Nhắc đến Nhữ Thị Khoa (SN 1971, quê ở Ứng Hòa, Hà Nội) hẳn nhiều người sẽ cảm thấy cái tên đó, sao nghe có chút gì quen quen. Vào quãng thời gian 2003-2005, chị từng được mệnh danh là "cô gái vàng" của làng thể thao Việt Nam.
Lần đầu tiên, công chúng nhớ tên chị là vào năm 2003 khi chị tham gia giải Tiền Para Games (Hà Nội) và bất ngờ giành được 3 HCV. Đang đà bước lên bục vinh quang, tháng 12/2003, tại giải Para Games 2 (Việt Nam), chị Khoa tiếp tục giành được 5 HCV. Năm 2005, tại giải Tiền Para Games, VĐV khuyết tật Nhữ Thị Khoa bước lên đỉnh cao của sự nghiệp thi đấu khi xuất sắc giành được 3 HCV và đến Para Games 3 (Philippines) đạt được 5 HCV (trong đó có 3 HCV cá nhân và 2 HCV đồng đội) đồng thời phá 3 kỷ lục Para Games.
Với những đóng góp đó, trong hai năm 2003, 2005, chị được bầu chọn danh hiệu là 1 trong 5 vận động viên xuất sắc đồng thời được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng nhì cùng nhiều bằng khen của các ban ngành.
Đối với một người khuyết tật như chị Khoa, con số 16 HCV thực sự là một điều không tưởng. Những ánh hào quang rực rỡ trong sự nghiệp cứ ngỡ sẽ giúp chị thoát khỏi hoàn cảnh khó khăn và vươn đến một cuộc sống hạnh phúc hơn trong tương lai nhưng trái lại, phía sau đấu trường Para Games, cuộc đời chị vẫn tiếp tục viết lên những trang u ám, đượm buồn như nó vốn có từ khi chị sinh ra.
Phận đời hẩm hiu của nhà vô địch mưu sinh bằng nghề bán bánh mỳ
“Nghe bố mẹ kể lại thì tôi sinh ra cũng bình thường, nhưng năm lên 3 tuổi, sau một cơn sốt thì đôi chân của tôi teo dần, sau đó là không còn cử động được nữa”, chị Khoa nói về nguyên nhân khiến đôi chân bị tật.
Mang trong mình khuyết tật, phải chịu đựng nhiều nỗi thiệt thòi nhưng người phụ nữ này vẫn vô cùng mạnh mẽ. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo, đông con ở vùng quê nông nghiệp Ứng Hòa - Hà Nội, từ khi còn rất trẻ, Nhữ Thị Khoa đã sớm có nguyện ước được sống tự lập. "Tôi không muốn mình mãi là gánh nặng cho gia đình. Vì thế, khi thấy các bạn cùng trang lứa đua nhau ra thành phố làm ăn, tối cũng tất tả đi theo".
Một mình một xe lăn, VĐV Nhữ Thị Khoa kiên cường đấu tranh với sự xô đẩy khắc nghiệt của cuộc sống. Không tìm được công việc ổn định, chị tự mình lặn lội đi bán bánh mỳ trên phố Trần Xuân Soạn. Cuộc sống cứ thế êm đềm trôi đi cho đến một ngày, duyên số đã đưa chị đến với bộ môn thể thao điền kinh dành cho người khuyết tật.
Chị Khoa và con gái Yến Chi.
Vất vả sớm hôm tập luyện, cống hiến sức mình cho sự nghiệp thể thao, "cô gái vàng" ấy từng cảm thấy vô cùng mãn nguyện và hạnh phúc khi liên tiếp gặt hái được nhiều thành công trong thi đấu. Tuy nhiên, những tấm HCV ấy lại không giúp cuộc sống của chị Khoa được cải thiện. Khi bước ra khỏi những đường chạy trên xe lăn, nhà vô địch Nhữ Thị Khoa lại tất bật với công việc mưu sinh bán bánh mỳ rong trên đường phố Hà thành.
Không chỉ chiến thắng trên đường chạy Para Games, Nhữ Thị Khoa còn là một biểu tượng cho nghị lực can trường của người khuyết tật - (Ảnh: Phunutoday).
Khi rời bỏ đường đua, chị Khoa lại tất bật với công việc mưu sinh - (Ảnh: TTXVN).
Năm 2005, khi đang ở đỉnh cao của sự nghiệp, chị Khoa bất ngờ dừng thi đấu để lập gia đình. Hạnh phúc những tưởng đã mỉm cười nhưng rồi không lâu sau khi tổ chức đám cưới, chị Khoa lại phát hiện ra rằng mình chỉ là vợ thứ.
Đắng cay, chua chát nhưng chị Khoa vẫn không một lời oán trách người đàn ông ấy. "Tôi cứ xem như ngoài mình ra, anh ấy còn có thêm một trách nhiệm khác cần hoàn thành. Bản thân anh ấy cũng đã cố hết sức nhưng có lẽ vì hoàn cảnh không cho phép nên không thể lo cho mẹ con tôi được nhiều".
