhà nghiên cứu nông nghiệp thổ nhưỡng để tiếp cận nhân dân nhưng tất cả đều thất bại. Người dân ở đây không nghe, không tiếp vì đề phòng với tất cả mọi người” - thượng tá Hà nhớ lại.
Cuối cùng, nữ thượng tá phải đưa thẻ ngành để thuyết phục bà con. Sau đó, thêm nhiều sự cố gắng, tổ công tác của chị Hà mới được bà con nơi đây ủng hộ tuyệt đối.
Họng xả nước thải của Vedan đặt dưới lòng sông. Vì vậy, khi nước lên, nhóm trinh sát của chị Hà di chuyển vào khu vực xả thải, khi nước rút thì ở lại để tìm họng xả. Trong quá trình tìm họng xả, chị Hà kể, có đợt, chị và đồng nghiệp bị mắc kẹt tới 1,5 ngày.
“Đói, rét và nguy hiểm. May sao, 1 người dân đi cùng tìm được 9 con tôm nhỏ. 3 chị em bỏ lên bếp dầu để rang, nhưng đang rang dở thì hết dầu. 3 chị em vẫn chia nhau ăn, mỗi người 3 con rồi tiếp tục chiến đấu” - nữ trinh sát nhớ lại.
Sau này, khi chuyên án đã thành công, Vedan đã bị xử phạt và những người dân bị ảnh hưởng đã được giải quyết đền bù, chị Hà mới quay trở lại địa bàn thì bất ngờ nhận được món quà vô giá.
“Tôi chỉ báo cho chú trưởng ấp về việc mình sẽ đến nhưng khi tôi xuất hiện, có khoảng 200 người dân đang đón tôi. Tất cả những con tôm, con cua… đánh bắt được, họ mang ra nấu cho tôi ăn hết. Tôi ngồi giữa bà con, người bóc cho tôi con tôm, người xắn cho tôi miếng cá…, vừa ăn vừa cảm động vô cùng. Điều đó làm tôi hạnh phúc lắm” - chị Hà nói, ánh mắt đầy niềm tự hào.
Phía sau thành công
Bên cạnh chuyên án xử phạt Vedan, nữ trinh sát xinh đẹp này còn cùng đồng đội triệt phá thành công nhiều chuyên án lớn có ý nghĩa đặc biệt như chuyên án buôn lậu thuốc lá; đánh sập đường dây buôn lậu xăng dầu xuyên quốc gia… và hàng loạt chuyên án bóc gỡ các đường dây buôn lậu đồ điện tử, mỹ phẩm và hàng hóa lậu qua biên giới.
Đó là những chiến công mà không phải người đàn ông nào cũng có thể làm được.
Tuy nhiên, khi nói về những chiến công này, thượng tá Trịnh Thị Hà cho rằng, bên cạnh sự tin tưởng, hỗ trợ của các lãnh đạo, các đồng đội, chị phải biết ơn những người thân trong gia đình.
“Tôi có một cô con gái tự lập và một gia đình tuyệt vời. 4 anh chị em tôi đều đã có gia đình riêng nhưng buổi tối vẫn tụ họp bên mẹ và ăn cơm cùng nhau. Chính vì thế, khi tôi có chuyến công tác xa, dài ngày tôi đều nhận được sự chia sẻ, hỗ trợ của gia đình.
Bạn biết đấy, khi làm án, nguyên tắc của chúng tôi là phải giấu mình. Đã vào chuyên án thì việc liên lạc với gia đình là rất ít. Vì vậy, nếu không có sự chia sẻ và giúp đỡ của người thân, chắc chắn tôi sẽ sẽ không hoàn thành được nhiệm vụ” - nữ thượng tá xinh đẹp chia sẻ.
Ngày 15/10, thượng tá Trịnh Thị Hà, được nhận Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam 2018.
Đây là giải thưởng cấp quốc gia quan trọng dành cho phụ nữ Việt Nam nhằm ghi nhận những cống hiến, tài năng, sức sáng tạo của họ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Được biết, 22 năm trước, chị Hà là người tốt nghiệp thủ khoa trường Cảnh sát nhân dân. Trong quá trình công tác, bên cạnh nhiều bằng khen, giải thưởng, chị Hà còn 2 lần được thăng quân hàm và nâng lương trước niên hạn bởi những thành tích đặc biệt xuất sắc.
Theo Vietnamnet