Núi lửa Merapi phun trào từ ngày 3/12 (Ảnh: Reuters).
Guardian dẫn thông tin từ lực lượng cứu hộ cho hay, họ đã tìm cách sơ tán những người leo núi khi núi lửa Merapi có dấu hiệu phun trào. Tuy nhiên, trong số 75 người leo núi, có 26 người không thể sơ tán, trong đó 12 người vẫn còn mất tích, 14 người được tìm thấy nhưng chỉ có 3 người sống sót, còn 11 người đã thiệt mạng.
Merapi bắt đầu hoạt động trở lại từ đầu năm nay, nhưng không gây thương vong. Đây là một trong hơn 120 núi lửa hoạt động ở Indonesia.
Núi lửa Merapi phun trào cột khói bụi cao tới 3.000m vào hôm 3/12, khiến những người leo núi bị mắc kẹt và bị thương. Tro bụi của núi lửa cũng lan rộng ra một số ngôi làng lân cận.
Một nhà leo núi được lực lượng cứu hộ giải cứu (Ảnh: Reuters).
Ahmad Rifandi, một quan chức của Trung tâm giảm thiểu nguy cơ địa chất và núi lửa Indonesia tại Indonesia, cho biết hai tuyến đường leo núi đã bị đóng cửa sau vụ phun trào và người dân sống trên sườn Merapi được khuyến cáo nên ở cách miệng núi lửa 3km vì núi lửa có thể phun trào dung nham.
Tuy nhiên, khoảng 75 nhà leo núi đã bắt đầu hành trình leo lên ngọn núi cao gần 2.900m từ hôm 2/12.
Giới chức trách đã cảnh báo sơ tán đối với các hộ dân sống gần núi lửa (Ảnh: Reuters).
Hari Agustian, một quan chức của Cơ quan Tìm kiếm và Cứu nạn địa phương ở Padang, thủ phủ tỉnh Tây Sumatra, cho biết hơn 160 nhân viên, bao gồm cảnh sát và binh lính, đã được triển khai để tìm kiếm họ. Công tác cứu hộ được triển khai xuyên đêm với hy vọng có thể đưa tất cả các nhà leo núi xuống nơi an toàn.
Video đăng tải trên mạng xã hội cho thấy những người leo núi được sơ tán trong tình trạng khuôn mặt và tóc dính đầy bụi núi lửa.
Ông Agustian cho hay, 8 người trong số những người được giải cứu đã được đưa đến bệnh viện trong tình trạng bỏng và một người bị gãy chân tay.
Theo Dân Trí