Nước mắt chua xót của người mẹ có con ung thư
Năm 2006, chị Khoa hạ sinh một bé gái kháu khỉnh và đặt tên là Nhữ Thị Yên Chi. Không có cuộc sống hôn nhân hạnh phúc hay dư dả về vật chất nên chị Khoa luôn tin rằng, bé Chi là một món quà vô giá mà ông trời đã ban cho chị.
"Từ ngày có con, tôi thấy cuộc sống của mình luôn tràn ngập hạnh phúc. Những lúc mài mặt trên phố bán bánh mỳ, chỉ cần nghĩ đến nó, bao nhiêu vất vả, mệt nhọc đều tan biến vào hư không" - chị khoa tâm sự.
Giữa lúc cuộc sống đang vẽ nên những khuôn hình tươi sáng ấy thì vào tháng 8/2014, đứa con gái duy nhất của chị bất ngờ được các bác sỹ chẩn đoán mắc chứng bệnh rối loạn sinh tủy. Đó thực chất là một dạng bệnh ung thư khiến bệnh nhân không còn khả năng sản sinh ra hồng cầu, luôn cần tiếp máu để duy trì sự sống. Bên cạnh đó, người bệnh thường xuyên rơi vào tình trạng mệt mỏi vì thiếu máu, cơ thể xuất hiện các vết bầm tím không rõ lý do.
Căn nhà nhỏ bé, chật chội của mẹ con chị Khoa.
Những nỗi lo âu luôn hiện hữu trên gương mặt của người đàn bà khắc khổ.
Những nỗi lo âu luôn hiện hữu trên gương mặt của người đàn bà khắc khổ.
Vì căn bệnh quái ác nên bé Chi thường cảm thấy mệt mỏi, hay làm nũng mẹ.
"Bây giờ nghĩ đến con gái, tôi không còn cảm thấy vui vẻ được nữa. Nó còn quá bé bỏng... Trời ơi, nó làm sao biết được rằng sự sống của bản thân mình giống như ngọn đèn trước gió, có thể bị dập tắt trong một sớm, một chiều" - chị Khoa nghẹn ngào.
Chị Khoa cho biết, bệnh của bé Chi ngày càng nặng hơn, tháng nào cũng phải nhập viện truyền máu. "Đợt này con phải truyền nhiều hơn trong khi đó, bảo hiểm lại không chi trả được hết 100% nên số tiền tôi tích cóp được để chạy chữa cho con gần như đã cạn kiệt..." - chị Khoa nức nở.
Chị tâm sự, vì mất nhiều thời gian chăm con nên việc buôn bán, làm ăn của chị ngày càng khó khăn. Có đợt bé Chi nằm viện, chị Khoa phải nghỉ cả nửa tháng để chăm con, thành ra bao nhiêu khách quen gây dựng cũng không còn bởi họ cứ nghĩ chị đã ngừng bán hàng. Bán bánh mỳ vốn chẳng được lời lãi là bao, bây giờ vì không có khả năng đi làm thường xuyên nên chị Khoa gần như là một người không có thu nhập.
Thương con, người phụ nữ một thời từng là biểu tượng của nghị lực phi thường cũng không kìm nổi nước mắt. "Nghĩ đến con, từng đêm nước mắt tôi cứ trào ra trong vô thức, không biết phải làm sao để cứu con" - chị Khoa dằn vặt.
Ngồi giữa căn nhà nhỏ xíu, méo mó nằm trong ngõ 102 trên đường Kim Ngưu, chị Khoa nói: "Giá mà căn nhà này có sổ đỏ, tôi cũng bán luôn để lấy tiền cứu con nhưng ngặt nỗi không ai mua nên đành chịu".
Giữa những đớn đau cùng cực của số phận, chị Khoa thốt lên: "Có những lúc tôi thầm ước, giá những tấm HCV kia là thật thì tốt biết bao, tôi có thể dùng nó để cứu con mình".
Chị Khoa cho biết, nguyện vọng lớn nhất của chị lúc này là làm sao có thể kiếm được thật nhiều tiền để cứu con.
Trong khi đang ở đỉnh cao vinh quang của sự nghiệp thi đấu, khi rời khỏi đường đua, VĐV khuyết tật Nhữ Thị Khoa lại một mình âm thầm bán bánh mỳ rong trên phố nghĩ cách mưu sinh. Hơn 10 năm sau, khi ánh hào quang với chị đã dần trở thành một kỷ niệm "vang bóng", người phụ nữ ấy cũng vẫn lặng lẽ, âm thầm chiến đấu để vượt thoát số phận. Chỉ có điều, "đấu trường" mưu sinh với chị ngày càng trở nên khốc liệt và gian nan hơn khi ngoài bản thân mình, chị còn gánh thêm trách nhiệm giành giật sự sống cho con gái. "Tôi vẫn không biết làm cách nào trị khỏi tận gốc bệnh của cháu nhưng còn nước còn tát. Nếu có tiền, tôi mong có thể đưa con đi bác sĩ giỏi nhất hoặc chí ít, tôi cũng có khả năng tiếp tục đưa con đi truyền máu, kéo dài sự sống vốn rất mong manh của nó" - chị Khoa ứa nước mắt nói.
Theo Tri Thức Trẻ